Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại hội nghị cấp cao tối 12-11 - Ảnh: APEC 2021
Theo Thủ tướng Ardern, đó là những câu hỏi làm thế nào để tiêm chủng nhanh nhất có thể, làm thế nào để giữ cho các doanh nghiệp tăng trưởng và người dân có việc làm hay làm thế nào để tăng tốc phục hồi kinh tế?
Cam kết đi cùng nhau
Nhà lãnh đạo New Zealand khẳng định sự kiện ngày 12-11 không chỉ bàn về cách vượt qua COVID-19 mà còn là cơ hội để các bên cùng nhìn về tương lai. Đó là khi mọi người dân được vắc xin bảo vệ, các nền kinh tế APEC phát triển xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi kỹ thuật số.
Một số nhà lãnh đạo đã đưa ra những đề xuất sát sườn trước mắt, chẳng hạn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đề xuất lập bộ tiêu chuẩn chung về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19.
Ông lập luận điều này sẽ giúp việc di chuyển hàng hóa và con người thuận lợi hơn, tạo tự do thương mại và trở thành động lực cho kinh tế khu vực hồi phục của APEC.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh cam kết đi cùng nhau để ứng phó COVID-19, nhắc lại lời kêu gọi chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 trên cơ sở tự nguyện.
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết các thành viên APEC sẽ tiếp tục làm việc để mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin, đảm bảo việc di chuyển của người dân qua lại biên giới không làm ảnh hưởng đến việc chống dịch và củng cố hệ thống y tế.
Về lộ trình hồi phục kinh tế, các nhà lãnh đạo cam kết sử dụng các công cụ kinh tế vĩ mô để giải quyết những ảnh hưởng xấu của COVID-19. Về lâu dài, việc xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, bao trùm được xem là nền tảng cho hồi phục kinh tế.
Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC năm 2040 cũng được thông qua tại hội nghị và sẽ được đánh giá, cập nhật sau mỗi 5 năm. Theo kế hoạch, hội nghị cấp cao và các cuộc họp khác của APEC 2022 sẽ được tổ chức tại Thái Lan.
Mỹ đã đề nghị đăng cai APEC 2023 song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên.
Thông điệp của Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên, đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt để "chung tư duy, cùng hành động" vì lợi ích của mỗi nền kinh tế và của cả cộng đồng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 trọng tâm của APEC:
Thứ nhất, kiểm soát và dập dịch là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương an toàn và mạnh khỏe, ổn định và phục hồi kinh tế vững chắc.
Thứ hai, APEC phải phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu để gánh vác trách nhiệm xây dựng nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, hội nhập, kết nối hiệu quả. Theo đó, APEC và từng nền kinh tế thành viên cần chung tay củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử và đề cao vai trò của WTO.
Cuối cùng, APEC cần đi đầu xây dựng hình mẫu châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng xanh và bao trùm để hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040.
Ông nêu bật những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu về phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và bao trùm, giải quyết những thách thức chung toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên APEC hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các đề xuất của Chủ tịch nước được các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao, tán đồng và phản ánh trong các văn kiện của hội nghị.
Lãnh đạo Mỹ, Trung cùng xuất hiện
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng xuất hiện trong Hội nghị cấp cao APEC ngày 12-11 được xem như "màn khởi động" cho cuộc gặp song phương dự kiến diễn ra vào tuần tới, theo Bloomberg.
Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc "kiên quyết" mở cửa với thế giới bên ngoài và chia sẻ cơ hội phát triển với các nước. Theo ông Tập, các bên cần theo đuổi "chủ nghĩa đa phương thực chất", đối thoại thay vì đối đầu, hòa nhập thay cho loại trừ và bảo vệ thể chế thương mại đa phương với cốt lõi là WTO.
Trong khi đó, ông Biden cho biết Washington sẽ tăng cường các quan hệ kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giải phóng sức mạnh kinh tế của khu vực. Ông nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để các bên hợp tác với nhau, vì tương lai bền vững.
Hôm 10-11, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao APEC, Washington và Bắc Kinh đã tuyên bố đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu. Với những người theo chủ nghĩa lạc quan, việc Mỹ và Trung Quốc tìm cách quản lý căng thẳng có ý nghĩa lớn đối với APEC, thúc đẩy niềm tin hợp tác trong khu vực.
Đây được xem như một cú hích tinh thần cho các thành viên APEC đang tìm cách chuyển đổi kinh tế xanh và bền vững sau đại dịch, bởi Mỹ và Trung Quốc - hai nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới - cuối cùng đã chịu ngồi lại về khí hậu sau các căng thẳng ngoại giao, chính trị, thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận