24/11/2018 10:29 GMT+7

Lao động chất lượng kém, thất nghiệp nhiều: Cần 'cơ chế khoán 10'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào về số lượng song nhiều hạn chế về chất lượng, đặc biệt là nhóm nhân lực chất lượng cao.

Lao động chất lượng kém, thất nghiệp nhiều: Cần cơ chế khoán 10 - Ảnh 1.

Sinh viên năm 4 khóa điện tử viễn thông trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hành trong thí nghiệm siêu cao tăng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo về nhu cầu nhân lực trong bối cảnh cách mạng 4.0 và những đáp ứng của giáo dục ĐH Việt Nam.

Hội thảo do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 23-11.

“Với các tiếp cận xuyên ngành cho chương trình giáo dục ĐH chính là sự chuẩn bị chu đáo của trường ĐH dành cho sinh viên, giúp sinh viên có được năng lực thích ứng, sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ

Lao động trình độ CĐ thất nghiệp nhiều nhất

Theo số liệu thống kê, năm 2015 cả nước có 27,8 triệu người có chuyên môn kỹ thuật, chiếm 51,6% tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 10,9 triệu người có bằng cấp/chứng chỉ (từ sơ cấp đến sau ĐH), chiếm hơn 20%.

Năm 2017, lực lượng chuyên môn trình độ kỹ thuật cao (CĐ trở lên) chiếm hơn 17%. Tuy còn ở tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ" song chất lượng của lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật cao vẫn còn nhiều hạn chế, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp khá phổ biến.

Số liệu thống kê cho thấy lao động có trình độ vẫn có tỉ lệ thất nghiệp cao, trong đó trình độ CĐ chuyên nghiệp thất nghiệp nhiều nhất với 6,4%, trình độ ĐH trở lên 3,8%, CĐ nghề 3,5%. Trong khi lao động không trình độ thất nghiệp thấp nhất với 1,66%.

Ông Bùi Trung Hải, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, chỉ ra nguyên nhân của tỉ lệ thất nghiệp lớn ở các nhóm trình độ cao một phần là do lao động chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, việc lựa chọn ngành nghề của người học chưa phù hợp yêu cầu nhà tuyển dụng.

Cũng theo ông Hải, nhu cầu về nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ hệ thống giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, những thay đổi về nội dung, phương pháp đào tạo, cấu trúc chương trình và phương thức quản lý giáo dục ĐH trở nên cấp thiết trong bối cảnh mới.

Theo PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban ĐH - ĐH Quốc gia TP.HCM, xã hội thay đổi nhanh, liên tục và sâu sắc trên mọi mặt, nếu công dân của mỗi quốc gia không được chuẩn bị để thích nghi trong bối cảnh mới này sẽ bị bỏ lại phía sau sự tiến bộ của nhân loại.

Đào tạo những người không bị "tị nạn" công nghệ

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng để nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng. 

Với tiến bộ về CNTT, cách giảng dạy đã thay đổi nhiều, nhưng vai trò của người thầy vẫn rất quan trọng. "Trong bối cảnh mới, giảng dạy và đào tạo còn phải tạo ra con người làm chủ, năng động, sáng tạo" - GS Trân phát biểu thêm.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng việc đổi mới mạnh mẽ giáo dục ĐH để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng đào tạo nhân tài khoa học công nghệ với ý chí khởi nghiệp là chiến lược có ý nghĩa then chốt. 

Để đổi mới giáo dục ĐH, ông Đức đề nghị phải xây dựng triết lý giáo dục mới về giáo dục ĐH; đổi mới cấu trúc và yêu cầu, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. 

Cần có quy hoạch và phát triển ngành nghề cho tương lai. Khẩn trương xây dựng chiến lược và giải pháp đổi mới đào tạo tài năng và chất lượng cao trong các trường ĐH.

"Việc thực hiện tự chủ ĐH, tìm ra "cơ chế khoán 10" trong giáo dục ĐH và quản lý khoa học công nghệ là những giải pháp để giáo dục ĐH VN bứt phá đi lên theo kịp giáo dục ĐH thế giới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" - ông Đức nói.

Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, Nhà nước cần xác định việc đào tạo ra những con người làm chủ, việc đóng góp thực sự vào giá trị của cách mạng 4.0 do những đơn vị nào phụ trách và đầu tư ra sao. 

Còn các trường ĐH là nơi đào tạo nguồn nhân lực với hai mức độ: đào tạo những người có thể vận dụng các kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, lao động và đào tạo ra những người không bị "tị nạn" công nghệ (những người quá... sợ công nghệ).

"Theo tôi, điều mà các trường ĐH hiện nay có thể làm được là đưa vào chương trình đào tạo những năng lực, kỹ năng cho sinh viên để thích ứng được với thời đại 4.0" - ông Tuấn nói.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp