06/10/2020 08:11 GMT+7

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Người dân phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chưa đồng tình với chính sách đền bù "Dự án đường Tây Thăng Long đoạn Phạm Văn Đồng - Văn Tiến Dũng", vì sợ mất kế sinh nhai, mai một nghề may truyền thống nếu phải tái định cư ở chung cư.

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai - Ảnh 1.

Làng may Cổ Nhuế tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ và địa phương khác - Ảnh: Q.THẾ

Theo người dân, nhiều khu vực giá đất thị trường khoảng 60 triệu đồng/m2 nhưng giá áp dụng để thu hồi đất với họ chỉ hơn 20 triệu đồng/m2, có nơi chỉ 16 triệu đồng/m 2.

Mong được lắng nghe

Bà Nguyễn Thị Xuân Nga (số nhà 1, ngõ 181, phường Cổ Nhuế 2) nói nếu bị thu hồi đất, nhà bà coi như mất hết vì đường đi đúng vào nhà bà. Thêm nữa, làng nghề truyền thống may mặc bao nhiêu đời nay, thế hệ con cháu cũng đang sống dựa vào nghề này nên mong được tái định cư ngay trên chính địa phương để hoạt động làng nghề.

Cũng nằm trong diện thu hồi đất như gia đình bà Nga, ông Đỗ Hoàng Dũng (nhà số 8, ngõ 145 đường Cầu Noi) mong muốn chính quyền hãy lắng nghe người dân, khi lấy đất phục vụ công trình dân sinh thì phải đổi lại bằng đất để phát triển làng nghề, nếu phải lên chung cư thì không thể phát triển được nghề.

Theo ông Dũng, đến năm 2020 quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn quận vẫn còn rất nhiều vì khu vực này phần lớn là đất nông nghiệp. Ông Dũng thông tin thêm dân nhận thấy chưa phù hợp vì giá bồi thường quá thấp, đất người dân ở trong ngõ có giá 50-60 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ áp vào mức 3, mức 4 chỉ có mười mấy triệu đồng/m2, không đủ để mua một căn chung cư giá rẻ nên đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần phải xem xét lại.

Bà Nguyễn Thị Vân - tổ trưởng dân phố Trù 1, phường Cổ Nhuế 2, thành viên tổ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Tây Thăng Long - cũng nhận định công tác đền bù chưa thỏa đáng. "Làng cổ gần 1.000 năm, làng nghề được TP công nhận, có cả nhà thờ cụ tổ làng nghề. Người dân không phản đối dự án, nhưng khi lấy đất phải đền bù tái định cư lại bằng đất để người dân tái tạo làng nghề, giữ nghề truyền thống" - bà Vân đề nghị.

Ngoài làm nghề may, bà Vân cho biết nhiều người dân còn trồng rau củ mưu sinh. "Tôi thấy có một số người dân được mời họp nhưng phần phát biểu rất ít. Đáng ra trước khi thu hồi đất phải họp nhiều lần, lấy ý kiến rộng rãi, thông suốt để từ đó có hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo quyền lợi các bên hơn" - bà Vân nói.

Dân lo lắng khi chưa có thông tin cuối cùng

Phó chủ tịch Hội Nghề may Cổ Nhuế Văn Tiến Công thông tin thêm nghề may của xã Cổ Nhuế cũ (nay tách thành phường Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2) đã có từ lâu đời. Trong các báo cáo kinh tế của địa phương thì nghề may là nghề mũi nhọn. Hiện nay có khoảng 300 hộ gia đình ở phường Cổ Nhuế 2 sống dựa vào nghề may, trong đó có hơn 30 xưởng lớn. 

"Trước đây huyện Từ Liêm cũ khoảng năm 2007 đã dành một khu đất trên 7ha ở địa bàn xã Cổ Nhuế cũ để phát triển nghề may, nhưng không hiểu sao đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Tôi cũng là thành viên trong dự án đó nhưng không biết tiến độ thế nào" - ông Công nói. 

Ông Công cho rằng việc mở đường là chính đáng nhưng cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng. Đền bù thấp quá, nhiều gia đình sau khi giao đất không có nơi để ở và tiếp tục làm nghề vì gia đình có nhiều thế hệ.

Ngày 5-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Chí Linh - phó chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 - thông tin: "Theo quan điểm cán bộ tại địa phương thì thấy giá bồi thường chưa đảm bảo vì đất ở trong ngõ sâu cũng đã 40 triệu đồng/m2. Về việc này chúng tôi đã báo cáo lên các phòng ban chuyên môn, ban quản lý dự án quận Bắc Từ Liêm. 

Thông tin tôi nắm được là hiện nay UBND quận cũng đã báo cáo lên UBND TP về việc có thay đổi giá bồi thường hay không, có thay đổi tái định cư bằng đất không nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin. Đây là chủ trương của TP nên phía địa phương vẫn phải tổ chức vận động người dân thực hiện theo chính sách, khi nào TP có thay đổi thì lúc đó mới có thông tin, có bồi thường thêm..." - ông Linh cho biết.

Mới đây, sau khi nhận được đơn của người dân làng nghề may Cổ Nhuế, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng đã có văn bản số 2672 trả lời một số nội dung người dân kiến nghị, trong đó có nội dung cần phải xác định lại giá đất và hoán đổi đất thu hồi bằng đất tái định cư. 

Trong đó, UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết ngày 13-4, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thẩm định giá và giám định Việt Nam về tư vấn định giá đất. Đồng thời cho biết kiến nghị của các hộ gia đình đề nghị UBND TP hoán đổi đất thu hồi bằng đất tái định cư không thuộc thẩm quyền của UBND quận Bắc Từ Liêm, nên đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xin ý kiến giải quyết theo quy định.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt triển khai dự án xây dựng đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm với tổng kinh phí hơn 1.494 tỉ đồng. Ngày 23-10-2019, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án, theo đó ngân sách quận Bắc Từ Liêm thực hiện dự án là 50 tỉ đồng, phần còn lại là ngân sách TP.

Theo lãnh đạo UBND phường Cổ Nhuế 2, mới hơn 100 hộ dân có đất nông nghiệp phục vụ dự án được thu hồi, hiện nay còn 546 hộ dân thuộc diện thu hồi nằm chủ yếu trên địa bàn phường vẫn đang kiến nghị.

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai - Ảnh 3.

Hàng trăm gia đình vẫn sinh sống bằng nghề may ở làng Cổ Nhuế - Ảnh: QUANG THẾ

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai - Ảnh 4.

Nghề may tạo “cơm ăn áo mặc” cho người dân làng Cổ Nhuế - Ảnh: QUANG THẾ

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai - Ảnh 5.

Nghề may tạo “cơm ăn áo mặc” cho người dân làng Cổ Nhuế - Ảnh: QUANG THẾ

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai - Ảnh 6.

Làng may Cổ Nhuế còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương khác - Ảnh: QUANG THẾ

Làng nghề may Cổ Nhuế lo mất kế sinh nhai - Ảnh 7.

Làng may Cổ Nhuế còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương khác - Ảnh: QUANG THẾ

  
Triển khai các chương trình phát triển làng nghề Triển khai các chương trình phát triển làng nghề

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với làng nghề.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp