Phóng to |
“Một công trình kiến trúc bằng tre không ngừng biến hóa” trong không gian nghệ thuật của Làng tôi - Ảnh do đoàn xiếc cung cấp |
Vậy là sau khán giả Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Hong Kong, Hungary, Bỉ, Hi Lạp... nay đến lượt khán giả VN ở Sài Gòn có cơ hội thưởng thức vở xiếc Làng tôi trong một không gian nghệ thuật đúng nghĩa.
"Sử dụng tre như chất liệu duy nhất để diễn xiếc, các nghệ sĩ trẻ đa năng đầy sức sống của Làng tôi đã gọi lên lần nữa sức sống đa năng của tre Việt, vẽ lên lần nữa bức tranh quê phồn thực, trữ tình, ấm áp..." Đạo diễn VIỆT LINH |
Trong niềm vui đưa vở xiếc tái hiện sinh động về làng quê Việt đến được với nhiều khán giả VN hơn, đạo diễn Tuấn Lê - một trong ba tác giả của chương trình - chia sẻ: “Sau gần bốn năm lưu diễn trên thế giới, Làng tôi đang tìm cách đến với khán giả VN ở cả miền Bắc và miền Nam. May nhờ chương trình Duyên dáng VN và lời mời của Thanh Niên Media, chúng tôi đã có một đêm diễn ra mắt khán giả Sài Gòn tại nhà hát Hòa Bình cuối tuần trước. Khán phòng đầy ắp và khán giả của đêm diễn đã ngồi đến tận phút cuối. Chỉ tiếc không gian lúc đầu hơi ồn ào, khán giả đã không được chuẩn bị trước để có một tâm thế thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc biệt. Nay chương trình vào Nhà hát TP thì sẽ thích hợp hơn. Chương trình đến Nhà hát TP cũng nhờ “đứa em” của Làng tôi là À ố show, vì Làng tôi diễn thay suất diễn của À ố show”.
Với thành công của À ố show - “đứa em” cùng đạo diễn của Làng tôi, đạo diễn Tuấn Lê bày tỏ sự tự tin Làng tôi sẽ mang lại thật nhiều cảm xúc cho khán giả thành phố, như đã từng gây bất ngờ, thích thú lẫn cảm động cho khán giả trong và ngoài nước khi lưu diễn ở trời Tây. Đạo diễn Việt Linh - sau hai lần mua vé xem Làng tôi ở Paris, khi viết về Làng tôi cho một giai phẩm xuân, đã xuýt xoa vì âm nhạc của vở - dân gian mà hiện đại. Khán giả - đạo diễn Việt Linh cũng dẫn lời của tuần báo Pháp L’Express khen ngợi Làng tôi: “Một công trình kiến trúc bằng tre không ngừng biến hóa, trong đó các nghệ sĩ nhào lộn là những nhà xây dựng luôn trong tư thế thăng bằng”. Cũng vì vậy mà khi Làng tôi diễn ở nhà hát Hòa Bình, đạo diễn Việt Linh đã đi xem lại lần thứ ba và mua 30 vé để tặng bạn bè. Còn nhà phê bình Đặng Tiến, khi xem Làng tôi ở Orléans (Pháp), đã gọi đây là “món quà quê hương sáng giá”. Êkip Làng tôi, theo ông, đã “sáng tạo được một món hàng mới - không những mới với ta mà còn mới với người: góp công và góp ý vào cuộc cách tân nghệ thuật xiếc thế giới”.
Những lời cổ vũ thật đẹp đó có lẽ đã đủ để êkip Làng tôi tự tin chương trình - một sáng tạo độc đáo trên cái nền tự tình dân tộc... - sẽ có nhiều khán giả tìm đến, và hơn thế, cùng với À ố show, làm thay đổi quan niệm của nhiều người vốn xem xiếc như những “trò lẻ” dành cho trẻ em.
Đạo diễn Tuấn Lê cũng cho biết xu hướng làm “xiếc mới” - không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ mà xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp có ý tưởng xuyên suốt, có câu chuyện, kết hợp xiếc, múa với âm nhạc - là một xu hướng có tiềm năng rất lớn, cần được phát triển tại VN, mà Làng tôi và À ố show đã đi bước tiên phong.
Một tin vui nữa cho khán giả TP.HCM lẫn nghệ sĩ là nếu không có gì trục trặc, Làng tôi dự kiến sẽ “đóng đô” suốt tháng 3 và tháng 4 tại Nhà hát TP. Và con đường “chinh chiến” ở sân khấu quốc tế của Làng tôi vẫn đang rộng mở khi vở tiếp tục nhận được lời mời từ Singapore; đặc biệt trước “hiện tượng Làng tôi” ở châu Âu, cũng đã có đối tác ở New York có nhã ý đưa vở xiếc đến châu Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận