07/03/2016 08:19 GMT+7

​Lãnh đạo TP.HCM và Bộ Y tế bắt tay bàn giảm tải bệnh viện

D.NGỌC HÀ - THÙY DƯƠNG (duongngocha@tuoitre.com.vn)
D.NGỌC HÀ - THÙY DƯƠNG ([email protected])

TT - Lãnh đạo TP.HCM và Bộ Y tế đã cùng bàn bạc tìm cách cải thiện cơ sở vật chất, tập trung tối đa giảm tải tại các bệnh viện (BV), nâng cao chất lượng dịch vụ y tế... tại hội nghị phối hợp công tác giữa bộ và TP ngày 6-3.

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thường xuyên xảy ra quá tải. Trong ảnh: một giường có đến 3-4 bệnh nhi nằm điều trị - Ảnh: Hữu Khoa
Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thường xuyên xảy ra quá tải. Trong ảnh: một giường có đến 3-4 bệnh nhi nằm điều trị - Ảnh: Hữu Khoa

Cơ chế nào để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào BV, đổi mới trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất cho đồng bộ với trình độ của y bác sĩ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các BV mới... là những giải pháp do các đơn vị kiến nghị, tham vấn với các lãnh đạo UBND TP và Bộ Y tế tại hội nghị.

Hứa hẹn giảm tải

“Sáng nay tôi đến BV Chấn thương chỉnh hình, nơi làm việc của những giáo sư, bác sĩ giỏi nhất cả nước mà lại manh mún, xập xệ, không chấp nhận được, không ra dáng một BV hiện đại của TP” - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt hàng cho hội nghị về câu chuyện cơ sở vật chất của các BV.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin: đến năm 2017 sẽ giảm tải được cho hai BV Nhi Đồng 1 và 2 do BV Nhi Đồng TP sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9 năm nay. Theo tiến độ hiện tại thì BV Ung bướu cũng sẽ được giảm tải vào năm 2018 khi BV Ung bướu cơ sở 2 (Q.9) hoàn thành.

Các BV sản khoa cũng sẽ được giảm tải vào khoảng năm 2018 khi các BV đầu ngành chuyển giao công nghệ, chuyên môn để phát triển khoa sản ở các BV tuyến dưới.

BV Chấn thương chỉnh hình cũng sẽ được giảm tải vào năm 2018 khi có BV Chấn thương chỉnh hình mới cùng với chuyên khoa chấn thương chỉnh hình của BV 175. Đến năm 2017, thời gian chờ đợi của các bệnh nhân mổ tim sẽ được rút ngắn nhờ BV Q.Thủ Đức triển khai mổ tim và một số BV tư liên kết...

Ngoài ra, bác sĩ Thượng cũng cho biết ngành y tế TP đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm tải khác như giảm các bước thủ tục khám bệnh (từ 7-8 bước còn 4-5 bước), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số giường bệnh...

Câu chuyện cơ sở vật chất, tiền đề để giảm tải cho các BV “nóng” lên khi nhiều đơn vị liên quan hiến kế cho các lãnh đạo cách để “thay máu” từ từ các cơ sở y tế cũ kỹ vốn tồn tại đã 40 năm nay tại TP.HCM bằng các phương thức xã hội hóa.

Bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho rằng ngoài nguồn ngân sách nhà nước thì còn có thể huy động nguồn vốn từ tư nhân để đầu tư xây dựng BV.

“Huy động bằng phương thức PPP (hợp tác công - tư), Nhà nước tạo điều kiện cho các dự án PPP phát triển, giao những đơn vị đủ năng lực đầu tư trọn gói, hoặc cho tư nhân đầu tư, khai thác trong vòng 20-30 năm rồi giao lại cho Nhà nước. Nhà nước cần có những chính sách đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Lâu nay chúng ta kêu giảm tải, làm hài lòng người bệnh nhưng cứ loay hoay cơ sở vật chất cũ, bình cũ rồi rượu cũng cũ thì không giải quyết được gì. Đây là những giải pháp năng động để giải quyết câu chuyện cơ sở vật chất cho các BV” - ông Chiến đề xuất.

Trong khi đó, nhiều BV khác cũng tìm cách xã hội hóa bằng nhiều cách như liên kết với các BV tư (BV công chịu trách nhiệm về chuyên môn, BV tư chịu cơ sở vật chất), mô hình BV vệ tinh...

Bác sĩ Phan Văn Báu, giám đốc BV Nhân dân 115, đề nghị Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể cho việc xã hội hóa, huy động vốn từ bên ngoài để mua sắm trang thiết bị. Quy định này hết sức quan trọng để phát triển sự hợp tác giữa các cơ sở y tế công và tư nhân bên ngoài, nhằm đem lại dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo ngành y tế TP cần chủ động đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành y tế bằng cả nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa.

“Không lo xã hội hóa y tế là mất định hướng, cuối cùng nhằm để cho người dân được chăm sóc y tế tốt hơn” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Đối với các dự án xây dựng, cải tạo các BV, ông Thăng chỉ đạo TP phải quan tâm giải quyết các kiến nghị của cơ sở. Cụ thể như giải quyết quỹ đất hoán đổi cho nhà đầu tư BV Chấn thương chỉnh hình mới, giải quyết năm vấn đề mà giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình kiến nghị. Đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực thì thay nhà đầu tư khác, không chỉ riêng BV Chấn thương chỉnh hình mới mà cả BV Đa khoa Sài Gòn cũng vậy.

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường

Có đống tiền mà vẫn phải chờ

“Đấu thầu thuốc, trang thiết bị tập trung ở Sở Y tế tốt hay ở các BV thì người bệnh được lợi?” - ông Thăng đề nghị các BV cho ý kiến về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng nên có chính sách riêng cho BV tự chủ toàn phần và một phần. Nhiều BV có một “đống tiền” từ quỹ phát triển sự nghiệp nhưng không được phép đấu thầu mà cứ phải chờ đấu thầu tập trung nên thiếu trang thiết bị để hoạt động.

Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Phan Văn Báu cũng cho rằng ở TP.HCM hiện nên để các BV tự chủ đấu thầu trang thiết bị và thuốc. Khi Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế của TP được chuẩn bị tốt nhân sự thì mới nên đấu thầu tập trung. Ông cũng cho rằng việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các BV cũng là đầu tư có hiệu quả và giảm tải được cho các BV.

Còn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói bà rất đau khi biết các BV tự chủ tài chính không được Nhà nước chi tiền nhưng từ tổ chức tới mua sắm, cái gì cũng phải xin phép.

Cơ chế xin - cho làm mất thời gian và nảy sinh nhiều vấn đề, quan trọng nhất là không phát huy được tính chủ động sáng tạo của đội ngũ trí thức tại BV. Ai cũng đủ thông minh để làm nhưng ai cũng sợ. Các BV phải vùng vẫy trong cơ chế để có thể thoát ra, phát triển nhưng không phải ai cũng có mức độ dũng cảm như nhau nên cần phải tìm cách gỡ vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc xã hội hóa y tế rất khó khăn do lãi suất thấp, thu hồi vốn chậm nên TP.HCM vẫn nên chú trọng nguồn vốn đầu tư chính cho y tế là vốn ngân sách, vốn từ trái phiếu, vốn ODA... để phát triển hạ tầng y tế.

Trao đổi về việc đấu thầu thuốc tập trung về trung ương, bà Tiến cho biết dự thảo thông tư hướng dẫn về đấu thầu tập trung gần như đã hoàn thành và sắp ban hành chính thức.

Theo đó, có ba loại danh mục thuốc: Bộ Y tế chỉ đấu thầu để có khung giá chung, các địa phương áp dụng khung giá đó để đi thương lượng mua thuốc; loại 2 là giao cho các sở y tế đấu thầu; loại 3 giao cho các bệnh viện đấu thầu. Cách hiểu Bộ Y tế hay sở y tế đi mua thuốc cho các BV là không đúng.

Ông Đinh La Thăng cho rằng phải giao quyền tự chủ cho các BV, các BV phải là nơi chịu trách nhiệm, nếu đấu thầu sai bệnh nhân kêu ca gì thì giám đốc BV chịu trách nhiệm.

Ông Thăng mong chủ tịch TP sẽ có cơ chế vận hành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giám đốc BV và TP khuyến khích các BV tự chủ tài chính.

Ông cũng đề nghị chủ tịch TP phân cấp cho Sở Y tế, cũng như Sở Y tế phân cấp triệt để cho các BV. BV nào tự chủ nên cho toàn quyền đấu thầu cả thuốc lẫn trang thiết bị, kể cả phân cấp về việc tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ…

Kết dư BHYT 1.000 tỉ đồng

Tại hội nghị, đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015 dự kiến kết dư 1.000 tỉ đồng.

Bí thư Đinh La Thăng hỏi: Quỹ này kết dư thật hay do không thanh toán hết cho bệnh nhân?

Giám đốc BV 115 nói bệnh nhân chạy thận được thanh toán không đủ. Đại diện Bảo hiểm xã hội TP cho biết chỉ chi trả theo giá nhà nước.

Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Khánh Phong Lan nói rằng sở rất đau khổ khi BHYT kết dư 1.000 tỉ đồng. Vì 1.000 tỉ kết dư sẽ là những lời phàn nàn của bệnh nhân, sẽ là bệnh nhân mất đi nhiều cơ hội và sự đấu tranh rất mệt mỏi của các BV trong việc chi trả BHYT.

D.NGỌC HÀ - THÙY DƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp