Ảnh minh họa: THE ATLANTIC
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Nhà nước được thực hiện từ hơn 30 năm nay. Chính phủ đã đàm phán với nhiều nước để người Việt có cơ hội ra nước ngoài làm việc.
Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp.
Nhưng đã có nhiều biến tướng trong xuất khẩu lao động hợp pháp. Đó là nhiều người bỏ trốn ở lại nước ngoài để làm chui mà đến nay các cơ quan chức năng Việt Nam lẫn nước bạn vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Trong khi kênh đi lao động nước ngoài qua đường chính thức còn phải làm nhiều việc để chấn chỉnh, kênh đi không chính thức lại bùng phát ở nhiều nơi trong cả nước với điểm đến là nhiều nước trên thế giới. Họ là những người lao động "bốn không".
Đi lao động ở nước ngoài qua đường không chính thức. Không đăng ký hợp đồng lao động với sở LĐ-TB&XH. Không báo cáo với cơ quan đại diện ngoại giao khi sang làm việc tại nước sở tại. Vì thế không được bảo hộ quyền lợi trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm có hàng vạn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Cộng hòa Síp, Angola, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nga...) thuộc diện "bốn không" này.
Nhiều người nói về những đổi thay ở làng quê nhờ đi làm việc ở nước ngoài, nhưng lại không nhận ra những lao động này làm chui ở nước ngoài. Một chuyện không bình thường nhưng lại được xem là bình thường, cho đến khi xảy ra chuyện!
Đã có những vụ đưa người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép bị công an xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe cũng như uốn nắn hoạt động đi lao động qua đường không chính thức.
Đành rằng, để phát hiện, ngăn chặn những trường hợp đi lao động không chính thức không hề đơn giản, bởi phần lớn đều tự nguyện, do người thân "đưa đường dắt lối", họ ra đi ở Việt Nam đều hợp pháp, chỉ vi phạm pháp luật của nước đến khi trốn ở lại làm việc...
Có nạn nhân là người Việt trong thảm kịch "Essex" là lời cảnh báo để các cơ quan chức năng rà soát, lưu tâm nhiều hơn đến hoạt động đi lao động không chính thức ở nước ngoài. Để trong thời gian gần nhất phải hạn chế tối đa tình trạng lao động "bốn không" ở nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận