Trong khi tạm nghỉ việc tại một công ty du lịch do dịch COVID-19, chị Phan Cẩm Thu mở cửa hàng Food Fairy (đường Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM), chờ ngày quay lại với nghề - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không chỉ nhân viên, nhiều CEO của các công ty du lịch cũng chuyển sang kinh doanh khẩu trang, bán online các mặt hàng nông thủy sản, số khác chọn mở quán cà phê, kinh doanh nông sản, hay mở sàn môi giới bất động sản... chờ ngành du lịch hồi sinh để quay trở lại.
Những "ông bà chủ" bất đắc dĩ
Ngày trong tuần, thay vì đến trụ sở của một công ty du lịch lớn tại Q.1 (TP.HCM) để làm việc như thường lệ, chị Phan Cẩm Thu chạy xe thẳng đến cửa hàng thực phẩm nằm trên đường Bàn Cờ (Q.3) để kiểm tra hàng hóa và xử lý các đơn hàng online của khách.
Hơn 8 năm gắn bó với mảng du lịch, chị Thu không bao giờ nghĩ mình lại có bước rẽ trở thành chủ một cửa hàng thực phẩm nhập khẩu.
"Từ tháng 3-2020, khi dịch COVID-19 lần 1 trở nên khó kiểm soát, công ty bắt đầu cho nhân viên nghỉ không lương vì không còn việc làm, doanh thu cũng không có, tôi bắt đầu tập trung hơn cho công việc bán hàng online, đảm bảo thu nhập cho cuộc sống" - chị Thu cho biết.
Sau một thời gian tích cóp và đầu tư xây dựng với nhiều tâm huyết, cửa hàng Food Fairy của chị Thu được khai trương vào tháng 7-2020, chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu từ thịt bò, thịt heo đông lạnh đến trái cây, bánh kẹo...
"Vừa đi vào hoạt động nên khách chủ yếu là đồng nghiệp cũ đến ủng hộ. Rất may tiếng lành đồn xa, giá các mặt hàng khá cạnh tranh, chất lượng ổn định nên mọi thứ dần dần đi vào nề nếp, khách mua nhiều hơn" - chị Thu chia sẻ.
Cũng vô tình biến nghề tay trái thành nghề nuôi chính, anh Huỳnh Công Hiếu, từng là hướng dẫn viên có tiếng trong làng du lịch, đang dồn sức cho quán ăn trên đường Hoàng Sa, Q.3 của mình.
Quán Cậu Ba (932A Hoàng Sa, Q.3) được mở từ tháng 3-2020, sau những phút ngẫu hứng của các hướng dẫn viên với suy nghĩ người có sẵn nguồn rau củ sạch, người có gà vịt vườn và người có sẵn công.
"Nhưng dịch ập đến, nghề hướng dẫn viên bị "vô hiệu hóa", quán trở thành nguồn thu chính của anh em. Hồi đầu, giữ xe cho quán cũng là một hướng dẫn viên.
Anh em trong nghề chọn đây là điểm hẹn, trà dư tửu hậu. Ngay cả đầu bếp cũng được lôi từ quán ăn ở chợ đêm chuyên phục vụ khách du lịch về, anh em cùng nhau gánh vác" - anh Hiếu nói.
10 năm trước, anh Huỳnh Công Hiếu là nhân vật của báo Tuổi Trẻ khi đoạt giải nhất hướng dẫn viên du lịch giỏi toàn quốc.
Đó là dấu ấn nghề giúp anh thăng hoa hơn sau này, trở thành một tour guide kỳ cựu cho những hành trình trong nước lẫn quốc tế.
Nếu như đi tour chỉ nghĩ phục vụ du khách sao cho hài lòng thì kinh doanh quán ăn có đến trăm thứ phải giải quyết, từ tiền thuê mặt bằng, nguồn cung thực phẩm, ổn định chất lượng món ăn...
Khi quán Cậu Ba dần ổn định, dịch Covid-19 đợt 2 lại ập đến, quán cũng chông chênh, anh Hiếu bắt đầu ấp ủ những dự định khác, làm sao giúp được nhiều hướng dẫn viên khác nữa có kế sinh nhai.
"Chúng tôi có nguồn thực phẩm từ Lâm Đồng, đang tìm kiếm đầu ra cho anh em. Thú thực, mọi thứ vẫn rất khó vì cạnh tranh kinh doanh online lẫn truyền thống lúc này đều không dễ" - anh Hiếu chia sẻ trong buổi chiều bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Anh Huỳnh Công Hiếu (đứng bên phải, từng là HDV du lịch) phục vụ khách tại quán ăn của mình ở Q.3, TP.HCM chiều 17-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chờ ngày quay lại với nghề
Không có vốn liếng làm những dự án riêng, nhiều nhân viên, hướng dẫn viên ngành du lịch chuyển sang mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, phổ biến là chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online, bà chủ cửa hàng ăn vặt online...
Chỉ có một số may mắn có nghề từ gia đình, hay có vốn liếng riêng mới có thể tự mở những dự án kinh doanh chuyên nghiệp, lâu dài.
Chị Thảo Vy (sống ở Bình Dương) từng làm bộ phận điều hành của một công ty du lịch ở Q.1 (TP.HCM) với công việc liên quan nhiều đến yếu tố quốc tế. Do đó, khi dịch ập đến, chồng chị cùng làm trong ngành du lịch nên cũng trở thành những người "vô công rỗi nghề".
"Đó thực sự là một cú sốc. Hai vợ chồng gắn bó với công việc nhiều năm, công ty đang đi lên, ngày càng phát triển. Và rồi dịch ập đến, từng người một phải ra đi, buộc phải nghỉ làm, tìm kiếm công việc mới.
Công việc của tôi liên quan đến du lịch quốc tế, thị trường đóng cửa, mình cũng không còn việc để làm. Ngay cả khi du lịch hồi phục trở lại trong thời gian ngắn ngủi sau đợt dịch đầu tiên cũng chỉ mảng nội địa nên cả hai vợ chồng tôi đều quay về quê tìm công việc mới" - chị Vy chia sẻ.
Không có kinh nghiệm chuyển nghề khác, từ nghề cũ của mẹ là chủ một quán cơm bình dân đã đóng cửa, chị Vy bắt đầu với tiệm cơm online.
Để điều hành một mô hình kinh doanh nhỏ không dễ, rất may kinh nghiệm từ người mẹ từng mở quán cơm đã giúp chị nhanh chóng ổn định. Nhờ cơm ngon, thực đơn đa dạng, đầu tư hình ảnh nên "quán" cũng bắt đầu nhộn nhịp, nhiều người mua ủng hộ rồi thành khách quen.
"Vì khách quen nên một phần tôi cũng nhận ship. Có đơn hàng, cả nhà cùng xúm vào mỗi người làm một tay, không khí bận rộn làm bớt đi nỗi nhớ nghề cũng như quãng thời gian không mong muốn mà dịch giã đẩy đến.
Tuy vậy, việc kinh doanh này cũng chỉ hỗ trợ cuộc sống gia đình phần nhỏ, phụ nuôi con thơ. Chồng tôi cũng đang đi tìm việc mới, hi vọng cải thiện thu nhập cho cả nhà thời gian tới" - chị Vy cho biết.
Theo chị Vy, dịch chắc chắn sẽ còn kéo dài, dù một năm, hai năm hay lâu hơn nữa, chị vẫn mong sớm có ngày quay lại công việc du lịch, một công việc ưa thích của chị.
"Chắc chắn, để làm tiếp tôi phải cập nhật, học hỏi lại từ đầu vì sẽ có rất nhiều thay đổi trong ngành du lịch sau cú sốc này. Nhưng nếu không có dịch thì mình cũng phải không ngừng học mà" - chị Vy tâm sự.
Hơn 90% lao động ngành du lịch nghỉ việc không lương
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM có 57 doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép hoạt động.
Trong các doanh nghiệp còn duy trì cũng có đến 90% tạm ngưng hoạt động, 10% còn lại chủ yếu giữ chân nhân sự để giải quyết công nợ với khách hàng, tour tuyến hiện nay đã hủy hết. Khối lữ hành cũng có khoảng 80-90% nhân viên tạm nghỉ việc không hưởng lương.
Khối khách sạn 3-5 sao có đến 90% lao động phải nghỉ không hưởng lương, 8% chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ có 2% bố trí trực bảo trì cơ sở vật chất, doanh thu khách sạn giảm 85%.
Các khách sạn 1-2 sao có doanh thu giảm 95%, khoảng 82% lao động tạm nghỉ không hưởng lương, 6% chấm dứt hợp đồng lao động. "Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nói.
"Sếp" công ty du lịch chuyển sang bán nông thủy sản, khẩu trang...
Không chỉ nhân viên công ty du lịch phải rời bỏ công việc yêu thích, dịch COVID-19 kéo dài cũng khiến nhiều ông chủ doanh nghiệp du lịch rẽ sang những cung đường mới.
Chẳng hạn, ông Trần Văn Long, tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, vừa công bố tung ra thị trường nội địa và xuất khẩu thành công loại khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần.
Theo ông Long, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, doanh nghiệp này đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động, hàng trăm nhân sự không có việc làm.
Để duy trì việc làm cho nhân viên, công ty thử nghiệm kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau và hiện nay tập trung cho chiến lược mới với mặt hàng khẩu trang.
Trước đó, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ, đã phát triển mảng nông sản, đặc sản online, hằng ngày nhập tôm, cá, cua... từ các vùng quê về bán và nhận được hưởng ứng tốt từ khách hàng.
Một số CEO khác chọn mở quán cà phê, kinh doanh nông sản, hay mở sàn môi giới bất động sản... Cũng như nhân viên, tâm lý chung của các ông chủ chờ du lịch hồi sinh để quay trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận