23/05/2013 10:38 GMT+7

Lãnh đạo EU họp bàn chống trốn thuế

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Lãnh đạo của các nước châu Âu đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 22-5 (giờ địa phương) nhằm đưa ra một giải pháp chống gian lận và trốn thuế vốn đang gây tổn thất cho EU khoảng 1.000 tỉ euro mỗi năm.

AhFPnWfg.jpgPhóng to
Tổng giám đốc điều hành Apple Tim Cook giải trình tại Thượng viện Mỹ hôm 21-5 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ban đầu nội dung cuộc họp là thảo luận về các chính sách năng lượng và điều phối thuế. Thế nhưng việc các tập đoàn quốc tế lớn đóng thuế quá ít qua các hoạt động kinh doanh tại châu Âu đã đẩy vấn đề trốn thuế thành chủ đề chính của chương trình nghị sự.

Cuộc họp của EU diễn ra trong bối cảnh các tập đoàn lớn như Amazon, Google, Starbucks và Apple bị cáo buộc né thuế. Nổi bật nhất là vụ việc của Apple mà tổng giám đốc điều hành Tim Cook của tập đoàn này hôm 21-5 (giờ Mỹ) phải giải trình trước Thượng viện Mỹ. Apple bị cáo buộc trốn thuế hàng tỉ USD chủ yếu do lợi dụng lỗ hổng trong luật thuế của Ireland. Tập đoàn Amazon ở Anh cũng bị cáo buộc chỉ nộp thuế 3,7 triệu USD trên tổng doanh thu 6,5 tỉ USD năm 2012.

“Đạo đức giả đến mức khó tin”

AFP trích thư mời dự hội nghị của chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy gửi các lãnh đạo trong khối nêu rõ: “Trong thời điểm thắt chặt ngân sách và cắt giảm chi tiêu, việc đấu tranh chống gian lận và trốn thuế còn quan trọng hơn cả vấn đề công bằng thuế”.

Tại cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính tuần trước, Áo và Luxembourg đã từ chối ký vào kế hoạch thu thuế trong toàn EU dựa trên việc chia sẻ dữ liệu ngân hàng xuyên biên giới. Hai nước này khẳng định Ủy ban châu Âu (EC) phải thỏa thuận với các “thiên đường tài chính” như Thụy Sĩ, Andorra, Monaco, Saint-Marin và Liechtenstein về những tiêu chuẩn minh bạch hóa.

Tuy nhiên, các quan chức EU cho rằng thỏa thuận về thuế toàn EU và thỏa thuận của châu Âu bao gồm 27 nước với năm nước này là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt.

Thế nhưng các quan chức EU lại bác bỏ khả năng đưa ra các biện pháp tức thời nhằm ngăn chặn các lỗ hổng né thuế hay việc bêu tên các công ty trốn thuế trong tuyên bố chung, mà chủ yếu sẽ là tăng cường các hiệp ước song phương về thuế.

Theo họ, điều này tùy thuộc vào các nước thành viên EU trong việc đưa ra các luật cần thiết.

Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết lãnh đạo các nước châu Âu đã gần đạt đến một giải pháp về thuế, nhưng vẫn còn trở ngại từ phía các nước hiện còn phụ thuộc vào quy định về bí mật ngân hàng.

Đề cập đến cuộc chiến chống gian lận thuế, trước đó ngày 21-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Ý Enrico Letta đã vạch rõ “đang có một sự đạo đức giả đến khó tin ở cấp độ châu lục”. Theo ông, việc truy quét nạn gian lận thuế không được một số nước hoan nghênh vì họ sẽ bị mất những khoản tiền kiếm được một cách dễ dàng.

Apple giải trình tại thượng viện

Trong khi đó, điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Tim Cook khẳng định Apple đã tuân thủ các quy định về thuế và ông “tự hào vì những đóng góp của tập đoàn cho nền kinh tế Mỹ”.

Thế nhưng một số nghị sĩ đã tỏ ra bức xúc trước những báo cáo, trong đó cáo buộc đại gia công nghệ này đã né thuế thông qua một mạng lưới các công ty con ở nước ngoài. Một báo cáo cho biết Apple đã nhượng lại bản quyền sở hữu trí tuệ cho ba công ty con ở Ireland do Apple kiểm soát. Những công ty này thu hầu hết lợi nhuận toàn cầu của Apple.

Giải trình điều này, ông Tim Cook nhắc lại tuyên bố trước đó cho rằng đây là một vấn đề “phức tạp” và thường xuyên bị hiểu lầm. “Apple trả 30,5% lợi nhuận cho việc đóng thuế ở Mỹ - ông nhấn mạnh - Chúng tôi được hưởng tỉ suất thuế thấp bên ngoài nước Mỹ nhưng mức thuế này là áp dụng đối với các sản phẩm chúng tôi bán ở nước ngoài”. Ông khẳng định Apple tuân thủ các luật về thuế dù hoạt động ở bất cứ nơi nào, đồng thời bác bỏ các tin về công ty “ma”.

“Apple hoạt động thật ở những nơi thật với việc nhân viên của Apple bán các sản phẩm thật cho những khách hàng thật. Chúng tôi trả thuế từng đồng một” - ông Tim Cook nhấn mạnh và bác bỏ luôn chuyện chuyển quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài rồi bán lại sản phẩm cho trong nước để né thuế.

Tuy nhiên, ông Tim Cook thừa nhận Apple đang giữ một lượng tiền lớn ở nước ngoài và cho biết tỉ suất thuế doanh nghiệp lên đến 35% đã khiến tập đoàn ngại chuyển tiền về nước. Ông cho rằng cần hạ thấp tỉ suất thuế doanh nghiệp cho dù điều này có thể khiến Apple phải đóng thuế nhiều hơn, nhưng đó sẽ là “một tỉ suất thuế cho phép dòng vốn chảy tự do về lại Mỹ”.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp