Tổng giám đốc Kristalina Georgieva phát biểu ở Washington, Mỹ vào tháng 10-2019 - Ảnh: REUTERS
Ngày 6-10, ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo họ đã có cuộc gặp với tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, sau khi một cuộc điều tra cho thấy bà đã thao túng dữ liệu theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong thời gian làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) trước đây, theo Hãng tin AFP.
Cuộc điều tra công bố vào tháng 9 của Công ty luật WilmerHale (Mỹ) cho thấy trong thời gian làm giám đốc điều hành WB, bà Georgieva nằm trong số những quan chức hàng đầu gây áp lực buộc nhân viên thay đổi dữ liệu để có lợi cho Trung Quốc khi đưa ra báo cáo môi trường kinh doanh "Doing Business 2018".
Trong một tuyên bố ngắn, người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết ban điều hành IMF đã gặp bà Kristalina Georgieva "như một phần của quá trình xem xét vấn đề được nêu ra trong cuộc điều tra của Công ty WilmerHale về báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới".
"Ban điều hành IMF vẫn cam kết xem xét kỹ lưỡng, khách quan, kịp thời, đồng thời kỳ vọng sẽ sớm nhóm họp trở lại để thảo luận thêm", ông Gerry Rice thông tin.
Vào đầu tuần này, ban điều hành IMF đã gặp các đại diện của Công ty WilmerHale. Tuy nhiên, ông Rice từ chối cho biết bà Georgieva có tham dự cuộc họp đó hay không.
Một nguồn tin cho biết sau cuộc gặp kéo dài khoảng 5 giờ trong ngày 6-10, ban điều hành IMF dự kiến tiếp tục gặp vào ngày 8-10 và các giám đốc điều hành có thể sẽ đưa ra lập trường chung.
Ngày 7-10, Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đang tranh luận liệu Mỹ - nước đóng góp tài chính lớn nhất cho IMF - có nên yêu cầu tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva từ chức hay không giữa vụ bê bối đạo đức nói trên.
Bà Georgieva đã gọi các kết luận nêu ra trong cuộc điều tra trên là "sai" và nói rằng bà "không gây áp lực cho bất kỳ ai để thay đổi bất kỳ báo cáo nào".
Bà Kristalina Georgieva là nhà kinh tế học người Bulgaria, trở thành tổng giám đốc IMF từ năm 2019. Bà làm giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới từ năm 2017 - 2019.
Báo cáo Doing Business là ấn phẩm xếp hạng các quốc gia dựa trên môi trường đầu tư của họ. Sau cuộc điều tra trên, hồi giữa tháng 9, Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ ngừng ra báo cáo thường niên Doing Business.
Theo Hãng tin Reuters, bà Georgieva bị cáo buộc gây "áp lực không đáng có" đối với các nhân viên của Ngân hàng Thế giới để điều chỉnh dữ liệu giúp nâng thứ hạng của Trung Quốc trong báo cáo Doing Business năm 2018, thời điểm Ngân hàng Thế giới tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho một đợt tăng vốn lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận