Phóng to |
Một giờ sinh hoạt truyền thống tại Trường THCS Vĩnh Hòa với bài giảng về tấm gương của các vị tiến sĩ của làng - Ảnh: Ngọc Tài |
Làng của những ông bà cử là một vùng quê thuần nông nằm cách trung tâm huyện Ba Tri gần chục cây số. Ở đó dễ dàng nhận thấy trước sân mỗi nhà đều có một đống rơm làm thức ăn cho trâu bò. Đường sá, trường học, trạm y tế đều rất khang trang, chỉ có trụ sở UBND xã là lụp xụp vì đã xây dựng cách đây hơn 20 năm.
Học dưới làn bom đạn
Ông Hồ Văn Phúc, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết những năm cuối thập niên 1980, xã tiên phong thực hiện cải cách ruộng đất, chia ruộng cho người cày. Trung bình bốn nhân khẩu ở đây mới được 1 công đất (1.000m2) sản xuất. Diện tích đất sản xuất không ai hơn ai nên chẳng có kẻ giàu người nghèo. Dù vậy xã lại dẫn đầu cả tỉnh về số lượng con em đỗ tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân. “Việc học như là một phong trào ganh đua vậy. Nhà này có con đi học, đỗ đạt lại trở thành tấm gương nhắc nhở con cái hàng xóm. Cha tôi hồi xưa cũng thường nhắc bây học làm sao cho bằng gia đình thầy Châu” - ông Phúc chia sẻ.
Nhà thầy giáo Lữ Văn Châu ở ấp Bảo Hòa vừa được UBND xã Vĩnh Hòa công nhận là dòng họ hiếu học. Ông Phúc giới thiệu: “Đây là gia đình có nhiều cậu bé chăn trâu thành ông cử nhất làng. Hồi đó trường học cấp III ở đây chỉ có hơn 10 giáo viên mà con cháu của nhà thầy Châu đã chiếm hết bốn người”. Hiện tại, trong gia đình thầy Châu ngoài thầy Châu đã có học vị thạc sĩ còn lại có cả thảy 12 cử nhân là anh em, con cháu, trong đó có năm giáo viên và bốn bác sĩ.
Thầy Châu kể nhà có 10 anh em, thuở nhỏ phải dắt trâu ra đồng chăn đến tối mịt mới về. Lớn lên một chút anh em thay phiên nhau cày ruộng một buổi, đi học một buổi. Cả thầy, thầy giáo Lữ Tri Tôn (nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phan Thanh Giản) và bác sĩ chuyên khoa II Lữ Minh Tâm (giám đốc Bệnh viện Đa khoa Minh Đức, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đều là những tay cày có tiếng trong vùng.
Sau khi học hết ba lớp ở làng thì cả ba anh em đều phải nghỉ học, làm quần quật ngoài đồng vì thời đó chiến tranh rất ác liệt. “Nhiều lần vượt đồn bót đi học đạn pháo bay vùn vụt trên đầu. Cha mẹ tôi sợ chưa học được con chữ đã không còn mạng trở về nên ngăn cấm không cho đi học nữa” - thầy Châu kể.
Vậy rồi ngót nghét bảy tám năm sau, khi chiến tranh tạm ổn, người trong làng lại giật mình khi thấy anh em thằng Châu chăn trâu, cao tồng ngồng mà còn cắp cặp lên thị trấn học với những đứa trẻ con. “Hồi đó 19 tuổi tôi mới học lại lớp đệ tam (lớp 10). Lớn tuổi nên tôi học hai lớp một năm. Toàn được làm lớp trưởng. Học được vài năm tôi về nhà lôi các em đi học lại. Đứa nào cũng 16-17 tuổi hết rồi. Nhờ vậy mà trở thành tấm gương hiếu học cho con cháu sau này”.
Rồi thầy Châu bùi ngùi: “Mấy anh em đi học hết nên ba má phải thay nhau ra ruộng cày. Còn tiền đi học thì má tôi phải chạy khắp xóm để mượn”. Sau này khi thầy Châu lấy bằng thạc sĩ còn các em trở thành giáo viên, bác sĩ, gia đình thầy mới bán hết số trâu và đem ruộng cho thuê.
Tôn trọng sự học
Trường THCS Vĩnh Hòa là tòa nhà khang trang bậc nhất ở xã Vĩnh Hòa với hai lầu và trang thiết bị dạy học hiện đại. Năm 2008, trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia và là một trong những trường đầu tiên được công nhận của tỉnh Bến Tre. Nằm trang trọng trong phòng truyền thống là nơi giới thiệu về những vị tiến sĩ của làng.
Ông Nguyễn Vĩnh Viễn, chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Hòa, cho biết gần chục năm nay xã Vĩnh Hòa vẫn duy trì truyền thống treo thưởng cho con em thi đỗ vào đại học với mỗi suất 500.000 đồng. Ông Viễn khoe: “Năm rồi toàn xã có 26 em thi đỗ đại học, tăng 10 em so với năm trước. Nhiều năm liền xã có học sinh đỗ các trường danh tiếng như Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Bách khoa TP.HCM. Theo thống kê hằng năm xã này có khoảng 15-20 người ra trường có bằng đại học và có việc làm ổn định”.
Ngoài ra, những học sinh thi đỗ các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh cũng được hội thưởng “nóng”. Kể cả giáo viên hướng dẫn các em thi học sinh giỏi đoạt giải cũng được hội khuyến học dành một phần thưởng khích lệ.
Mới đây nhân dân xã Vĩnh Hòa lại đón nhận niềm vui khi các con em học hành thành tài đã bắt đầu trở về phục vụ quê hương. Đơn cử như con trai lớn của ông Trần Văn Ửng đang chuẩn bị hành trang để về UBND xã làm sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. “Các em về quê như một luồng gió mới và chẳng mấy chốc làng xã này sẽ phát triển đi lên” - ông Viễn hi vọng.
Vừa mò cua, bắt ốc vừa học bài Không riêng gì gia đình thầy Châu mà nhiều gia đình có con em là những ông bà cử cũng đều xuất thân nghèo khó. Như gia đình tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, ở ấp Vĩnh Đức Đông. Tiến sĩ Huấn hiện tại là phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Bến Tre, em trai là thầy Nguyễn Văn Chỉnh, đang là hiệu phó Trường THPT Phan Liêm. Thầy Chỉnh kể những năm khó khăn anh em nhà thầy phải cắp sách vở theo người trong làng vào rừng mò cua, bắt ốc, lúc rảnh rỗi mang bài ra học. Đến tháng nước thì giăng câu giăng lưới hoặc làm đủ mọi nghề để có tiền mua sách vở. |
Giữ nhiều trọng trách Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Hòa, làng cử nhân có bảy tiến sĩ, bốn thạc sĩ và hàng trăm cử nhân đã ra trường. Điển hình như tiến sĩ Nguyễn Tấn Mẫn - nguyên thứ trưởng Bộ GTVT; tiến sĩ Nguyễn Ngọc Cẩn - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức (nay là Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM); tiến sĩ Lê Thị Cúc - nguyên giảng viên Trường đại học Nông nghiệp; tiến sĩ Dương Thành Đa - nguyên phó giám đốc Công ty Điện máy miền Nam... Mới đây nhất là tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Bến Tre. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận