Dù chương trình mua lúa gạo tạm trữ đã được triển khai nhưng nông dân vẫn khó bán lúa - Ảnh: Đức Vịnh |
Theo đó, với các vướng mắc thuộc phạm vi của Bộ NN&PTNT sẽ được xử lý trước, còn vướng mắc thuộc các bộ ngành khác Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến để giải quyết. Trường hợp những khó khăn vượt thẩm quyền của các bộ, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị lên Thủ tướng giải quyết kịp thời.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã trao đổi với Tuổi Trẻ như vậy trong chiều 16-3.
Giao chỉ tiêu cho cả doanh nghiệp thua lỗ?
Theo ghi nhận ngày 16-3 tại một số đơn vị mua tạm trữ lúa gạo, vốn từ các ngân hàng (NH) vẫn được giải ngân chậm nên tiến độ mua lúa gạo tạm trữ của họ không thể đẩy nhanh.
Tại cuộc họp ban chấp hành Hiệp hội Lương thực VN (VFA) hồi cuối tuần trước, thông tin đưa ra là sau 1/3 thời gian triển khai kế hoạch mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân năm nay, các doanh nghiệp mới chỉ đạt 12% kế hoạch.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do các NH không giải ngân để doanh nghiệp mua vào. Để giải quyết, VFA đã thống nhất sẽ có kiến nghị lên NH Nhà nước can thiệp để các NH thương mại có chính sách giải ngân cho các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo.
Theo Cục Trồng trọt, tính đến ngày 11-3 các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hoạch 810.000ha trong tổng số 1,557 triệu ha lúa vụ đông xuân với năng suất khoảng 6,7-6,8 tấn/ha, sản lượng khoảng 5,46 triệu tấn lúa. |
Trước đó, VFA đánh giá đợt mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân năm nay có nhiều điểm tích cực do Chính phủ và Bộ NN&PTNT triển khai sớm và bài bản ngay từ đầu vụ, trong khi VFA công bố công khai bảng phân bổ chỉ tiêu đến từng doanh nghiệp, địa phương với tiêu chí rõ ràng.
Cụ thể VFA phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp theo tiêu chí là có đăng ký mua tạm trữ vụ đông xuân 2015-2016, có thành tích mua tạm trữ vụ đông xuân 2013-2014, có năng lực xuất khẩu và tiêu thụ lượng lúa gạo tạm trữ và có tham gia mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính kém vẫn được VFA xếp vào danh sách mua lúa gạo tạm trữ, dẫn đến tình trạng không được NH cho vay nên không thể mua lúa gạo.
Theo một chuyên gia ngành lúa gạo, việc doanh nghiệp chậm mua lúa gạo do không vay được tiền một phần do lỗi của VFA trong việc xét tuyển chỉ tiêu phân bổ mua lúa gạo tạm trữ. VFA cho biết việc phân bổ chỉ tiêu thu mua dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có năng lực xuất khẩu và tiêu thụ lượng lúa gạo tạm trữ.
Để đạt được điều này, doanh nghiệp phải có tình hình tài chính lành mạnh, NH mới giải ngân vay vốn.
Thực tế đa số doanh nghiệp không thể vay vốn được trong thời gian tạm trữ vừa qua là bị các NH đánh giá tình hình tài chính có vấn đề nên không thể giải ngân. “Như vậy, rõ ràng là lỗi của VFA đã không xét kỹ tình hình tài chính và năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu trước khi phân bổ chỉ tiêu” - vị chuyên gia này cho biết.
Ngân hàng cân nhắc trước khi cho vay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều NH có tên trong danh sách 17 NH cho vay mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân năm 2014-2015 cho biết đã bắt đầu giải ngân cho doanh nghiệp vay mua tạm trữ. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân nhanh hay chậm còn tùy thuộc tình hình tài chính của từng doanh nghiệp.
Đại diện Eximbank cho biết đến thời điểm này đã giải ngân 100 tỉ đồng, dự kiến dư nợ cho vay tạm trữ năm nay sẽ bằng với mức năm ngoái là 500 tỉ đồng. Khách hàng được cho vay bao gồm cả doanh nghiệp thành viên của Vinafood 2 và các doanh nghiệp khác là khách hàng của NH.
“Năm ngoái, một số doanh nghiệp vay tạm trữ bị lỗ do chọn thời điểm không thuận lợi. Với những doanh nghiệp này, nếu năm nay có nhu cầu vay NH sẽ xem xét kỹ dựa trên tổng thể nhiều yếu tố. Trong đó sẽ xem xét kỹ xem khoản lỗ do nguyên nhân khách quan hay chủ quan vì một số doanh nghiệp vay nhưng sử dụng khoản vay vào mục đích khác. Nhưng quan điểm của NH không phải là lỗ thì không cho vay” - vị đại diện này cho biết.
Những NH khác cũng chung quan điểm này. Ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, cho biết khi cho vay NH phải đảm bảo thu hồi vốn, do vậy phải thẩm định kỹ năng lực, phương án cũng như khả năng tiêu thụ sau thu mua.
Với những doanh nghiệp đã lỗ ở vụ trước, NH sẽ xem xét kết quả kinh doanh của cả năm tài chính 2014 của doanh nghiệp, nếu cả năm tài chính 2014 doanh nghiệp vẫn lỗ thì NH rất khó để cho vay. Cũng theo ông Thọ, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã được giải ngân tuy nhiên NH chưa có số liệu cụ thể.
Còn lãnh đạo OCB cho biết đến nay mới giải ngân cho vay với khoảng ba doanh nghiệp nằm trong danh sách được mua tạm trữ. “Đương nhiên những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả NH mới cho vay” - lãnh đạo NH này nói.
ACB cũng đã đăng ký hạn mức với NH Nhà nước và bắt đầu giải ngân cho vay tạm trữ. Về việc NH có cho những doanh nghiệp từng bị lỗ năm trước vay mua tạm trữ hay không, lãnh đạo NH này nói NH không có chính sách chung mà sẽ xem xét từng khách hàng dựa trên nhiều yếu tố như thẩm định tài chính, bảo lãnh, tài sản khác thế chấp, phương án kinh doanh...
Sẽ giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp có năng lực Chiều 16-3, ông Nguyễn Minh Tho - giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long - cho biết tại buổi làm việc với các doanh nghiệp và NH trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động mua lúa tạm trữ, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh mua lúa hàng hóa trên cánh đồng mẫu lớn theo hợp đồng. Đồng thời yêu cầu chi nhánh NH Đầu tư Vĩnh Long khẩn trương giải ngân bổ sung hạn mức cho vay tín dụng đối với một doanh nghiệp được phân chỉ tiêu mua 15.000 tấn nhưng chưa thể tiếp cận vốn vay tạm trữ. Đối với doanh nghiệp còn lại có khả năng không tiếp cận được nguồn vốn tạm trữ, được phân giao 12.000 tấn, tỉnh sẽ đề xuất VFA phân giao lại cho ba doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 10.000 tấn để đảm bảo mua đạt chỉ tiêu. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua trên địa bàn cũng phải tích cực liên hệ tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn cho vay ưu đãi nhằm triển khai mua lúa sớm. Nếu đến ngày 23-3 không mua được, sẽ đề xuất VFA phân giao chỉ tiêu này cho các doanh nghiệp khác. Ông Tho cũng cho biết về lâu dài, UBND tỉnh sẽ đề xuất VFA kết nạp và phân giao chỉ tiêu đối với những doanh nghiệp trên địa bàn có năng lực nhưng chưa là thành viên của hiệp hội để tham gia mua tạm trữ những vụ mùa tới. Theo ông Tho, do số lượng doanh nghiệp được giao tham gia mua tạm trữ ít (năm doanh nghiệp), chỉ tiêu được giao thấp (28.000 tấn quy gạo) so với nhu cầu tiêu thụ (tương đương 220.000 tấn quy gạo), nên hoạt động tiêu thụ lúa trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số năm doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ, đến nay chỉ mới có hai doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay tạm trữ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận