14/01/2017 14:35 GMT+7

Lặng lẽ đời công nhân quét rác

VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG
VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG

TTO - Ba giờ chiều, hai mẹ con chị Hồng Thị Kim Được (46 tuổi, ngụ Hóc Môn) chở nhau qua quận Tân Phú, bắt đầu một đêm làm rác kéo dài 5-6 tiếng liền.

Mỗi ca làm rác kéo dài 5-6 tiếng liền, chị Hồng Thị Kim Được làm không ngơi nghỉ cho đến khi con đường, khu chợ do chị đảm nhận sạch sẽ, tươm tất. Những công nhân làm rác đều cần mẫn, tận tụy như vậy - Ảnh: VŨ THỦY
Mỗi ca làm rác kéo dài 5-6 tiếng liền, chị Hồng Thị Kim Được làm không ngơi nghỉ cho đến khi con đường, khu chợ do chị đảm nhận sạch sẽ, tươm tất. Những công nhân làm rác đều cần mẫn, tận tụy như vậy - Ảnh: VŨ THỦY

Mẹ con chị là công nhân Xí nghiệp vận chuyển số 2 - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Nghề rác khổ, ngày nào cũng lặn ngụp trong những hôi thối, bẩn thỉu, nhớp nhúa, lấy đêm làm ngày.

Nhưng với những người làm rác, cái nghề nhọc nhằn này giúp họ mưu sinh qua nhiều thế hệ, có thu nhập nuôi sống gia đình. Cũng có người chọn đó như điểm tựa để đi tìm ước mơ cho cuộc đời mình.

18 tuổi - mẹ con ta vào xí nghiệp rác

Trong bộ đồng phục của công nhân vệ sinh, Tài (19 tuổi) - con trai chị Được - trông trắng trẻo thư sinh. Tài đi làm rác được 7 tháng, khi vừa đủ 18 tuổi là xin vào làm.

Câu chuyện của chị Được cũng bắt đầu với tuổi 18: “18 tuổi, tôi cũng xin theo mẹ vào xí nghiệp làm rác. Giờ mẹ nghỉ hưu, con trai tôi cũng làm rác. Tính ra đã ba đời làm nghề này. Nhà có bốn người thì hết ba người đi theo nghề.

Ông xã tôi lái xe rác, tôi và con trai đi gom rác, con gái lớn được ưu tiên ở nhà dọn dẹp, lo cơm nước cho ba người đi làm”.

Chị vẫn còn nhớ 7 tháng trước, khi con trai tự bảo với chị “mẹ xin cho con làm rác” chị cũng bất ngờ lắm, bụng bảo dạ con muốn làm thì cứ cho nó vào làm, nhưng chắc ba bữa nửa tháng cũng xin nghỉ.

Vậy mà Tài theo được 1 tháng, 2 tháng rồi nửa năm, lăn lộn cùng với rác. Chị nhìn con cười thật tươi: “Làm rác chỉ cần chịu thương chịu khó, chịu được thời gian đầu thì chắc chắn sẽ theo được. Tài nó cũng ngoan, chịu khó lắm”. Nghe mẹ khen, chàng trai trẻ chỉ cúi đầu cười.

Tài kể cả nhà làm rác nên giờ cũng muốn làm rác giống bà, giống cha mẹ. Tâm sự của chàng trai rất mộc mạc: nhờ rác mà bà ngoại nuôi mẹ, nuôi các dì, các cậu lớn khôn. Cha mẹ gặp nhau cũng bên cạnh những xe rác, mẹ đi quét, ba đi gom rồi quen nhau.

Rồi cũng nhờ 28 năm làm rác mà mẹ nuôi Tài, nuôi chị, mua được căn nhà nhỏ ở Hóc Môn để cả nhà có một mái ấm sau những giờ cặm cụi với rác.

“Đại gia đình nhà tôi tính hết cũng có hơn chục người làm rác. Làm nghề này tuy vất vả nhưng ổn định, chịu khó tích cóp cũng nuôi được con cái lớn khôn. Rác như cái nghiệp rồi” - chị Được bảo.

Cùng làm chung xí nghiệp với chị Được, anh Dư Nhật Thành (27 tuổi) cũng được cả đội biết đến vì gia đình có tới gần 20 người làm rác.

Thành bắt đầu câu chuyện về nghiệp làm rác của gia đình rất giản dị: “Sau giải phóng, bà ngoại đi làm rác. Bà ngoại có tám người con thì sau này hết bảy người làm rác, một người lái xe buýt. Mẹ, dì, cậu làm rác hết”.

Làm chung với Thành ở xí nghiệp có dì và chị dâu, còn anh trai và các dì, các cậu khác làm rải rác ở Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Thành vẫn chưa lập gia đình và chỉ mới làm rác được hai năm, sau khi mẹ phải về hưu sớm do mắc bệnh ung thư.

“Trước nó đi làm giao nhận hàng hóa, lương lậu không ổn định, lễ tết cũng chẳng có lương thưởng gì. Mẹ nó bệnh phải nghỉ, thế là nó xin vào thế chỗ mẹ, làm nuôi mẹ” - cô Dư Thị Thùy Linh (50 tuổi), dì của Thành, cho biết.

Cô kể cô và mẹ của Thành từ 12-13 tuổi đã theo xe rác. Hồi đó mới giải phóng, nhà đông con nên con cái qua tuổi lên 10 đều theo cha mẹ đi lấy rác dân lập.

Mẹ cô quét đường, gom rác cho công ty từ chiều tới khuya, sáng ra lại làm rác dân lập tới 1-2 giờ chiều mới nuôi nổi bầy con. 18 tuổi, cô Linh cũng xin vào làm cùng công ty với mẹ rồi theo nghề tới tận bây giờ.

Trong ca làm mệt nhoài những ngày cuối năm, món quà bất ngờ được công ty mang đến tận khu chợ chị Được đang làm: giấy khen “chiến sĩ thi đua” 2016 - Ảnh: VŨ THỦY
Trong ca làm mệt nhoài những ngày cuối năm, món quà bất ngờ được công ty mang đến tận khu chợ chị Được đang làm: giấy khen “chiến sĩ thi đua” 2016 - Ảnh: VŨ THỦY
“Đại gia đình nhà tôi tính hết cũng có hơn chục người làm rác. Làm nghề này tuy vất vả nhưng ổn định, chịu khó tích cóp cũng nuôi được con cái lớn khôn. Rác như cái nghiệp rồi
Công nhân Hồng Thị Kim Được

Buồn vui bên chiếc chổi tre

Những người làm rác như chị Được, cô Linh kể về rác với niềm biết ơn. Nhưng nghề rác cực vẫn hoàn cực. Ca làm bắt đầu lúc 5 giờ của chị Được và con trai kéo dài đến gần nửa đêm. Hai mẹ con mỗi người chia mỗi ngả.

Gần 10 giờ đêm, sau khi đã vòng vòng một loạt con đường, quét “dễ chừng 8-9km”, chị Được và đồng nghiệp đến điểm cuối là chợ nhỏ trên đường D9 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú).

Hàng quán đã dọn, chợ ngập trong rác, nước chảy nhểu nhão khắp nơi dù trời đang tạnh ráo. Chị Được làm phăng phăng, cái chổi to hối hả quét. Không một phút ngơi nghỉ, quét, xúc rác, nhồi, đẩy xe...

Chừng chục phút, xe rác đầy ụ, một đoạn chợ dài gần 30m đầy rác rến lúc trước đã “như ăn mày vừa được tắm gội”.

Ngó một lượt xem sạch sẽ hết chưa, rồi chị gò lưng đẩy xe rác nặng trĩu trên con đường chợ khúc khuỷu ra điểm tập kết rác. Chị nói vui buồn nghề rác thì nhiều lắm. Chị và ông xã người quét rác, người lái xe rác nên như thể... mặt trăng với mặt trời.

“Tôi đi làm từ chiều đến nửa đêm mới về thì chồng đi ngủ. Sáng mai chồng dậy đi làm tới chiều. Một tuần được nghỉ một ngày, cả vợ chồng cùng xin nghỉ ngày thứ năm trong tuần thì mới cùng ăn vài bữa cơm” - chị kể.

Chị với con trai cũng mỗi người mỗi nhóm khác nhau vì xí nghiệp không xếp làm chung để không bị thiếu người, bởi khi có việc thì người một nhà thường phải nghỉ cùng nhau. Những ngày cuối năm, càng cận tết công việc của những người gom rác càng vất vả.

“Tết người ta dọn nhà, mang cả xe tải rác ra đổ trộm ngoài đường nên dọn mệt lắm” - chị Được nói.

Rác đường, rác chợ đều gấp mấy lần ngày thường. Năm nào chị và các anh em trong tổ đều đón giao thừa ngoài đường phố vì rác nhiều quá.

Có những ước mơ cùng rác

Gần 10 giờ đêm, chợ Tân Sơn Nhất đã vắng hoe, chỉ còn chỗ sạp trái cây vẫn còn bật đèn bán. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, anh Q. (36 tuổi, ngụ Gò Vấp) vẫn mải mê quét dọn dọc con đường chợ lấp xấp nước, mỗi cái xúc rác nhấc lên nước nhểu ra, mùi rác bốc lên nồng nặc.

Tay vẫn không ngừng nhồi rác trong bô, giọng anh Q. nghe buồn rười rượi: “Ngày nào tôi cũng làm từ sáng tới tối, ngày ngủ được chừng 3- 4 tiếng mới nuôi nổi vợ con”.

Theo nghề rác được 8 năm, nhưng anh Q. bảo chỉ làm để kiếm tiền trước mắt. Anh kể trước đây học công nghệ thông tin ở Trường cao đẳng Công nghiệp 4, ra trường vào làm việc ở một siêu thị điện máy.

Lúc còn độc thân, lương ba cọc ba đồng của anh kỹ thuật viên nuôi thân cũng còn khó khăn, nên từ lúc lấy vợ anh phải nghỉ việc, đi làm rác.

“Lúc đầu tủi lắm, cũng nghĩ làm tạm năm ba tháng, nhưng rồi vợ sinh con, đứa trước, đứa sau nên không dứt ra được. Làm rác cực nhưng có đồng lương đều đặn cũng phải ráng theo” - anh nói.

Tuy vậy, đồng lương chỉ chừng 5 triệu đồng cũng “chưa đủ nuôi thân, nói chi nuôi con”, nên anh Q. phải xoay đủ thứ nghề tay trái.

“Làm rác từ chiều đến đêm, về nhà ngủ vài tiếng, sáng dậy thì kiếm thêm việc làm, ai kêu gì làm nấy, từ xe ôm, thợ hồ, sơn nhà, sửa nhà...” - anh cho biết.

Nghỉ làm công nghệ thông tin đã lâu, quên nhiều lắm nhưng anh Q. vẫn còn đau đáu, nuôi hi vọng đi học thêm để lại được làm công việc từng học và làm. “Giờ con còn nhỏ quá nên chưa tính được gì. Đợi con lớn chút nữa, ổn định hơn rồi tính đường” - anh bảo.

Cả nhà làm rác, nhờ rác mà nuôi lớn bao thế hệ, “làm có truyền thống luôn rồi” nhưng cô Dư Thị Thùy Linh vẫn nuôi cho con gái ước mơ học hành.

Cô buồn buồn kể chồng cô làm tài xế xe rác, năm ngoái bị đột quỵ rồi mất. Hai vợ chồng bao năm vất vả nhưng vui vẻ với công việc của họ khi từng ngày nhìn con gái duy nhất lớn lên, vào đại học.

“Con gái tôi năm nay học năm 3 Đại học Kinh tế - tài chính. Hai năm học nữa nó mới ra trường. Còn mình tôi nhưng cũng ráng để con gái đến ngày lấy được bằng, làm công việc nó yêu thích và không phải khổ cực như cha mẹ” - cô nói.

Chịu nhiều thua thiệt

Đời rác nhiều khi nghe buồn hiu. Như chuyện của anh Q. mấy năm làm rác ở chợ Tân Sơn Nhất trải qua bao nhiêu khổ cực.

Có lần anh hốt rác bị kim tiêm đâm vào chân khi nhồi rác (đứng lên xe rác giậm cho rác ép xuống - PV), phải đi tiêm phòng chống phơi nhiễm HIV. Hay đang quét rác bị rác quăng trúng đầu cũng là chuyện không hiếm.

“Nhiều người thiếu ý thức lắm. Họ ở tầng trên lười đem rác xuống. Khi dựng xe rác ở dưới thì họ đứng trên ném xuống. Lúc thì rơi ra ngoài rơi vãi lung tung, cũng có khi quăng trúng người mình. Nhưng nói qua nói lại vài câu rồi cũng thôi, ăn thua có được gì đâu” - anh nói.

VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp