11/12/2018 12:00 GMT+7

Lao động nước ngoài tại Nhật: Thêm việc mà chưa thêm lương

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nhiều câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ sau khi Quốc hội Nhật thông qua luật cho phép nhận thêm lao động nước ngoài. Hai trong số những băn khoăn nổi cộm là tiền lương và mức độ chấp nhận của xã hội Nhật Bản với lao động nước ngoài.

Lao động nước ngoài tại Nhật: Thêm việc mà chưa thêm lương - Ảnh 1.

Phe đối lập thể hiện sự phản đối quyết liệt với chủ tịch Thượng viện Nhật Bản trong phiên bỏ phiếu thông qua dự luật ngày 8-12 - Ảnh: AFP

Với 161 phiếu thuận và 76 phiếu chống, hôm 8-12 Thượng viện Nhật đã thông qua dự luật mở đường cho việc nước này có thể tiếp nhận tối đa hơn 345.000 nhân công nước ngoài, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang ở mức báo động.

Dự luật gây nhiều tranh cãi và bị phản đối bởi các đảng đối lập sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4-2019. 

Đây được xem là một chiến thắng quan trọng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong nỗ lực duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản đều do liên minh Đảng Dân chủ tự do của ông kiểm soát.

Buộc ngăn chặn tình trạng cò mồi

Theo luật vừa thông qua, sẽ có hai loại thị thực mới dành cho lao động nước ngoài, cho phép tiếp nhận tối đa 345.150 lao động nước ngoài thuộc 14 lĩnh vực khác nhau. 

Số lượng lao động cụ thể và các lĩnh vực này là gì sẽ được thông báo ngay trong năm nay, theo tờ Nikkei Review.

Loại thị thực thứ nhất có hiệu lực 5 năm dành cho các thực tập sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo, thuần thục một số kỹ năng nhất định và thành thạo tiếng Nhật. Những người được cấp thị thực này bị cấm mang theo gia đình.

Loại thị thực thứ hai dành cho những lao động có tay nghề cao hơn, với thời hạn từ 1 đến 3 năm và có thể gia hạn vô thời hạn cho mục đích làm việc lâu dài. Những người này sẽ được phép mang gia đình sang Nhật cùng sinh sống.

Ngay sau khi luật được thông qua, ngay trong ngày 8-12, Ủy ban tư pháp Hạ viện Nhật đã đưa ra 10 khuyến nghị. Trong số này, đáng chú ý nhất là hai điều liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi cho lao động trong nước và ngăn chặn tình trạng cò mồi lao động nước ngoài.

Theo đó, "việc đầu tiên là tiến hành các biện pháp ưu tiên cho việc nâng cao năng suất và bảo đảm được việc làm cho nguồn lực trong nước, song song với việc đánh giá chính xác thông qua các dữ liệu khách quan để xác định được các lĩnh vực thiếu hụt nhân lực", nhằm đảm bảo việc tiếp nhận thêm lao động nước ngoài sẽ không gây thiệt hại cho lao động trong nước.

Ủy ban tư pháp Hạ viện Nhật cũng đề nghị "ngăn chặn tất cả các hình thức có sự tham gia của cò mồi, các tổ chức xấu thu tiền bất chính của lao động có tay nghề tại quốc gia phái cử. Đồng thời để tiếp nhận được nguồn nhân lực tốt, có mục tiêu nghề nghiệp tương lai rõ ràng thì cần phải liên kết với các cơ quan chính phủ của nước phái cử để xây dựng một chính sách hiệu quả nhất".

Lao động nước ngoài còn bị chèn ép

Theo dự đoán của các chuyên gia, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu tới 1,45 triệu lao động trong vòng 5 năm tới. 

Trước các chỉ trích trong nước, Thủ tướng Abe đã trấn an và khẳng định luật mới chỉ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, không phải mở cửa cho người nhập cư tràn vào nước Nhật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Nhật (đề nghị không nêu tên) tỏ ra trăn trở, cho rằng trở ngại lớn nhất chính là xã hội Nhật Bản. 

Sự trấn an của Thủ tướng Abe cho thấy người dân bình thường Nhật Bản vẫn chưa chấp nhận sự hiện diện ngày càng đông của người nước ngoài tại đất nước này.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản đang ra sức thu hút lao động nước ngoài thì chính những người sử dụng lao động tại Nhật đang đi ngược lại nỗ lực đó. 

Mức lương dành cho lao động phổ thông tại Nhật hiện đang ở mức thấp và kém cạnh tranh so với các nền kinh tế khác trong khu vực, trong khi yêu cầu lại khắt khe hơn. 

Chẳng hạn công nhân tại các nhà máy ở Tokyo trung bình kiếm được 2.406 USD/tháng, cao hơn không nhiều so với 1.992 USD/tháng ở Hong Kong và 1.630 USD/tháng tại Singapore.

Cô Eng Pise, 33 tuổi, thực tập sinh kỹ năng người Campuchia ở tỉnh Gifu, không giấu được sự thất vọng khi phải làm việc quần quật mỗi ngày từ sáng sớm đến 2-3h sáng hôm sau nhưng mức lương lại quá thấp. 

Pise kể với tờ Japan Times rằng cô chỉ được trả 300 - 500 yen mỗi giờ, trong khi lương tối thiểu của tỉnh Gifu là 800 yen.

Không ai nói với tôi là mức lương lại thấp đến như vậy. Biết vậy tôi chẳng đến Nhật. Giờ tôi chỉ muốn bỏ về quê.

Eng Pise (thực tập sinh kỹ năng người Campuchia làm việc tại Nhật)

Chính phủ Nhật đã kêu gọi các công ty nên trả lương công bằng cho lao động nước ngoài, ở mức ngang với lao động người Nhật. Nhưng giới chủ cho rằng thêm lao động nước ngoài với mức lương "công bằng" sẽ khiến mức lương trung bình giảm xuống.

Theo một quan chức Nhật, chìa khóa để giải quyết vấn đề chính là người Nhật phải vứt bỏ tư tưởng lao động nước ngoài cần đến Nhật và thừa nhận thực tế rằng nền kinh tế Nhật đang cần lao động nước ngoài nhiều hơn họ cần Nhật.

Những thực tập sinh "mất tích"

Chính phủ Nhật giới thiệu chương trình thực tập sinh kỹ năng vào năm 1993 với danh nghĩa hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho lao động các nước đang phát triển. Tính đến cuối tháng 10-2017, các thực tập sinh kỹ năng nước ngoài chiếm đến 20% trong tổng số 1,28 triệu lao động nước ngoài ở Nhật. Tuy nhiên, chương trình này cấm lao động chuyển chỗ làm và bị chỉ trích là bình phong che đậy cho việc tuyển dụng lao động nước ngoài với mức lương bất công.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, 7.000 thực tập sinh nước ngoài đã bỏ trốn chỉ riêng trong năm 2017, với gần một nửa trong số đó là người Việt. Theo báo Japan Times, đó là hậu quả của việc lao động cật lực nhưng lương bổng bèo bọt.

Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật mở cửa với lao động phổ thông

TTO - Sau nhiều tranh luận gay gắt, liên đảng cầm quyền tại Nhật ngày hôm qua (27-11) rốt cuộc cũng đã thông qua dự luật cải cách nhập cư tại Hạ viện, tiến gần hơn một bước hiện thực hóa luật này.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp