28/03/2014 08:03 GMT+7

Làng du canh dưa

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Làng du canh là tên đặt cho làng An Điềm (xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bởi người làng này đi lang thang khắp nơi tìm đất để trồng dưa hấu. Cả làng có khoảng 550 hộ thì hơn 500 hộ rời làng kiếm đất trồng dưa. Họ giống như dân du mục, chỉ khác là theo dưa chứ không theo gia súc.

GIWFfFQ5.jpgPhóng to
Phụ nữ làng An Điềm theo chồng con rong ruổi khắp nơi trồng dưa - Ảnh: Trần Mai

Hết ba ngày tết, người làng An Điềm lại rục rịch chuẩn bị một đợt du canh mới. Mọi năm, từ đầu tháng giêng đến tháng hai âm lịch là thời điểm người An Điềm lần lượt rời khỏi làng.

Rời làng theo... dưa

Mô hình hiệu quả

Ông Phạm Văn Long - phó chủ tịch UBND xã Bình Chương - cho biết năm 2013 ước tính thu nhập của người trồng dưa toàn xã khoảng 19 tỉ đồng. Đây là vụ dưa thắng lợi, nhờ đó đường bêtông nông thôn ở xã được người dân tự nguyện đóng góp. Đó là một thành công trong xã khi người dân nghĩ ra cách làm kinh tế, đem lại hiệu quả cao từ cây dưa.

Chúng tôi về làng An Điềm lúc chiếc xe tải nhỏ chất đầy nhu yếu phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Miên vừa lăn bánh. Năm này, vợ chồng anh đi Phú Yên, bám bãi bồi ven sông Ba vừa mới được phù sa bồi đắp để trồng dưa. Chiếc xe rời đi lẫn trong tiếng cười, tiếng khóc của người đi và người ở lại. “Vậy là đến tết năm sau vợ chồng nó mới về. Cầu trời cho dưa được mùa, được giá” - bà Năm Xí, mẹ anh Miên, nói.

Ngày trước, An Điềm là làng thuần nông, núi rừng bủa vây, nghèo nhất xã. Đất ít lại cằn cỗi, xong mùa lúa, người dân chỉ còn biết vào rừng kiếm sống bằng nhiều nghề: đốn củi, tìm mật ong, săn thú... Cần cù bám mảnh đất quê nhưng họ không “ngẩng đầu” lên được. Rồi một ngày cách đây 15 năm, một số người dân trong làng quyết định đi tìm vùng đất mới trồng dưa hấu để mưu sinh. Người đi trước dắt díu người đi sau. Qua thời gian, cơn lốc du canh theo dưa kéo gần cả làng rời khỏi quê. Có hộ cái ăn không đủ trước đó nhưng sau một năm theo dưa đã sắm xe, cất được nhà. Những vùng đất bồi ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai... trở thành miền đất hứa mà người dân làng An Điềm tìm đến. 15 năm qua, người dân quen với vòng sinh sống tuần hoàn du canh như thế.

Ông Nguyễn Phú Năng, trưởng thôn An Điềm, kể: “Năm 1998 cả làng chỉ có ông Liên đi trồng dưa. Một năm sau, vợ chồng ông Liên cất được nhà. Thấy lãi cao, ông Liên kéo con cháu đi trồng. Thế rồi người này gọi người kia, cả làng cùng đi. Có nhà đi đến cả chục người. Bây giờ người làng An Điềm rải khắp. Ở đâu có đất cây dưa phát triển, ở đó có người An Điềm tìm đến”.

Làng An Điềm giờ vắng lặng từ đầu làng đến cuối ngõ, chỉ còn lại người già, con nít. Bà Phạm Thị Anh (72 tuổi) có mười người con dâu, rể đều đi trồng dưa. Bà đang giữ đứa cháu mới tròn 2 tuổi và là một trong sáu đứa cháu bà chăm cho cha mẹ chúng du canh. Từ việc học hành, ăn uống, áo quần... một thân bà phải tự xoay xở nuôi cháu. Mọi công việc trong làng, từ ruộng nương, mía, mì... ở An Điềm đều được giao cho những cụ già. Thồ xe củi từ trên núi về, ông Nguyễn Nhàn (69 tuổi) thở hổn hển: “Bây giờ phải đi đón thằng cháu nội, rồi về tắm cả thảy ba đứa”. Làng vắng người nên mỗi lần có người qua đời, từ việc đào huyệt, lo đám tang, một tay những cụ ông cụ bà trong làng xúm lại tự giúp nhau. “Năm ngoái một người trong làng chết, chuẩn bị xong mọi thứ rồi, đến giờ khiêng đi không ai đưa quan tài lên vai được, phải lên nhờ xã đưa thanh niên xuống mới kịp giờ chôn” - cụ Xí kể.

Làng đìu hiu quanh năm, chỉ những ngày giáp tết, con cháu trong làng lần lượt trở về thì làng nhộn nhịp, tiếng nhạc, tiếng xe máy chạy quanh làng ồn ào. Nhưng cũng chỉ được hết tháng giêng rồi tất cả lại trở về với sự vắng lặng đã tồn tại 15 năm qua.

“Khôn ở trại, dại ở nhà”

Tôi tìm đến bãi bồi rộng lớn nằm giữa sông Trà Khúc. Đứng từ trên cầu nhìn xuống, những ruộng dưa xanh tốt trải dài. Chen vào đó là những trại nhỏ, phủ bạt đỏ để dân trồng dưa sinh sống, giữ dưa. Bãi bồi rộng khoảng 25ha giữa sông Trà Khúc là nơi 30 hộ dân làng An Điềm chọn để canh tác cây dưa vụ này.

Cúi xuống chăm những hàng dưa đang cho nụ mơn mởn, anh Lê Văn Tiên gạt vội những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, nở nụ cười mãn nguyện. Anh Tiên chỉ mới 25 tuổi, nhưng có kinh nghiệm hơn ba năm theo cây dưa. Anh nói: “Học hết lớp 12, đi làm trong Sài Gòn. Ba năm trước về quê, thấy người ta trồng dưa có tiền. Sẵn có vốn, tôi bỏ ra đi theo các cô chú trong làng vào Gia Lai trồng dưa, thu hoạch vụ đầu tiên bốn sào (500m2/sào) dưa lãi hơn 10 triệu đồng, sau đó tôi đầu tư lớn hơn”. Hiện anh Tiên đang trồng tám sào dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc cùng những hộ khác.

Cây dưa hấu chỉ sinh sôi trên những vùng đất mới. Vì thế người làng An Điềm phải chấp nhận nay đây mai đó. Người trồng dưa như đi lính, không thể ở mãi một chỗ. Anh Phạm Côi, đang cắt cành con, chăm trái cho dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc, nói vui: “Khôn ở trại, dại ở nhà. Nhà cao cửa rộng dân An Điềm không thích bằng lều bạt. Dân An Điềm toàn ở trại để... trồng dưa hấu”.

15 năm trồng dưa, ông Nguyễn Phú không thể đếm hết bao nhiêu vùng đất ông đã đặt chân đến. Là một trong những người đầu tiên “rời làng”, bây giờ ở tuổi 54 sức khỏe đã yếu đi sau những năm rong ruổi đó đây nên ông không còn làm lớn như trước nữa, chỉ làm khoảng chục sào dưa mỗi vụ. Ông Phú nhẩm tính cả làng An Điềm có hơn 1.000 người đi đây đó trồng dưa. “Muốn nghỉ lắm nhưng về làng chẳng biết làm gì. Thôi thì đi làm dưa, đến lúc không đi nổi nữa thì nghỉ, giờ một năm làm ít cũng kiếm được vài chục triệu đồng đủ trang trải cái ăn cái mặc và mua sắm ít đồ đạc cho gia đình” - ông Phú bộc bạch.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp