Đoàn khảo sát thắp hương tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại nhà trưng bày di tích - Ảnh: HỮU HẠNH
Một trong những nhân chứng lịch sử, người chứng kiến toàn bộ quá trình xây dựng địa đạo, ông Nguyễn Hùng Minh (sinh năm 1940), ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, cho biết cha ông là Nguyễn Văn Lự, một trong 12 chiến sĩ cách mạng tham gia đào địa đạo. Do đó quãng đời của ông luôn gắn bó và chứng kiến sự thay đổi của nơi này theo thời gian.
"Ngày trước nhà chúng tôi ở cạnh địa đạo, đã có lần lính giặc đến xét nhà và bắt, trấn nước người thân bắt khai ra nơi này nhưng cả gia đình quyết tâm bảo vệ. Đến nay địa đạo này đã được tu bổ 3 lần, việc trùng tu, bảo tồn rất quan trọng nhằm góp phần giữ gìn công trình lịch sử mà thế hệ trước đã đổ xương máu để lại và góp phần giáo dục con cháu, thế hệ trẻ mai sau", ông Minh tâm tình.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên lắng nghe thuyết minh về quá trình hình thành nên khu di tích. Ảnh: HỮU HẠNH
Cuối buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng quang cảnh địa đạo dù đã trùng tu nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ mang một ý nghĩa riêng biệt, cần giữ gìn.
"Nơi đây đúng là không gian văn hóa Hồ Chí Minh chứ không chỉ là địa đạo, bởi có thể nói tại TP thì đây là một trong những nơi hình thành địa đạo đầu tiên. Đó là lẽ sống, lịch sử, là hồn thiêng sông núi, nền tảng để lưu truyền cho các thế hệ nối tiếp về sau", ông Nên chia sẻ.
Ông đề nghị địa phương cố gắng chỉnh trang và bảo tồn di tích, giữ lại những tiểu cảnh vì đó cũng là nhân chứng lịch sử; đầu tư cơ sở vật chất để xứng tầm với một di tích lịch sử quan trọng. Đồng thời, cần bổ sung thêm các hình ảnh về Bác Hồ, về phương thức truyền tải thông điệp của Bác đến nơi này, để thế hệ con cháu có thể hình dung và hiểu rõ lý tưởng, lòng yêu nước của thế hệ đi trước.
Bí thư Nguyễn Văn Nên xuống địa đạo để khảo sát. Ảnh: HỮU HẠNH
Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM. Chọn nơi này làm địa đạo theo lời của ông Nguyễn Hùng Minh bởi vì những đặc điểm: vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình, địa vật phức tạp, nhân dân có truyền thống cách mạng.
Tiền thân của địa đạo Phú Thọ Hòa là những chiếc hầm bí mật, nhất là hầm ếch, chiều dài chừng 4,5m, chiều rộng chỉ vừa một người chui. Sau đó hầm ếch được cải tiến thành đường hầm xe lửa 2 ngăn.
Cuối cùng để tăng mức độ an toàn đã phát triển hầm xe lửa hai ngăn thành hệ thống địa đạo liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu... Chiều dài địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10 cây số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận