06/09/2015 09:04 GMT+7

​Lắng nghe và tạo cơ hội cho người nghèo

LÊ NAM ghi (lenam@tuoitre.com.vn)
LÊ NAM ghi ([email protected])

TT - Có rất nhiều TP giàu có, hiện đại nhưng không phải TP nào người dân cũng đều có cuộc sống tốt. TP.HCM chưa thật sự giàu có như Kuala Lumpur (Malaysia), nhưng có nhiều cái được ở TP này mà các bạn nên tự hào.

Ông Tony - Ảnh: L.NAM

Đó là an ninh, an toàn. Là người nước ngoài, nhưng tôi hầu như có thể đi đến bất cứ nơi đâu ở TP.HCM mà không phải lo lắng nơi đó có an toàn đến tính mạng của mình không. Tôi không thể có cảm giác đó khi ở một số nước trong khu vực - những nơi tôi đã có vài năm sinh sống và làm việc.

“Để dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, chính quyền phải biết lắng nghe dân, xem họ cần gì cho cuộc sống của mình và chủ động xây dựng, lên kế hoạch thực hiện những ý kiến này một cách khoa học 

 

Dân thật thà, nghĩa tình

Theo tôi, giá trị của cuộc sống thật sự quý ở TP.HCM là sự thật thà, nghĩa tình của người dân TP. 

Hơn năm năm sinh sống và làm việc ở TP.HCM, có rất nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau khi mua hàng hóa tôi vô tình đưa dư nhiều tiền nhưng đều được người bán hàng trả lại. Họ nhận tiền và nói với tôi rằng: “Chúng tôi chỉ nhận đúng phần mà mình cần lấy” dù tôi không hề biết mình đã đưa dư tiền. Tôi đánh giá cao chuyện này và đây là điều mà gần như tôi chẳng còn cảm nhận được tại các TP lớn ở các quốc gia phát triển, thậm chí trong khu vực ASEAN. 

Khi mới đến VN cách đây hơn năm năm, tôi không thể tự mình băng qua đường và khi tôi còn đang lóng ngóng, sợ sệt không dám băng qua đường thì người dân TP này, những người tôi chưa từng biết họ, đã tự động đến cầm tay đưa tôi qua đường an toàn. Bây giờ cũng vậy, có những lúc tôi không thể tự băng qua đường sẽ có người đến nắm tay tôi, hỗ trợ tôi băng qua đường. 

Ở Malaysia, Singapore, khi chính phủ đầu tư hàng loạt cho xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng thì nhiều người phản đối, cho là lãng phí, nhưng bây giờ họ thấy chính phủ đã làm đúng. 

Tôi cho rằng TP.HCM vẫn còn thời gian để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vì trong vòng 5 - 10 năm nữa khi các bạn giàu có lên, nền kinh tế phát triển, nhiều người sẽ sở hữu ôtô thay vì xe máy - khi đó tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng như hiện nay sẽ dẫn đến quá tải. Khi đó, tôi sợ TP.HCM sẽ lại có "đặc sản" kẹt xe nổi tiếng như Bangkok, Manila... khi mà người dân phải mất đến vài giờ di chuyển trên một đoạn đường chỉ bằng từ sân bay Tân Sơn Nhất ra chợ Bến Thành. 

Còn một vấn đề nữa là giải quyết nạn ngập nước, nhiều năm nay cứ mưa lớn là TP ngập nước nhiều nơi.

Lo khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn

Tôi cho rằng TP sang trọng, giàu có sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi đại bộ phận người dân lao động không có cơ hội sinh sống, làm việc, kiếm ăn đàng hoàng. Nhìn thấy cảnh họ bị đuổi chạy vì bán ở vỉa hè... cứ thế nào ấy. Tất nhiên họ đã vi phạm quy định, nhưng có thể quy tụ họ về một nơi nào đó vì hàng quán đường phố là nét đặc trưng rất riêng của VN. 

Tôi chẳng bao giờ giới thiệu phở cho bạn bè tôi khi đến VN vì còn nhiều thứ ngon hơn phở nhiều mà bạn có thể thưởng thức trên phố. Chính quyền hãy cho người nghèo cơ hội bán hàng mưu sinh để du khách nước ngoài chúng tôi có cơ hội được thưởng thức đặc trưng văn hóa ẩm thực của các bạn. Thậm chí hãy thiết kế quầy kệ cho họ, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để họ có thể buôn bán đàng hoàng hơn. Một khi họ đã có cuộc sống đàng hoàng, an ninh xã hội sẽ ổn định. 

Tôi sợ rằng một khi trung tâm thương mại mọc lên nhiều quá, ôtô lăn bánh đầy đường, người nghèo không có cơ hội sinh sống ngày càng đông, lúc đó cách biệt giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn, chẳng ai còn quan tâm đến ai nữa.

Tôi kể chuyện này các bạn có thể sẽ không tin, nhưng đó là thực tế: ở Malaysia khi có tai nạn người ta phớt lờ, lảng ra xa, chẳng bày tỏ sự giúp đỡ, có chăng những người chạy xổ đến xem biển số xe của người bị nạn để đánh số đề. Còn ở TP của các bạn hiện nay người ta xúm vào hỗ trợ dù bạn chẳng phải giàu có, quen biết họ... mà chỉ đơn giản bạn đang gặp nạn. 

Hãy xây dựng TP làm sao để giữ mãi hình ảnh đẹp này.

Công chức nên nở nụ cười

Du khách mong nhìn thấy những nụ cười như thế này khi làm thủ tục nhập cảnh VN tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: LÊ NAM

Có một điều nữa cần quan tâm và thay đổi là làm sao để các công chức nhà nước hiểu và thay đổi cách mà họ đang hành xử khi làm việc: ban phát, tỏ ra lạnh lùng. Công chức phải hiểu trách nhiệm của họ là phục vụ người dân, chẳng lẽ khó lắm sao khi kèm một nụ cười trên khuôn mặt với những lời nói nhẹ nhàng để bản thân mình cảm thấy dễ chịu và người tiếp nhận cũng cảm thấy vui, thoải mái.

Tôi ở VN nhiều năm, nhưng chưa thấy nhân viên hải quan và xuất nhập cảnh VN nở nụ cười khi tôi nhập cảnh VN hay rời khỏi đất nước các bạn.

Khó lắm sao khi cười nhẹ và nói: “Welcome to VN” (Chào mừng đến VN) hay nói: “Have a good flight” (Chúc chuyến bay an toàn) khi tôi rời khỏi đất nước này. Chắc chắn khi nghe những lời này tôi sẽ nghĩ rằng: “À, họ đánh giá cao chuyện có mặt của mình ở đây” và khi rời khỏi VN tôi sẽ nghĩ: “Nếu có cơ hội tôi sẽ quay lại”.

TONY QUEK (người Malaysia, cố vấn đặc biệt Hãng hàng không VietJet Air) 

LÊ NAM ghi ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp