Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội thảo Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank chiều 15-8 - Ảnh: Quang Định |
Nội dung mà nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là liệu mức giá chào sàn 39.000 đồng/cổ phiếu có cao hay không và tới đây VPBank có thoái vốn khỏi FE Credit hay không.
Mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu là cao hay thấp?
Vấn đề định giá cổ phiếu VPBank đã được bàn luận từ cuối tuần trước, khi VPBank công bố mức giá chào sàn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là mức giá quá cao, nhất là khi so sánh với giá cổ phiếu của một số ngân hàng lớn đã niêm yết trước đó như Vietcombank, BIDV, VietinBank.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15-8, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank ở mức 37.300 đồng/cổ phiếu trong khi giá cổ phiếu BID ở mức 20.300 đồng/cổ phiếu còn CTG chốt ở 19.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu của VPB cao hơn cả giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và gần gấp đôi nếu so với cổ phiếu BID và CTG.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank phát biểu tại hội thảo Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank chiều 15-8 - Ảnh: Quang Định |
Lý giải về việc ấn định mức giá này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank, cho biết mức giá 39.000 đồng/CP được hình thành trên phân tích của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời dựa trên các giá trị tài chính mà NH mang lại. Thực tế mặt bằng giá mà các nhà đầu tư nước ngoài chào mua dao động từ 37.000 đến 45.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên phía NH cũng đã cân nhắc kỹ và chọn mức khởi điểm là 39.000 đồng/cổ phiếu nhằm đem đến kỳ vọng về sự gia tăng của giá cổ phiếu trong tương lai. “Tôi tin đây là mức giá hợp lý”, ông Nguyễn Đức Vinh cho hay.
Cũng theo ông Vinh, ban đầu NH chỉ dự kiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua khoảng 11% vốn điều lệ, tương đương với lượng cổ phiếu mà ngân hàng phát hành riêng lẻ sắp tới. Tuy nhiên, khối lượng đăng ký mua cổ phiếu từ các nhà đầu tư ngoại cao gấp 4 lần lượng chào bán. NH cũng đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để phát hành riêng lẻ. Dự kiến trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới, vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ tăng thêm 6.000 tỉ, lên mức 25.000 tỉ đồng - mức cao trong khối các ngân hàng. Việc gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ là thuận lợi để ngân hàng hoạch định chiến lược thời gian tới mà không phải lo về việc đáp ứng các hệ số yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Các nhà đầu tư tại hội thảo Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank chiều 15-8 - Ảnh: Quang Định |
Đại diện VPBank trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại hội thảo Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank chiều 15-8 - Ảnh: Quang Định |
Không bán FE Credit
Chia sẻ về lý do VPBank thực hiện niêm yết trong thời gian này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc của VPBank cho biết việc niêm yết trên sàn chứng khoán là mục tiêu đã được ngân hàng nhắm đến từ lâu.
Tuy nhiên việc chọn niêm yết tại thời điểm này vì có những thuận lợi khách quan lẫn chủ quan như VPBank đang ở năm cuối cùng của giai đoạn phát triển 5 năm 2012 - 2017 và đã đạt được các chỉ tiêu đề ra về kinh doanh. Lợi nhuận ngân hàng liên tục tăng, năm 2016 đã tăng gấp 5 lần so với 5 năm trước. Thông qua việc niêm yết, ngân hàng hy vọng sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư mới có tiềm lực, có chuyên môn, có hỗ trợ quan trọng vào sự phát triển của ngân hàng. Đó là các lý do khiến VPBank đi đến quyết định niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Quang cảnh hội thảo Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank chiều 15-8 - Ảnh: Quang Định |
Sau khi có quyết định này, NH đã chuẩn bị trong vòng 6 tháng và bắt đầu từ tháng 3 và lãnh đạo NH đã gặp gỡ hơn 90 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có những quỹ đầu tư rất lớn. Trước thông tin VPBank sẽ bán CP tại Công ty tài chính FE Credit, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng đây là thông tin không chính xác. “Trước đây, khi đưa ra phương án tăng vốn thì đây cũng là một phương án để lựa chọn. Sau đó, NH không thực hiện lựa chọn này mà chọn việc phát hành thêm cổ phiếu của NH mẹ”, ông Vinh khẳng định.
Ông Vinh cũng cho biết trong kết quả kinh doanh hằng năm, lợi nhuận từ FE Credit mang lại cho VPBank chiếm đến 50%,, đây cũng là thế mạnh và mang lại giá trị lớn cho cổ phiếu NH. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, mỗi tháng FE Credit phê duyệt 240.000 khoản vay, số lượng khách hàng hiện trên 2,6 triệu người. Do vậy đến thời điểm này NH chưa có ý định thoái vốn tại FE Credit, còn có thể trong tương lai tùy theo sự phát triển NH sẽ cân nhắc đến việc cổ phần hóa hoặc bán một phần vốn FE Credit.
Vì sao không chọn nhà đầu tư chiến lược?
Đến thời điểm này đã có hơn 78 nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia và chuyển tiền để mua 22,34% vốn của VPBank. Trong đó có một số tên tuổi lớn như GIC (tập đoàn đầu tư của Chính phủ Singapore), Deccan, Clermont, Dragon Capital… VPBank là một trong những tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài đông vì các tổ chức khác chỉ có 1-2 nhà đầu tư nước ngoài.
VPBank sẽ giao dịch trên HOSE chính thức từ 17-8 với mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi lên sàn, VPBank trở thành một trong những NH tư nhân có giá trị vốn hóa lớn nhất (khoảng 52.000 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế của VPBank đạt gần 4.000 tỉ trong năm 2016, tăng 64,2% so với năm 2015. Theo bản cáo bạch, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của VPBank đạt 25,7%; ROA đạt 1,7%. Năm 2017, VPBank đặt mục tiêu lãi sau thuế 5.754 tỉ đồng, ROE đạt 24,8%, cổ tức chi trả 32,83%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank ước đạt 4.100 tỉ đồng. FE Credit được xem là một trong những nhân tố chính đóng góp vào lợi nhuận của VPBank. Theo số liệu từ StoxPlus, FE Credit hiện chiếm 55% thị phần tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ của đơn vị này năm 2015 cao gấp 3 lần so với PPF (Home Credit). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận