Con cái ra đi mang theo giấc mơ đổi đời nhưng giấc mơ không thành đã để lại nỗi thương nhớ khôn nguôi cho người thân. Trong ảnh: cha của chị H.L. cầm những hình ảnh, kỷ vật của con gái được gia đình lưu giữ từ lúc chị L. mất tới nay - Ảnh: BÁ DŨNG
Nhưng cũng có những nỗi đau mà cả một đời người, những người thân ở quê nhà không thể lành được.
Ngôi nhà được xây theo kiểu biệt thự Pháp cổ điển với các "tum" bằng bêtông đồ sộ mọc lên ngay giữa xóm Phú Vinh (xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là nhà của gia đình anh N.C. - một trong các nạn nhân đã tử nạn trên đường vượt biên trong một chuyến xe hướng đến Anh cách đây 13 năm. Nhà lớn, nhưng với người ở trong ngôi nhà này, nỗi đau mất đi người thân còn lớn hơn.
"Tây tiến"
Giữa trưa, bà N.B. - mẹ của anh N.C. - dọn mâm cơm ra ngồi giữa ngôi nhà bề thế ăn cơm một mình. Anh N.C. mất đã 13 năm rồi nhưng mấy hôm nay, vụ việc của những người làng bị nạn trong container trên hành trình qua Anh làm thuê làm bà quặn thắt. Bà B. ngồi vừa nhai cơm, vừa cầm chiếc điều khiển tivi dò những bản tin mới nhất cập nhật về vụ việc ở Anh.
Năm 2006, một chuyến xe chở theo những người di cư trên đường từ một quốc gia láng giềng vượt biên vào Anh đã gặp nạn. Hàng chục người trên chuyến xe tử nạn, có người phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Trong đó có ba người cùng ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Vụ việc gây chấn động thế giới ở thời điểm đó và làm chùn chân rất nhiều người dân ở các làng quê nghèo có ý định "Tây tiến".
Bà B. kể rằng con trai bà học hết lớp 12, từng đậu vào một trường đại học ở Huế. Thời điểm đó, thanh niên nào đậu đại học là đem lại rất nhiều kỳ vọng cho gia đình, họ hàng bởi đại học vẫn là con đường "đổi đời" đáng mơ ước nhất.
Nhưng mọi thứ lại quá khác đi sau đó. Những năm 2000 trở đi, phong trào đi nước ngoài xuất khẩu lao động ập đến các ngôi làng nghèo của Nghệ An như một cơn bão. Những chuyến xe chạy ào vào làng rồi chở theo nhiều thanh niên ra Hà Nội học tiếng để qua Nhật, Hàn Quốc.
Ban đầu nhiều người ở làng quê còn dè dặt, nhưng những cuộc gọi điện về từ nước ngoài cùng các khoản "tiền tươi thóc thật" được gửi về khiến việc đi lao động nước ngoài hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Một ngày giữa năm 2004, khi vừa tốt nghiệp ngành y, anh N.C. quyết định đăng ký lên đường qua Tiệp Khắc với công việc được hứa hẹn là chăm sóc sức khỏe cho những người lớn tuổi. Toàn bộ vốn liếng lúc đó được đổ dồn cho con trai.
Bà B. nói rằng dù không phải là nơi "hấp dẫn" nhất của các nước nhận lao động Việt Nam lúc đó nhưng thấy con đi xuất khẩu lao động bà cũng vui. C. ra đi mang theo những ước mơ, những dự định của một thanh niên học hành bài bản và xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo khó.
Cùng thời điểm xuất ngoại với anh C. ở xã Đô Thành còn có hai thanh niên khác, trong đó có chị H.L. (sinh năm 1981). Dẫu qua nhiều cách thức khác nhau, nhưng cả ba người đều hướng đến các nước châu Âu và mục tiêu dừng chân cuối cùng là vào được Anh.
Ông N.V.H. - cha của chị L. - nói gia đình ông thời điểm đó rất nghèo, nhà cửa lụp xụp nhất xóm. Thấy nhiều người trong làng đi nên ông cũng dốc hết vốn liếng cho con gái đi. Chị L. tạm biệt cha mẹ rồi ôm đồ lầm lũi ra đi. Hành trình được vạch sẵn là L. sẽ qua Nga, sau đó đến Ba Lan, kế tiếp là Đức để hướng đến "thiên đường" cuối cùng là Anh.
Bà N.B. - mẹ của anh C. (xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) - kể lại khoảnh khắc ngày con ra đi rồi mãi mãi không trở về - Ảnh: B.D.
Trở về trong đớn đau
Một ngày giữa năm 2006, sau bữa cơm tối những gia đình ở xã Đô Thành lại ngồi bật tivi lên để xem tin tức thời sự. Trên đài truyền hình, một bản tin đề cập đến vụ tai nạn của một chuyến xe tải chở theo hàng chục người di cư trên đường vượt biên vào Anh, tài xế lao xe vào gốc cây khiến hàng chục người tử nạn.
Bản tin đó gây rúng động Đô Thành, bởi theo thông tin từ cảnh sát cung cấp, có ít nhất 3 nạn nhân là người ở xã này. Những người này gồm chị H.L., anh N.C. và P.V.H.. Anh N.C., chị H.L. được xác định là tử nạn, còn anh P.V.H. bị thương rất nặng.
Ông V.H. - cha của chị L. - lấy tay lau nước mắt nhớ lại khoảnh khắc hãi hùng đó. Ông nói: "Cả nhà tui đang ngồi ăn cơm thì thấy trên tivi đưa tin vụ tai nạn. Ban đầu cũng chưa xác định được là trong chuyến xe ấy có con mình nhưng sau đó nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng. Mọi thứ ập đến quá bất ngờ khiến vợ tôi ngất lịm".
Còn bà N.T.N. - mẹ của chị L. - lấy tay quệt nước mắt rồi mở chiếc tủ cũ lôi những mớ giấy tờ nhàu cũ xác nhận thông tin nhân thân của L. được cơ quan ngoại giao gửi về thời điểm đó. Trong mớ ảnh ấy có một số bức hình L. chụp trên một số địa danh nổi tiếng mà chị đã tới và có những tháng ngày bán sức làm thuê nơi xứ người.
Ông H. kể rằng phải mất hàng tuần sau đó, thi thể con gái ông mới được cơ quan chức năng đưa về. Nhưng cái cách trở về của L. mới đớn đau: thi thể được hỏa táng, đựng trong chiếc bình nhỏ. Ngày đi L. là một cô gái tuổi đôi mươi, xinh xắn và tràn đầy tương lai nhưng ngày về lại theo cách mà chẳng ai muốn phải chứng kiến. L. mất, giấc mơ xuất ngoại làm thuê đổi đời đã làm chùn chân người làng.
Rồi mọi người ở Đô Thành cũng sớm quên đi chuyện không mong muốn ấy. Mấy năm sau đoàn người lại rùng rùng kéo đi. Trong số này có người em trai của chị L. là N.V.L.. Nhưng lang bạt ở xứ người 6 năm trời, làm hết đủ thứ việc, sống ẩn dật, chui lủi như những "người rơm" qua đủ các nước, cuối cùng L. bị cảnh sát Đức bắt giữ khi đang cùng đoàn người Việt tìm cách vào Anh.
Hôm chúng tôi đến, L. đã đi vào chùa ở gần đó để làm tài xế cho vị sư trụ trì. Chuyện xuất khẩu lao động của anh và người chị gái đều kết thúc trong cay đắng mà chẳng ai chạm tay nổi giấc mơ "đổi đời".
Điểm dừng chân "bất đắc dĩ"
Trong chuyến xe định mệnh chở người di cư xâm nhập vào Anh bất thành năm 2006 bị nạn, người duy nhất ở xã Đô Thành sống sót là anh P.V.H. (sinh năm 1985). Dù sống sót nhưng anh H. bị chấn thương quá nặng, được nước sở tại nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và hiện nay đã được nhập tịch.
Hôm chúng tôi đến thăm nhà của anh H. ở xã Đô Thành, cha của anh bảo rằng con trai ông đã lấy vợ, sinh sống ổn định dù gánh thương tật suốt đời. "H. may mắn sống sót nhưng gia đình tôi rất đau xót. Mọi việc đến quá kinh khủng, dù còn con nhưng nó cũng đã sống ở cách xa gia đình cả hàng ngàn cây số, thỉnh thoảng mới gọi điện về hỏi thăm cha mẹ. Đi làm thuê mà phải chịu cảnh như thế này thật không người làm cha mẹ nào mong muốn" - cha của anh H. nói.
"Như chính mình đã chết"
Ngôi nhà bề thế của gia đình anh C. nhưng anh C. đã không còn - Ảnh: BÁ DŨNG
Bà N.B. - mẹ của nạn nhân N.C. - nói cái chết của con bà quá đau đớn nên phải rất lâu sau đó mọi người trong gia đình mới lấy lại được thăng bằng. Ngôi nhà bề thế được ông bà tích cóp tiền xây lên, dự tính dành ra một phòng cho con trai mỗi khi về nước tới nay vẫn để trống. "Tui thấy người ta đưa thi thể con về trong cái lọ hỏa táng mà như chính mình đã chết. 13 năm rồi mọi thứ vẫn rất khó để quên" - bà B. nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận