16/11/2017 10:45 GMT+7

Lao động tại ASEAN, hưởng lương như nước sở tại

ĐỨC BÌNH ghi
ĐỨC BÌNH ghi

TTO - Đây là một trong những nội dung quan trọng trong bản đồng thuận về bảo vệ quyền lao động di cư vừa được các lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua.

Lao động tại ASEAN, hưởng lương như nước sở tại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí về bản đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư - Ảnh: Đ.BÌNH

Trao đổi với báo chí về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết với việc lãnh đạo ASEAN thông qua bản đồng thuận này, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được thụ hưởng các chính sách như các lao động ở các nước sở tại, đó là vấn đề bảo hiểm, lương…

* Xin ông cho biết ý nghĩa của "Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư"?

- Việc Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua Đồng thuận về bảo vệ quyền lao động di cư có ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt. Sau hơn chục năm, chúng ta tiến hành 20 cuộc Hội đàm từ cấp chuyên viên đến Hội nghị Bộ trưởng thì kỳ này, chúng ta chính thức thông qua bản Đồng thuận này.

Cũng có thể nói đây là dấu mốc rất quan trọng trong số 56 văn kiện được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này.

Duy nhất bản Đồng thuận về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư được tổ chức lấy ý kiến một cách chính thức cho thấy các nước ASEAN nói chung và Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền là lợi ích của người lao động di cư trong bối cảnh người lao động di chuyển tự nhiên, di chuyển lao động đang diễn ra trên tất cả các nước, và ngay cả các nước phái cử cũng như các nước tiếp nhận đều có nhu cầu và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động di cư.

Do đó, việc chúng ta thông qua bản Đồng thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với người lao động của các nước trong ASEAN.

* Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư?

- Không chỉ Việt Nam, mà tất cả người lao động di cư của 10 nước ASEAN đều được hưởng lợi chung. Trong đó những nước chủ động, có lực lượng lao động di cư nhiều hơn và những nước phái cử nhiều hơn sẽ được hưởng nhiều hơn.

Đối với lao động Việt Nam thì tôi cho rằng sẽ có lợi rất nhiều. Trước hết, đồng thuận hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động di cư, và người lao động di cư không bị phân biệt đối xử với người lao động chính thức và phi chính thức.

Người lao động di cư được hưởng các quyền lợi từ trước, trong và sau khi di cư. Cụ thể, người lao động di cư được cung cấp thông tin, tập huấn, định hướng trước khi đi lao động ở các nước mình di cư đến.

Thứ hai, họ được biết công khai minh bạch các chính sách khi họ đến nước tiếp nhận, bao gồm lương, bảo hiểm, cuộc sống, nhà ở…

Thứ ba, họ được cung cấp tư vấn những vấn đề luật pháp chính sách để giải quyết khi xảy ra tranh chấp khiếu nại tố cáo, và những vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về mặt pháp lý.

Thứ tư, họ được thụ hưởng các chính sách liên quan như các lao động ở các nước sở tại, đó là vấn đề bảo hiểm, lương, những vấn đề thuộc chính sách đối với người lao động di cư.

Đối với chúng ta sẽ là nước góp phần rất quan trọng hỗ trợ người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài, cũng như ta sẽ có cơ chế chính sách để giải quyết đồng bộ đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam công tác. Chúng ta sẽ có tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề lao động.

Rõ ràng di cư và dịch chuyển lao động đã trở thành xu hướng, buộc chúng ta phải hoàn thiện pháp luật lao động, tăng cường hợp tác quốc tế để chúng ta cũng như các nước tiếp nhận sẽ có cùng tiếng nói, cùng trách nhiệm chăm lo cho người lao động.

Chúng ta sẽ có cơ sở để tất cả 10 nước ASEAN trong đó có Việt Nam, có những cơ sở pháp lý với hành lang và căn cứ nhất định để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế để tạo điều kiện cho người lao động di  cư.

* Vậy chúng ta có cần chuẩn bị gì để tận dụng những cơ hội tốt nhất từ sự kiện này?

- Đương nhiên khi Việt Nam đã vào sân chơi chung, chúng ta phải chuẩn bị chủ động sớm nhất cho vấn đề này.

Việc đầu tiên là chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ cơ chế, chính sách và thể chế để vừa tạo điều kiện cho lao động di cư của chúng ta dịch chuyển, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng tư thế tiếp nhận các lực lượng lao động từ các nước đến. Trong đó, chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia kỹ thuật để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nhất là trong khu vực FDI.

Hiện nay, khu vực FDI chiếm 2,6 triệu người, đây cũng là khu vực rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho người lao động. Không thể để người lao động đi dịch chuyển lao động trong trạng thái tâm lý mà chưa được chuẩn bị về hiểu biết, kiến thức, kỹ năng, công nghệ, cũng như ngoại ngữ để khi bước vào thị trường mới, sân chơi mới, người lao động của Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động hội nhập, tham gia đầy đủ nhất ở cả trong nước và nước ngoài.

ĐỨC BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp