Nghề đi biển đang khan hiếm nhân lực. Trong ảnh: Ngư dân Thanh Hóa thả câu ngoài biển - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Theo thống kê trong 2 năm 2017 và 2018, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp nhận điều tra 311 vụ tai nạn trên biển làm chết 97 người và mất tích 113 người, giải cứu 13 thuyền viên bị cưỡng ép làm việc trên các tàu cá, bắt và khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi đánh nhau trên tàu cá làm chết 2 người.
Bộ đội biên phòng tỉnh này cũng phối hợp với cơ quan chức năng bắt và khởi tố 2 đối tượng là "cò" lao động về hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Xem nhẹ nghề đi biển
Những câu chuyện có nguyên nhân từ việc người lao động chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết trước khi ra khơi, không sẵn sàng với công việc này.
Các vụ tai nạn chết người thường gặp như: đêm tối rơi xuống biển mất tích, bất cẩn trong lao động, không biết bơi, mâu thuẫn đánh nhau trong khi làm việc, tự gây thương tích hoặc khống chế thuyền trưởng do sử dụng ma túy.
Cũng không loại trừ các trường hợp rơi xuống biển mất tích xuất phát từ mâu thuẫn giữa các thuyền viên hoặc với thuyền trưởng, do say sóng, không biết việc, đòi vào bờ khi phương tiện đang hành nghề...
Ngoài ra, còn có nguyên nhân sâu xa khác: xã hội còn xem nhẹ lực lượng lao động đặc thù này và cho đây chỉ là lao động phổ thông thuần túy, đơn giản, làm việc theo kinh nghiệm, xem nhẹ công tác đào tạo huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp...
Do đó chất lượng, năng suất lao động thấp, người lao động thiếu kỹ năng với nghề cũng như kỹ năng tồn tại và tự bảo vệ trên biển.
Nghề biển ngày càng hiện đại, yêu cầu người lao động chất lượng cao hơn nhưng nguồn cung lao động hạn chế, các chủ tàu phải bằng mọi cách tìm cho đủ thuyền viên.
Để đáp ứng nhu cầu, nhiều cơ sở giới thiệu việc làm dùng các chiêu dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép lao động đi trên các tàu cá xảy ra nhiều thời gian gần đây.
Người lao động thành nạn nhân
Nhiều vụ việc đã được điều tra ở Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy "cò" lao động đi biển hoạt động phạm vi địa bàn rộng.
Các đối tượng cầm đầu luôn ẩn mình để chỉ đạo các "chân rết" la cà khắp các bến xe, bến tàu, nhất là bến xe Miền Tây và Miền Đông ở TP.HCM, nhắm vào những thanh niên từ các tỉnh lên thành phố tìm việc làm.
Họ dùng chiêu tiếp cận giới thiệu việc làm như "đi làm trên tàu cá lương từ 10 triệu đồng/tháng trở lên". Ai sợ đi biển, họ lại nói "chỉ đi lựa cá ở cảng mỗi khi tàu vào...".
Sau đó, họ đưa "nạn nhân" đến TP Vũng Tàu giao cho các "đầu nậu lao động" thực chất là những tên cầm đầu đường dây.
Tại đây, các nạn nhân phải ký vào giấy vay nợ để có tiền trả công cho "xe ôm" từ TP.HCM đến Vũng Tàu và số tiền có thể trên 3 triệu đồng/người.
Nếu ai phản ứng không chịu đi biển hay đòi về thì cái "được" đầu tiên là những trận đòn nhừ tử, sau đó vẫn phải xuống tàu cá đi biển, bất chấp sức khỏe, khả năng chịu sóng gió, tay nghề đến đâu...
Chủ ghe thường phải trả 15 - 30 triệu đồng cho "cò" khi "điều" được một người lao động.
Nhiều thuyền viên ra biển rồi không được cho vào bờ, hoặc khi vào bờ thì bị các tay "cò" áp giải về nhốt ở những nơi bí mật nhằm không cho thuyền viên trốn thoát, đến ngày đi biển chúng lại "áp giải" xuống tận ghe...
Nhiều người đã phải nhảy xuống biển mong được các tàu cá khác cứu vớt, hoặc bí mật liên lạc về gia đình cầu cứu.
Cần nguồn lao động qua đào tạo
Để chủ động nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được các yêu cầu làm việc trên biển, các cơ quan hữu quan như chính quyền cơ sở, sở NN&PTNT, trung tâm giới thiệu việc làm các địa phương cần phối hợp tổ chức thông báo đến những người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện các kỹ năng.
Người làm nghề này cần có kỹ năng tồn tại trên biển, khả năng chịu sóng gió khi gặp thời tiết xấu, kỹ năng tay nghề đối với từng loại nghề (như lưới rút, lưới kéo, lưới cản, lưới chấp, lưới xù, câu mực, rập ghẹ...), kể cả đạo đức ứng xử khi làm việc trong môi trường khắc nghiệt trên biển.
Những khóa đào tạo này cần có sự tham gia của các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên có kinh nghiệm để phổ biến kinh nghiệm cũng như huấn luyện, học viên được trải nghiệm thực tế trên biển.
Cũng cần có chứng chỉ cho người hoàn thành khóa học này. Các chủ tàu sẽ tiếp cận nguồn nhân lực thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, và người lao động phải được ký hợp đồng lao động với chủ phương tiện để được đảm bảo các quyền lợi theo quy định.
Có như thế các chủ tàu mới yên tâm về chất lượng thuyền viên, người lao động cũng không lo bị lừa làm nô lệ lao động, "cò" lao động cũng không còn đất để giở chiêu.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có chế tài đủ mạnh để xử lý các chủ phương tiện sử dụng lao động từ các đối tượng "cò" lao động trái phép.
Phải nghiêm túc xem lao động trên biển là một nghề đặc thù, cần tuyển đúng người đủ sức khỏe, được đào tạo từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Các vùng biển của nước ta hiện có khoảng 11.000 loài sinh vật thủy sinh, trong đó có 110 loài cá, tổng trữ lượng cá biển là 3 - 3,5 triệu tấn và khả năng khai thác cho phép trên 1 triệu tấn mỗi năm.
Những đánh giá gần đây cho thấy trữ lượng cá nổi trung bình ở các vùng biển Việt Nam gần 2.800.000 tấn và khả năng khai thác là gần 1.400.000 tấn.
Nghề "đi bạn" vẫn cần số lượng lớn nhân lực làm việc trên các tàu đánh cá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận