Cảnh tượng kinh hoàng từ thủy điện Hidroituango ở Colombia - Nguồn: YOUTUBE
Được khởi công xây dựng từ năm 2010 với kinh phí gần 4 tỉ USD, đập thủy điện Ituango dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018 này với khả năng đáp ứng 17% nhu cầu điện của Colombia.
Công trình thủy điện lớn nhất Colombia này, lấy nước từ sông Cauca, con sông lớn thứ hai của Colombia, mấy ngày qua đang trở thành mối lo lớn nhất của chính quyền địa phương lẫn trung ương.
Đập thủy điện Hidroituango nằm cách thành phố Medellin 170 km - Ảnh: AFP
Dấu hiệu cảnh báo rất rõ: trong khoảng thời gian từ ngày 28-4 đến 7-5 vừa qua, đã có 3 lần đá núi xung quanh sạt lở do mưa lớn, đổ lấp đường hầm dùng chuyển hướng nước sông Cauca đi nơi khác.
Do vậy nước sông đã đổ vào hồ chứa sâu 220 m chưa hoàn thành (theo dự kiến đến ngày 1-7 tới mới tích nước.
Công trình còn ngổn ngang lại gặp sự cố lở đá núi - Ảnh: AFP
Nước sông đang tràn tự do qua các phòng chứa tuốc-bin và bất kỳ ngõ ngách nào nó có thể chảy được.
Điều đó còn gây nguy cơ cho việc mất mát các phương tiện làm việc đang tập trung ở công trình qui tụ đến 11.000 công nhân này.
Công ty công ích Medellin (EPM) - cổ đông chính của dự án, đã phải quyết định dùng thuốc nổ cho phá thông hai hầm cũ ở dưới thấp để tránh khả năng nước tích quá nhiều khiến đập vỡ.
Lãnh đạo dự án cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất đó là khi vỡ đập, nước sông Cauca dâng cao bất thường không thể kiểm soát được khiến các khu dân cư dưới hạ nguồn ở tỉnh Atioquia sẽ bị ngập lụt.
Hiện đã có 2 cây cầu, 2 trường học và 1 bệnh viện bị nước lũ phá hủy cùng với nhiều nhà dân.
Gần 5.000 người ở các khu vực hạ nguồn đã được sơ tán tới các khu trú ẩn an toàn. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, khoảng 200.000 người tại 3 tỉnh của Colombia sẽ bị ảnh hưởng.
Người dân được chính quyền di dời về sống tạm trong một địa điểm ở Valdivia - Ảnh: REUTERS
Cuộc tranh luận đang nổ ra hiện nay ở Colombia là công trình tầm cỡ này bị sai lầm về thiết kế hay do tiết kiệm quá mức khiến chất lượng kém.
Dự án này do tổ hợp CCC Ituango, gồm các công ty của Colombia và Brazil thực hiện.
Giờ đây khi sự vụ lùm xùm người ta mới thấy trong tổ hợp đó có cả công ty Camargo Correa của Brazil vốn đang có tên trong chiến dịch chống tham nhũng lớn dính líu nhiều chính trị gia hàng đầu của Brazil, gồm cả đương nhiệm lẫn về hưu.
Người dân từ có nhà bỗng trở thành dân di cư do bị sơ tán khẩn cấp - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận