12h trưa ngày 30-1, hàng chục người cả đàn ông lẫn phụ nữ ở cơ sở ẩm thực Bông Hương (thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ) tất bật chạy đua từng phút để nấu tiệc kịp đưa lên xe máy hướng ra thành phố theo đơn đặt của khách.
Muốn hỏi gì cũng rất khó nhận được câu trả lời bởi sự gấp gáp, tất bật.
Bật cười với những tờ đơn đặt tiệc dài cả mét
Ông Trương Văn Thông, chủ cơ sở ẩm thực Bông Hương, xoay liên tục với các cuộc gọi đặt tiệc từ khách.
"Bận quá không… kịp thở luôn. Từ ngày 2 tháng chạp tới giờ vợ chồng và mấy chục lao động làm cho tui gần như ngủ chỉ vài tiếng mỗi ngày. Đơn hàng tới tấp, có ngày phục vụ cả vài ngàn suất ăn nên xoay không kịp" - ông Thông nói trong vội vã.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Thông rộng thênh thang ở làng quê nhưng không còn một khoảng trống nào.
Trước hàng cột, vợ ông cùng mấy chị em lấy bìa giấy cứng nối dài cả mét, ghi chi chít thực đơn, địa chỉ của khách đặt rồi dán đứng lên trụ tường ở gần vị trí ra vào cho chị em cùng biết để nấu.
Ai cũng bật cười với tấm đơn hàng chi chít chữ, y hệt như tờ sớ này. Nhưng chừng ấy đơn mới chỉ là khách đặt trong nửa ngày. Có những ngày như ông Thông nói thì tấm bìa dài bằng ba bốn người nối lại.
Từ ngoài sân đi vào dãy nhà phía sau đâu đâu cũng thấy rau, củ, quả, xoong nồi. Phía trước cổng hàng chục bình gas công nghiệp được chất đống chờ người tới bơm.
Bỗng dưng thành… làng sự kiện
Những ngôi làng quanh thôn Châu Lâu có lẽ là nơi đặc biệt nhất nhì miền Trung bởi không khí náo nhiệt, cao điểm của mùa "chạy sô nấu tiệc".
Từ lâu nghề phục vụ đám cưới, đám ma, sự kiện, đặc biệt là nấu ẩm thực cho khách thành phố trong những ngày trước Tết là một nghề thời vụ nhưng rất đặc biệt ở vùng thôn quê này.
Người dân ở Châu Lâu, Phong Thử, La Huân, Thôn Tây… trước đây đa phần làm nông, làm thợ nề. Nhưng mọi thứ biến đổi hoàn toàn khi cách nay chừng 15 năm một số người giỏi nấu ăn đã nhận đơn phục vụ khách từ thành phố rồi đưa về làng nấu.
Thấy sạch sẽ, đồ ăn ngon, lại biết cách trang trí và "tiếp thị" nên khách hàng đặt ngày một nhiều. Từ một vài hộ, vậy là cái tên "những làng đầu bếp, làng sự kiện" được gọi vui rồi tới nay ai ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng biết nó nằm ở xã Điện Thọ.
Theo thống kê của xã Điện Thọ, nghề nấu tiệc, tổ chức sự kiện đang có trên dưới 150 hộ dân ở xã này duy trì. Nhiều nhất là thôn Châu Lâu với 40 hộ.
Nghề nấu tiệc, làm sự kiện đã kéo theo nhiều dịch vụ, tạo thu nhập cho bà con như các cơ sở in ấn, dịch vụ vận tải, lao động thời vụ.
Nổi tiếng nhất nhì trong vùng này ngoài cơ sở của vợ chồng ông Thông, còn có cơ sở Nam Quý.
Bà Nguyễn Thị Quý là hiệu trưởng mầm non về hưu, chồng bà trước đây chỉ nấu ăn phục vụ bà con trong vùng. Nhưng chừng 10 năm nay toàn bộ gia đình đã chuyển hẳn qua nghề nấu tiệc, tổ chức sự kiện.
"Từ đầu tháng chạp tới tầm 26, 27 Tết là gần như sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Đơn khách đặt tới tấp, chủ yếu ở Đà Nẵng người ta làm tất niên.
Chúng tôi phải thuê mấy chục bà con tới làm cùng, mỗi ngày trả công 400.000 đồng/người nhưng vẫn không kịp để phục vụ. Có ngày nấu tiệc cho 3.000 - 4.000 khách ăn, xe tải vào ra liên tục" - bà Quý nói.
Đưa Tết đi muôn nơi
Vào Điện Thọ những ngày này hình ảnh vui nhộn nhất là từng đoàn xe máy chở lặc lè thùng xốp bọc kín, đặt sau xe máy rồi được các chị em túa đi muôn nơi.
Khi nhận đơn hàng từ khách, chủ cơ sở sẽ gom đơn rồi gọi đơn vị cung ứng nguyên liệu. Bếp lửa được đỏ xuyên ngày đêm, mọi việc phải kết thúc muộn nhất từ 13h hằng ngày. Từ đây, đồ ăn được bọc ni lông, xếp trong thùng xốp rồi bỏ lên xe máy để từng nhóm chở ra thành phố.
Bà Nguyễn Thị Việt Hoàn - một người nấu ăn thuê cho cơ sở ẩm thực ở Châu Lâu - nói đa phần đồ ăn được chở bằng xe máy ra thành phố để đến nhà của khách. Nếu bỏ lên xe tải thì dễ bị dằn xóc, bất tiện nhất là xe không cơ động để luồn vào ngõ hẻm.
"Bà con ở đây từ đầu tháng 12 âm lịch là tất bật lắm. Chạy đua nấu ăn cho khách, tới 26, 27 Tết vãn khách mới quay về lo Tết cho nhà mình được" - bà Hoàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận