Hai thiếu niên 14 tuổi bị đấm đá dã man tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM (ảnh cắt từ clip)
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM được yêu cầu phối hợp xác minh
Ngày 2-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam cho hay: "Thủ tướng có chỉ thị 23 đề nghị bất cứ vụ việc nào mà bạo lực, xâm hại trên trẻ em xảy ra trên địa bàn thì phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, ngoài những người gây ra các hành vi bạo lực đối với trẻ thì cần phải truy cứu, xem xét trách nhiệm những người liên quan.
Nêu ví dụ, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP.HCM), lãnh đạo phường sở tại nơi để xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức độ trách nhiệm, hành vi đến đâu, trực tiếp hay gián tiếp thì phải xử lý mức độ khác nhau".
"Dù hai em đột nhập từ ngoài vào, có thể nghi ngờ hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, các hành động bạo lực đối với các em ngay trong khuôn viên trường học vẫn là vi phạm pháp luật", ông Nam khẳng định.
"Chúng ta phải nêu rõ trách nhiệm về mặt pháp lý của cá nhân có liên quan. Thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là quy định theo nghị định 56 của Chính phủ về hỗ trợ can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc bạo lực", ông Nam nói.
Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - Ảnh: H.Q.
Ông Nam cho rằng vụ việc phải phân rõ: thứ nhất là hành vi bạo lực đối với hai em, thứ hai là dấu hiệu hai em vi phạm pháp luật.
"Chúng ta phải xử lý một cách riêng rẽ, theo quy định của pháp luật, chứ không nên lấy cớ các em vi phạm pháp luật mà có những hành vi đánh đập, ngược đãi các em như vậy", ông Nam nhấn mạnh.
Ngay trong sáng 2-4, Cục Trẻ em đã có công văn đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an, để triển khai việc xác minh thông tin, truy cứu trách nhiệm với các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam đề nghị TP.HCM vào cuộc, hỗ trợ, can thiệp kịp thời các em. Còn việc vi phạm pháp luật của các em như thế nào, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp giáo dục, cải tạo để các em trở thành công dân tốt.
Hãy gọi tổng đài 111 khi nghi trẻ em bị xâm hại, bạo lực
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - Ảnh: MOLISA
Ông Nam kêu gọi: "Sự hợp tác, mạnh dạn lên tiếng tố cáo của cộng đồng dân cư, gia đình, trường học như hàng xóm, cha mẹ… khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực thì cần phải thông báo ngay với cơ quan chức năng.
Đặc biệt, sử dụng tích cực hơn nữa dịch vụ bảo vệ trẻ em qua tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, can thiệp từ khi sự việc có nguy cơ, chưa xảy ra, chứ nếu xảy ra thì rất đáng tiếc".
"Tất cả thông tin của người dân, của trẻ em phản ảnh đến cơ quan chức năng cũng như tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đều được bảo mật thông tin và được triển khai ngay lập tức và đúng pháp luật", ông Nam khẳng định.
Theo Công an TP.HCM, vụ việc xảy ra vào lúc 23h10 khuya 31-3, tổ bảo vệ dân phố phường 14 (quận 10) làm nhiệm vụ tuần tra, khi đến khu vực Trường THCS Nguyễn Văn Tố thì nghe bảo vệ nhà trường tri hô có trộm đột nhập.
Các bảo vệ dân phố hỗ trợ bắt giữ, đưa N.P.H.T. và N.D.T.A. (cùng sinh năm 2007, thường trú quận 10) vào phòng bảo vệ của trường để chờ lực lượng công an đến giải quyết.
Tại đây, bảo vệ dân phố tên T.Q.H. đã đánh đập dã man hai em.
Công an phường 14 đã làm việc với những người liên quan vụ việc trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận