Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thành phố đã lên kế hoạch lắp đặt 1.900 bộ đèn tín hiệu giao thông cho xe rẽ phải tại 524 giao lộ để giảm kẹt xe và được chia làm hai đợt.
Đợt 1 dự kiến lắp 500 bộ đèn, trong đó 80 bộ tại 38 giao lộ đã hoàn thành. Tính đến nay, 373 bộ đèn rẽ phải đã được lắp đặt tại 157 nút giao, và dự kiến đạt 500 bộ vào ngày 20-1.
Việc lắp đèn rẽ phải đã cho thấy hiệu quả ban đầu, giảm tình trạng kẹt xe tại nhiều giao lộ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hoạt động tốt nhất, việc điều chỉnh thời gian đèn sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Lắp biển cấm rẽ phải là đủ?
Nhiều người dân cho rằng thay vì lắp đèn rẽ phải tại tất cả các giao lộ, chỉ nên lắp biển cấm rẽ tại những vị trí không được phép, và tại các giao lộ không có biển cấm, xe sẽ mặc định được rẽ phải.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý bảo trì và khai thác công trình thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - khẳng định cách làm này không phù hợp và vi phạm luật giao thông.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) quy định tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. Đối với các trường hợp thông thường, người đi đường không được đi bất cứ hướng nào khi gặp đèn đỏ.
Trường hợp nút giao thông tổ chức cho rẽ phải (thể hiện bằng tín hiệu đèn mũi tên màu xanh hoặc biển báo phụ) thì người lái xe được phép rẽ phải khi đèn đỏ mà không vi phạm, không bị xử phạt. Bên cạnh đó, xe được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu người phân luồng giao thông đang làm nhiệm vụ ra hiệu lệnh cho phép.
Tiếp tục khảo sát sau khi lắp đèn rẽ phải
Cũng theo ông Hải, không phải tất cả các nút giao đều có thể lắp đèn tín hiệu rẽ phải. Nhiều giao lộ không đảm bảo diện tích hoặc có mật độ giao thông không phù hợp để xe rẽ phải. Đối với những nơi không an toàn, vẫn phải hạn chế rẽ phải để tránh xung đột giao thông (chỗ cấm rẽ phải rất nhiều - PV).
Một ví dụ là giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, dù trước đó đã lắp đèn tín hiệu rẽ phải nhưng vào giờ cao điểm vẫn có xe bị cản trở do tình trạng đậu xe lấn chiếm vạch xương cá, làm giảm hiệu quả thông thoáng nên cũng cần xem xét, tính toán trong thời gian tới.
"Sau khi lắp đèn rẽ phải, chúng tôi còn phải đi khảo sát thường xuyên từng giao lộ để xem có phù hợp trong nhiều khung giờ hay ảnh hưởng tới các giao lộ lân cận hay không để điều chỉnh", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết thêm bên cạnh việc lắp đặt đèn tín hiệu, Sở Giao thông vận tải đã và đang khảo sát để tạo thêm lối rẽ phải cho xe cộ bằng cách thu nhỏ tiểu đảo, dải phân cách để mở thêm làn rẽ phải hoặc gọt bớt vỉa hè ở các đoạn đường rộng.
Việc cải tạo này đòi hỏi kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố hạ tầng như cây xanh, ống nước và không gian giao thông để đảm bảo an toàn.
TP.HCM sẽ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều hành linh hoạt hệ thống đèn giao thông tại các giao lộ như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Phạm Văn Đồng. Việc này có thể tự động điều chỉnh từ xa theo lượng xe, giảm ùn tắc.
Kẹt xe không phải vì nghị định mới
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tình trạng kẹt xe tăng cao gần đây không phải do việc áp dụng nghị định 168, mà do nhu cầu đi lại dịp cận Tết tăng khoảng 11% tại khu vực trung tâm và việc hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường tổ chức lễ hội.
Nghị định 168 đã mang lại những chuyển biến tích cực. Các vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy xe lên vỉa hè giảm rõ rệt, góp phần làm giao thông trật tự hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận