26/01/2016 09:17 GMT+7

Lào không muốn Biển Đông bị quân sự hóa

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được đánh giá là gây áp lực lên Trung Quốc trong nhiều vấn đề, từ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đến Biển Đông.

 

Ngoại trưởng Mỹ (thứ hai từ trái sang) cùng đại sứ Mỹ tại Lào Daniel Clune (trái) trong buổi hội đàm với ngoại trưởng Lào ở Vientiane ngày 25-1 - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ (thứ hai từ trái sang) cùng đại sứ Mỹ tại Lào Daniel Clune (trái) trong buổi hội đàm với ngoại trưởng Lào ở Vientiane ngày 25-1 - Ảnh: Reuters

Mọi quốc gia đều phải tuân theo khuôn khổ của luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm tự do hàng hải trên Biển Đông

Tổng thống BARACK OBAMA phát biểu hôm 24-1

Hôm nay 26-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt tại Campuchia hội đàm với Thủ tướng Hun Sen. Đây là điểm dừng chân thứ hai của ông Kerry sau thủ đô Vientiane của Lào.

Ông Kerry từng thăm Campuchia vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 trong tư cách nghị sĩ Mỹ. Ông từng đóng vai trò cầu nối trong việc kêu gọi Chính phủ Campuchia thúc đẩy xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ.

Báo Wall Street Journal đánh giá bên cạnh việc giải quyết các vấn đề song phương, chuyến thăm Lào, Campuchia của ông Kerry lần này thể hiện nỗ lực của Washington trong việc tái cân bằng, giảm thiểu sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.

Lào lên tiếng

Theo Reuters, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 25-1, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tuyên bố Vientiane, với tư cách chủ tịch ASEAN, mong muốn quyền tự do hàng hải được tôn trọng và không để xảy ra tình trạng quân sự hóa trên Biển Đông.

“Ông ấy thể hiện rõ mong muốn một ASEAN đoàn kết và quyền tự do hàng hải được tôn trọng. Ông ấy cũng muốn tránh xung đột và quân sự hóa” - Ngoại trưởng Kerry kể lại cuộc hội đàm với Thủ tướng Thammavong.

Ông Kerry là ngoại trưởng Mỹ thứ ba thăm Lào, sau ông John Foster Dulles năm 1955 và bà Hillary Clinton năm 2012.

“Điều quan trọng là Lào giữ một vai trò tích cực trong khối ASEAN, vì chính ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống luật pháp tại châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có quyền lên tiếng trong mọi vấn đề chung” - ông Kerry chia sẻ về vai trò chủ tịch ASEAN của Lào.

Giới quan sát nhận định chiến lược khích lệ tính đoàn kết trong khối ASEAN của ông Kerry vào thời điểm này nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và 10 nhà lãnh đạo ASEAN tại California (Mỹ) vào ngày 15 và 16-2.

Ngoài vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Kerry cũng thảo luận các khoản viện trợ cho Lào, trong đó có công tác tháo gỡ bom mìn từ thời chiến tranh.

Một quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ các cam kết viện trợ khác có thể được đưa ra khi Tổng thống Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào tháng 9. Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử thăm đất nước Lào.

Nếu Campuchia cũng gia nhập TPP...

Báo CS Monitor dẫn ý kiến chuyên gia Đông Nam Á John D. Ciorciari (ĐH Michigan) nhận định do bối cảnh khu vực hiện nay, Ngoại trưởng Kerry sẽ tập trung nhiều hơn vào các chủ đề như an ninh khu vực, giao thương... trong các cuộc gặp tại Campuchia hôm nay.

Bà Shihoko Goto, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Woodrow Wilson tại Washington, nhận xét thành công của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm vừa qua là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mối quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực ASEAN.

Việc Singapore, Việt Nam, Malaysia và Brunei tham gia TPP có thể khích lệ các nước khác, trong đó có Campuchia, thiết lập quan hệ mới với Washington.

“TPP là một hiệp định thương mại mở, cho phép các thành viên mới tham gia. Ông Kerry sẽ không bỏ lỡ cơ hội nhấn mạnh TPP luôn chào đón các nước sẵn sàng tiếp nhận những tiêu chuẩn giao thương cao hơn. Nếu Campuchia thể hiện mong muốn tham gia, điều này không chỉ giúp nâng tầm mối quan hệ với Mỹ... Nó sẽ khiến Campuchia giữ khoảng cách với Trung Quốc vì nước này không phải là thành viên TPP” - chuyên gia Goto nhận định.

Cùng nhận định, học giả người Mỹ Peter Maguire đánh giá nguồn tiền dồi dào chảy từ Trung Quốc vào Campuchia những năm qua có thể sẽ sớm không còn “dồi dào” nữa. “Nên tôi cho rằng ông Kerry có rất nhiều món trên chiếc đĩa của mình” - ông Maguire ẩn ý nói về những đề nghị Ngoại trưởng Kerry có thể đưa ra với Phnom Penh.

Theo trang VOA Khmer, đã có những dấu hiệu cho thấy tầng lớp tinh hoa Campuchia bắt đầu nhận ra rủi ro của sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trong một chuyến thăm đến Washington tuần trước, nghị sĩ Campuchia Hun Many, con trai Thủ tướng Hun Sen, phát biểu trước các thính giả tại ĐH John Hopkins: “Vấn đề nghiêm trọng mà bạn đề cập chính là sự tụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Và đúng vậy, Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ (từ Bắc Kinh)”.

Ông Hun Many cũng thừa nhận Campuchia cần những người bạn khác ngoài Trung Quốc như Nhật Bản, Mỹ..

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp