Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng (giữa) và Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang (phải) đang trao đổi trên ca nô thị sát lòng hồ Dầu Tiếng - Ảnh: Thuận Thắng |
Sáng 12-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang đã đi thị sát hồ thủy lợi Dầu Tiếng, nơi cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM. Cùng đi còn có ông Huỳnh Cách Mạng - Phó chủ tịch UBND TP và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
Khẩn trương làm đường ống dẫn nước trực tiếp
Thảo luận ngay trên ca nô, ông Đinh La Thăng và ông Tất Thành Cang đều cho rằng nguồn nước sinh hoạt từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM hiện chưa thật sự an toàn khi dẫn thông qua hệ thống kênh hở, và dẫn chung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Bí thư Đinh La Thăng nói đây là nguy cơ làm mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM, đồng thời sẽ gây lãng phí nguồn nước vì hồ Dầu Tiếng sẽ phải luôn xả nước, kể cả khi hoạt động nông nghiệp chưa cần đến nước từ hồ.
Tại cuộc làm việc sau đó với Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, ông Đinh La Thăng đã đề nghị UBND TP.HCM cho khởi động lại ngay dự án đầu tư đường ống nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về nhà máy xử lý.
“Không thể dùng nước chung như hiện nay được. Kênh hở vừa tưới tiêu, vừa dùng cho công nghiệp vừa dùng nước sạch là không thể chấp nhận được. Như thời kỳ trước khó khăn còn chấp nhận được chứ bây giờ không thể để vậy” - Ông Đinh La Thăng nói.
Theo báo cáo của ông Hồ Văn Lâm - Tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, vốn đầu tư đường ống dẫn nước trực tiếp từ Dầu Tiếng về TP.HCM khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy đánh giá đây là con số rất lớn, ông yêu cầu Sawaco phải làm phương án kêu gọi xây dựng đầu tư ngay trong quý 2-2017.
Theo ông Thăng, tốt nhất là phải xã hội hóa, trong đó Sawaco là một nhà đầu tư, cùng các nhà đầu tư khác thực hiện.
“Khi chúng ta dùng nước ở đây thì phải có trách nhiệm đóng góp một phần tiền để hồ Dầu Tiếng tiếp tục đầu tư, vận hành” - Bí thư Đinh La Thăng nói.
Giữ bằng được vệ sinh môi trường lòng hồ
Trước chuyến thị sát này hai ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận hồ Dầu Tiếng là công trình quan trọng quốc gia. Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Bộ NN&PTNT cần có quy chế vận hành hồ phù hợp với công trình trọng điểm.
Theo ông Đinh La Thăng, sau hơn 30 năm vận hành hồ Dầu Tiếng, công nghệ vận hành, nhu cầu phát triển và sự biến đổi khí hậu có nhiều thay đổi, dó đó phải có sự điều chỉnh để đáp ứng
Bí thư Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phải quản lý chặt chẽ về môi trường nước của hồ Dầu Tiếng, vì đây là điều rất quan trọng khi các tỉnh và TP.HCM đều dùng nước từ hồ.
Cụ thể, cần kiểm soát tình hình người dân, doanh nghiệp định cư, có cơ sở trên lòng hồ, tuyệt đối không được nuôi cá bè trên hồ.
Nhiều nhà dân đang sống trong lòng hồ Dầu Tiếng - Ảnh: Thuận Thắng |
Ông Thăng lo ngại sự an toàn môi trường khi có hàng trăm hộ dân, chủ yếu là Việt kiều từ Campuchia về sống trên lòng hồ, xả thải trực tiếp ra hồ. Đồng thời lưu ý không được để các nhà máy, nhất là chế biến tinh bột sắn xả thải ra hồ.
“Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của nguồn nước mà người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận đang sử dụng” - Bí thư Đinh La Thăng nói
Ông Đinh La Thăng cũng đề nghị lắp đặt hệ thống quan trắc hiện đại, tăng cường công tác dự báo thủy văn thật tốt cho hồ Dầu Tiếng.
Hỗ trợ cho hồ Dầu Tiếng là trách nhiệm của TP.HCM Tại chuyến thị sát, lãnh đạo TP.HCM đã thống nhất tiếp tục hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ phòng chống thiên tai, cứu nạn hằng năm cho hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Ông Đinh La Thăng yêu cầu hàng năm, UBND TP cần dành một phần kinh phí để thả vài tỷ con cá giống (hiện nay thả 500 triệu con) để tăng nguồn lợi thủy sản giúp cho người dân ven hồ. Trong đó phải nghiên cứu thả cá có giá trị kinh tế cao và cân bằng được sinh thái trong lòng hồ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận