Theo Hãng tin AFP, đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau 5 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước có thể đang tan băng kể từ cuộc đụng độ chết chóc ở biên giới giữa binh sĩ hai bên vào năm 2020.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Tập phát biểu: "Việc Trung Quốc và Ấn Độ nắm bắt đúng xu hướng lịch sử và hướng phát triển quan hệ song phương là phù hợp với lợi ích cơ bản của cả hai quốc gia và nhân dân hai nước".
"Hai bên nên tăng cường liên lạc và hợp tác, xử lý thỏa đáng những bất đồng và khác biệt, hiện thực hóa ước mơ phát triển của nhau" - ông Tập nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với ông Modi rằng hai nước nên "gánh vác trách nhiệm quốc tế, làm gương cho các nước đang phát triển tìm kiếm sức mạnh thông qua sự đoàn kết, đóng góp vào một thế giới đa cực và dân chủ hóa quan hệ quốc tế".
Theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), Thủ tướng Modi nói với ông Tập tại cuộc gặp rằng: "Duy trì hòa bình, ổn định ở biên giới vẫn nên là ưu tiên của chúng ta".
Nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh quan hệ Ấn - Trung rất quan trọng đối với người dân hai nước, cũng như đối với hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu. Ông nói sự tin tưởng, tôn trọng nhau sẽ định hướng cho quan hệ song phương.
Thủ tướng Modi cũng hoan nghênh "sự đồng thuận" đạt được giữa hai nước tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phía đông khu vực Ladakh.
Ông Tập và ông Modi đã gặp nhau ngắn ngủi bên lề các hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong những năm gần đây, nhưng lần gần nhất họ có cuộc hội đàm chính thức trực tiếp là khi ông Tập gặp ông Modi tại thành phố Mahabalipuram của Ấn Độ vào tháng 10-2019.
Vài tháng sau, vào năm 2020, quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau cuộc đụng độ ở khu vực Ladakh thuộc dãy Himalaya, với ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Sau cuộc đụng độ này, hai bên đã rút hàng chục ngàn binh sĩ và đồng ý không cử lực lượng tuần tra vào LAC.
Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đông dân nhất thế giới - thường xuyên cáo buộc nhau tìm cách kiểm soát lãnh thổ dọc theo ranh giới không chính thức giữa hai nước. Đây là một dải đất hẹp được gọi là Đường kiểm soát thực tế.
Đầu tuần này, Ấn Độ thông báo nước này và Trung Quốc vừa đạt thỏa thuận về tuần tra dọc theo LAC, đánh dấu bước đột phá trong cuộc đối đầu quân sự kéo dài 4 năm giữa hai đất nước tỉ dân. Trung Quốc cũng cho biết nước này đã đạt "giải pháp" với Ấn Độ về các vấn đề liên quan đến biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận