
Đoàn công tác của phó tổng tham mưu trưởng Lào có chuyến làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam sáng 31-3 - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 31-3, đoàn công tác của Quân đội nhân dân Lào do trung tướng Vanthong Bouttavong - phó tổng tham mưu trưởng làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Tháng 3, trong chuyến thăm Việt Nam của tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào, trung tướng Saichay Kommasith đã đề nghị Bộ Quốc phòng Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong việc thành lập trung tâm gìn giữ hòa bình và xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nước này.
Chuyến thăm của phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào khẳng định quyết tâm của Lào cũng như thiện chí của Việt Nam trong việc hỗ trợ Bộ Quốc phòng Lào tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác quân đội Lào đã nghe thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng - cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của cục cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Đồng thời ông Thắng cũng giới thiệu về đường lối chính sách, nguyên tắc, giải pháp một số kết quả và định hướng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hoạt động này.
Ông Thắng cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ các kinh nghiệm có được sau hơn 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với Lào, góp phần nâng cao năng lực và tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Tại buổi làm việc, trung tướng Vanthong Bouttavong cho biết qua trao đổi, đã nắm được những nội dung cơ bản và hiệu quả trong xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Lào.
Trong thời gian tới trung tướng Vanthong Bouttavong hy vọng sẽ nhận được sự hướng dẫn của phía quân đội Việt Nam về hành lang pháp lý, các hướng dẫn, quy định, thông tư cần triển khai, ban hành.
Ông cũng mong rằng trong thời gian sớm nhất, sẽ cử những cán bộ, quân nhân Lào đến Việt Nam để học tập các nội dung liên quan đến gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận