Phóng to |
Tuổi thơ của những đứa trẻ ở Thổ Hà chỉ quanh quẩn trong những con ngõ chật hẹp như thế này - Ảnh: Hải Dương |
Mang danh làng, lại ở một vùng nông thôn vậy mà Thổ Hà hiện đang diễn ra những cái chẳng đâu có: làng không có đất nông nghiệp, làng có mật độ dân cư ngang với các quận nội thành Hà Nội, nhà cổ làm nơi nuôi heo, ngõ siêu hẹp, trẻ không có sân chơi và giá đất cao ngất ngưởng...
Ông trưởng thôn Cáp Trọng Việt khi nghe chúng tôi hỏi rằng sao Thổ Hà chật thế đã thốt lên: “Làng tôi không phải chật mà là quá chật, siêu chật”.
Những con ngõ siêu hẹp
Người và heo sống chung Nghề gốm đã bị mai một, giờ đây người Thổ Hà chủ yếu làm nem, nấu rượu và nuôi heo. Chưa có một thống kê chính xác từ chính quyền địa phương nhưng chắc chắn phải có hàng trăm hộ trên tổng số hơn 900 hộ ở đây nuôi heo. Nhà nuôi ít thì 5-6 con, nhà nhiều có đến vài chục con khiến làng Thổ Hà giờ cũng có đàn heo lên đến vài nghìn con. 4.000 con người và hàng nghìn con heo chen nhau trên một diện tích 0,2km2 như ở Thổ Hà thì quả là quá khủng khiếp. Cả làng sống trong mùi hôi thối nồng nặc của những chuồng heo. |
Chỉ có diện tích 0,2km2 mà ngôi làng này đã phải tải hơn 900 hộ gia đình với 4.000 nhân khẩu. Tính ra mật độ ở Thổ Hà lên đến hơn 20.000 người/km2. Chúng tôi tìm kiếm lại những số liệu mật độ dân số ở Hà Nội vài năm qua để so sánh và giật mình khi mật độ ở Thổ Hà tương đương các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng của Hà Nội.
Không chỉ đất chật, người đông mà theo ông Việt, Thổ Hà còn là một làng hiếm hoi không có đất nông nghiệp để sản xuất. “Làng tôi phi nông nghiệp và chắc là độc nhất ở vùng Việt Yên, Bắc Giang này”.
Đất quá ít ỏi nên chuyện làm đường giao thông nông thôn cũng bị hạn chế đến mức tối đa. Cả làng Thổ Hà chia làm bốn xóm, nhưng chỉ có duy nhất con đường chạy dọc chân đê dài hơn 1km và từ đây là các ngõ ngang như hình xương cá dài 100-200m đâm từ đường chính tới chiếc ao tù phía sau làng.
Khi chúng tôi hăm hở phi xe máy vào một con ngõ tìm mấy chiếc nhà cổ chụp ảnh thì chợt nhận ra rằng mình không thể nào quay đầu xe lại nếu muốn đi ra. Chúng tôi thử đo con ngõ này thì thấy nó rộng... 90cm, không khác gì mấy con ngõ hẹp nhất ở khu phố cổ ngoài Hà Nội. Ở một vùng nông thôn xa Hà Nội đến 50km thuộc tỉnh trung du miền núi như Bắc Giang mà có những con ngõ siêu hẹp như vậy quả là quá kỳ lạ.
Theo ông Cáp Trọng Việt, Thổ Hà có rất nhiều ngõ siêu hẹp như thế. Những con ngõ rộng nhất cũng chỉ 1,2-1,5m. Còn lại rất nhiều ngõ rộng 90cm đến 1m. Ông Việt cho biết trước kia ngõ làng ở Thổ Hà cũng rộng lắm, nhưng dần dần người đông, đất không có nên mỗi gia đình khi sửa tường, cổng, nhà đã lấn ra ngõ một ít. Chẳng ai bảo được ai nên dần dần ngõ làng ở Thổ Hà mới bị hẹp kinh khủng như bây giờ.
Không có sân chơi cho trẻ
Chị Hà đang bưng bát cơm cho con ăn tâm sự: “Làng em chẳng có chỗ nào sạch sẽ để bọn trẻ chơi đùa cả. Lũ trẻ quanh đi quẩn lại chỉ ở trong nhà hoặc ra đầu ngõ, mà ngõ ở đây hẹp quá, xe ra xe vào cũng chẳng biết tránh vào đâu, nguy hiểm lắm”.
Chúng tôi đã đi dọc khắp 4 xóm của Thổ Hà và quả nhiên không hề có một sân chơi nào đúng nghĩa dành cho trẻ. Không có chỗ chơi, bọn trẻ ở Thổ Hà chỉ còn biết ra sông Cầu đùa nghịch. Tắm, đùa nghịch ở khúc sông đã bị ô nhiễm vừa nguy hiểm nếu bị tai nạn, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cụ Trịnh Đắc Cường, một thầy đồ đã sống 87 năm ở Thổ Hà, trăn trở: “Ngày xưa đất làng tôi cũng rộng lắm nhưng do dân số tăng nhanh, nhiều khu bị sạt lở xuống sông thành ra chật chội như ngày nay. Giá đất ở Thổ Hà ngoài mặt đường làng phải 10-12 triệu đồng/m2, trong làng cũng 5-7 triệu đồng/m2. Nó tương đương với đất TP Bắc Ninh và gấp cả chục lần các làng khác trong khu vực”.
Cụ Cường cho biết xưa kia làng Thổ Hà nổi tiếng với nghề làm gốm sành với sản phẩm là những chiếc tiểu sành dùng đựng hài cốt người quá cố sau khi bốc mộ. Có nghề làm gốm thì người Thổ Hà cũng đã sáng tạo ra cách làm tường nhà bằng tiểu sành. Những ngôi nhà cổ hiện còn sót lại ở Thổ Hà có lịch sử hàng trăm năm và thuộc vào loại độc nhất vô nhị về kiến trúc khó mà giữ gìn chúng được. Nhiều người đã phá nó xây nhà tầng để tiết kiệm diện tích. Một số nhà cổ còn lại bị người dân biến thành chuồng heo.
Sợ danh làng cổ
Thổ Hà có lịch sử cả nghìn năm theo như tìm hiểu của ông đồ Trịnh Đắc Cường. Nhưng trớ trêu thay, giờ đây người Thổ Hà sợ nhất cái danh làng cổ, họ sợ được công nhận, như làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) trong thời gian qua.
Ông Đắc - 61 tuổi, một người hiếm hoi còn sống trong căn nhà cổ trên 100 năm của dòng tộc - cho biết: “Làng tôi chưa được công nhận làng cổ, di tích quốc gia gì đâu ngoài khu đình, chùa. Mà như vụ Đường Lâm thời gian vừa qua thì dân chúng tôi cũng sợ lắm rồi, chẳng ai muốn công nhận để mang danh làng cổ làm gì”. Ông Đắc cũng lý giải thêm nếu công nhận làng cổ mà không có phương án cấp đất di dân thì Thổ Hà nguy ngay vì diện tích đất ở Thổ Hà chật hơn Đường Lâm nhiều.
Theo ông Cáp Trọng Việt thì chính quyền xã Vân Hà, thậm chí là tỉnh Bắc Giang đã có phương án giãn dân ở Thổ Hà nhiều năm nay. Nhưng phương án vẫn chỉ nằm trên giấy vì rất khó thực hiện. Có một nguyên nhân làm phương án cơ quan chức năng đưa ra khó khả thi là khung giá đất ở Thổ Hà cao gấp cả chục lần khu vực khác ở huyện Việt Yên, nên người dân không chịu di chuyển. Còn nếu đền bù cả tiền chêch lệch giá đất cho những hộ chuyển đi thì phải tốn khoản kinh phí rất lớn. Nguồn kinh phí đó vẫn là bài toán nan giải cho các cấp, các ngành ở địa phương cũng như tỉnh Bắc Giang khi nhắc đến câu chuyện Thổ Hà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận