03/01/2008 18:16 GMT+7

Lắp đặt máy hỗ trợ tim

BS VŨ NGỌC HUY
BS VŨ NGỌC HUY

TTO - Tôi năm nay 40 tuổi, năm 2004 tôi có đi khám và cắt bệnh trĩ ngoại, sau khi khám tim mạch (bệnh viện Việt Đức Hà Nội) thì BS nói nhịp tim quá chậm (40 nhịp/phút), sau khi tiêm thuốc atropin để kích thích tim nhưng nhịp cũng chỉ đạt đến 42 nhịp/phút, khám điện tim, siêu âm thì tim không bị các vấn đề gì khác.

QSoZNyND.jpgPhóng to
TTO - Tôi năm nay 40 tuổi, năm 2004 tôi có đi khám và cắt bệnh trĩ ngoại, sau khi khám tim mạch (bệnh viện Việt Đức Hà Nội) thì BS nói nhịp tim quá chậm (40 nhịp/phút), sau khi tiêm thuốc atropin để kích thích tim nhưng nhịp cũng chỉ đạt đến 42 nhịp/phút, khám điện tim, siêu âm thì tim không bị các vấn đề gì khác.

Năm 2007 tôi ra bệnh viện Việt Xô khám điện tim đồ, siêu âm .. thì tim vẫn bình thường nhưng nhịp tim chậm 38 nhịp/phút, BS có khuyên nên lắp đặt máy hỗ trợ tim.

Cho tôi được hỏi. 1/ Nếu lắp đặt máy hỗ trợ tim thì nhịp tim sẽ tăng lên nhưng có ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt bình thường không. 2/ Thời gian sử dụng máy hỗ trợ tim bao lâu, sau khi hết sử dụng có phải thay máy khác không? (Nguyễn Hồng Minh)

Trả lời của phòng mạch online:

Anh Hồng Minh thân mến,

Nhịp tim của một người bình thường lúc sinh hoạt vào ban ngày dao động từ 60 – 100 lần/ phút. Với một tần số đập như trên, tim sẽ cung cấp đủ lượng máu nuôi và oxy cho toàn bộ cơ thể. Khi ta hoạt động gắng sức nhiều (làm việc nặng, chơi thể thao...) thì nhịp tim sẽ tăng lên (có thể trên 100) để đáp ứng với nhu cầu năng lượng gia tăng, ngược lại khi nghỉ ngơi thì nhịp tim sẽ tự động chậm lại (nhịp tim khi ngủ có thể chỉ 40 lần/phút). Tuy nhiên, ở một số người khoẻ mạnh (thường là vận động viên thể thao), nhịp tim bình thường của họ chậm dưới 60 lần/phút.

Khi nhịp tim đập chậm dưới một mức giới hạn nào đó (tùy người), lượng máu và oxy bơm đi nuôi cơ thể không đủ dẫn đến các triệu chứng mỏi mệt, chóng mặt và nặng hơn là ngất (danh từ y khoa tiếng Anh là SYNCOPE). Đây là một hậu quả rất nặng nề của nhịp tim chậm, có thể gây đột quị, thậm chí tử vong (đột tử). Chính vì vậy, chỉ định đặt máy tạo nhịp tim (tiếng Anh là PACEMAKER) được đặt ra không dựa trên nhịp chậm bao nhiêu mà chủ yếu là dựa trên nhịp chậm đó có gây ra triệu chứng hay không:

* Bắt buộc đặt máy tạo nhịp cho những bệnh nhân bị nhịp tim chậm (<60lần/phút lúc thức) có gây biến chứng:

- Ngất hoặc chóng mặt nhiều (triệu chứng thiếu oxy não).

- Tụt huyết áp.

- Khoảng ngưng tim dài trên 3 giây.

* Nên đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân bị nhịp tim chậm (< 60 lần/phút lúc thức) có:

- Đau ngực do thiếu máu nuôi tim.

- Suy tim (nhịp tim chậm kéo dài nhiều năm có thể làm tim dãn lớn và suy tim).

- Nhịp tim chậm thường xuyên < 40 lần/phút.

Trường hợp của anh, mặc dù nhịp tim chậm khoảng 40 lần/phút nhưng anh vẫn thấy “bình thường”, có thể vì nhịp tim chậm đi dần dần trong nhiều năm khiến cơ thể thích nghi, một phần vì anh chơi thể thao nhiều nên nhịp tim đã chậm sẵn.

Tuy nhiên nếu để kéo dài tình trạng này thì có thể triệu chứng sẽ xảy ra trong tương lai (ngất xỉu, suy tim...). Vì vậy theo tôi, anh nên đồng ý để các bác sĩ đặt máy tạo nhịp sớm, dự phòng những tình huống xấu.

Nhịp tim do máy phát ra là bao nhiêu thì sẽ do bác sĩ điều trị điều chỉnh cho phù hợp với cơ thể của anh (tất cả các máy tạo nhịp đều có thể điều khiển được từ bên ngoài bằng máy chương trình). Anh không nên quá lo vì nhiệm vụ của bác sĩ không phải chỉ là mổ đặt máy vào cơ thể anh mà còn phải điều chỉnh máy sao cho phù hợp với anh, sao cho anh vẫn sinh hoạt bình thường được (máy càng tối tân, càng có nhiều chức năng “bắt chước” hoạt động của tim người bình thường).

Về thời gian sử dụng máy, do máy dùng pin nên chắc chắn phải có lúc “cạn nguồn năng lượng”! Thường thì người ta cài đặt cho máy như “người lính gác”, khi nhịp tim của anh ở mức an toàn thì máy sẽ ngưng phát điện, khi nào nhịp tim anh chậm dưới mức an toàn thì máy sẽ tự động phát điện để “giúp” tim anh đập nhanh lên theo yêu cầu.

Vì vậy nếu tim anh đập chậm nhiều thì máy sẽ phát điện nhiều và sẽ mau hết pin hơn. Thời gian “sống” trung bình của máy tạo nhịp khoảng từ 8 – 10 năm. Khi máy sắp hết pin sẽ có những dấu hiệu báo động (bác sĩ khám bệnh dùng máy chương trình sẽ biết), khi đó anh sẽ thay máy mới (pin gắn liền với máy).

Máy tạo nhịp là một lãnh vực khá phức tạp trong tim mạch nên rất khó giải thích rõ ràng và cụ thể cho anh qua báo. Anh nên đến khám ở các trung tâm y khoa lớn có chuyên khoa tim mạch để được tư vấn kỹ hơn.

Chúc anh khoẻ.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected]

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS VŨ NGỌC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp