Để lưu giữ những nét truyền thống của nghề nhiếp ảnh từ hàng trăm năm nay, người dân làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã cùng nhau góp tiền xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.
Bảo tàng sẽ được khánh thành ngày 15-5 (tức 20-4 âm lịch, ngày giỗ cụ Khánh Ký - người được dân làng tôn là cụ tổ của nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá).
Chúng tôi rất muốn làng Lai Xá sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Khách đến đây có thể thăm Bảo tàng Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên hoặc thăm những gallery ảnh của người trong làng cùng với các di sản văn hóa sống như đình, miếu, ngôi nhà thờ họ, thờ thành hoàng làng... |
PGS.TS NGUYỄN VĂN HUY |
Bức ảnh ban hợp ca Thăng Long (Hoài Trung - áo đen, nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Thái Thanh) đang được lưu giữ tại bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá - Ảnh chụp lại |
Làng nghề nhiếp ảnh duy nhất của cả nước
Càng gần ngày gấp rút chuẩn bị khai trương bảo tàng, ông Nguyễn Văn Thắng - chủ nhiệm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá - càng bận rộn hơn.
Hầu hết thời gian của ông đều dành cho bảo tàng của làng. Ông là một trong những người khởi xướng và nhiệt tình vận động mọi người trong làng chung tay xây dựng bảo tàng.
Ông kể những năm 2008-2009, khi làng Lai Xá được công nhận là làng nghề nhiếp ảnh, các cụ bô lão trong làng bàn nhau xây dựng một phòng truyền thống để lưu giữ ký ức cho thế hệ mai sau. Nhưng khi đó làng chưa đủ điều kiện xây dựng.
Đến năm 2013, khi đời sống của người dân đã khá hơn, câu chuyện xây dựng nhà truyền thống của làng lại được đưa ra bàn thảo.
Khi các ý kiến vẫn chưa ngã ngũ thì PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã về tư vấn cho người dân Lai Xá không nên làm nhà truyền thống, mà nên xây dựng bảo tàng.
“Lai Xá là làng nghề nhiếp ảnh duy nhất của cả nước, nên chúng tôi đã thống nhất xây dựng bảo tàng thay vì nhà truyền thống. Bảo tàng của làng sẽ không cần lớn lắm, nhưng quan trọng nhất là cách bài trí nội thất bên trong và cách thức tổ chức có chuyên nghiệp.
Anh Huy đã rất nhiệt tình đồng hành cùng chúng tôi từ những ý tưởng ban đầu đó” - ông Thắng nhớ lại.
Khi người dân Lai Xá đã cùng đồng lòng quyết tâm xây “bảo tàng cấp làng” đầu tiên trong cả nước, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã mời các chuyên gia di sản và hai chuyên gia Pháp về thiết kế bảo tàng và trưng bày - đồ họa sang tư vấn giúp.
Những chú thích ảnh và hiện vật tại bảo tàng bằng tiếng Anh đều được ông Huy nhờ các chuyên gia Đại học Cambridge (Anh) thẩm định và biên tập lại tỉ mỉ.
“Chúng tôi bắt đầu làm, vừa làm vừa lo vận động kinh phí. Bảo tàng khởi công từ tháng 6-2015 với dự kiến lúc đầu là ba tầng, tổng số vốn khoảng 3 tỉ đồng.
Nhưng vì vừa làm vừa vận động vẫn không đủ, chúng tôi mới xây được hai tầng, còn một tầng nữa khi nào có kinh phí sẽ tiếp tục xây dựng” - ông Thắng chia sẻ chân thành.
Bức ảnh ca sĩ Chế Linh được được chụp tại hiệu ảnh của người làng Lai Xá - Ảnh chụp lại |
Người dân chung tay dựng bảo tàng
Ý tưởng người dân chung tay xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được truyền tai nhau từ ngôi làng bé nhỏ ven đô Hà Nội vào tận Sài Gòn, ra nước ngoài.
“Nhân dân trong làng mỗi người đóng góp một chút tùy tâm. Những người làng đang làm ăn xa quê nhưng nghe tin cũng gửi tiền, gửi hiện vật về quyên góp.
Vì thế chúng tôi chỉ mất tiền xây dựng, còn các hiện vật trưng bày trong bảo tàng đều do con em Lai Xá ở mọi nơi hiến tặng” - ông Đặng Văn Tích, năm nay đã 85 tuổi, từng là Vệ Út tham gia chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946, một trong những người đóng góp nhiều tâm sức nhất cho Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, kể lại.
Có những người con Lai Xá như Hợp tác xã Nắng Xuân ở Hà Nội đã hiến tặng bảo tàng tất cả máy ảnh cổ còn lưu giữ được đến giờ.
Cụ Phạm Nên - nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã Nắng Xuân - không giấu được vui mừng: “Bảo tàng là điều tâm đắc nhất của tôi và cả gia đình”.
Những hội viên trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Lai Xá mỗi người cũng chung tay đóng góp một vài bức ảnh.
Ông Tích nói: “Mỗi người đóng góp ảnh cho bảo tàng đều phải được một hội đồng những nhà nhiếp ảnh, nhà phê bình nhiếp ảnh có uy tín lựa chọn, những ảnh nào đáp ứng đủ tiêu chí mới được trưng bày.
Các tác giả phải tự bỏ tiền túi in ảnh cỡ lớn, tự mua khung treo, vậy mà ai cũng vui vẻ, nhiệt tình. Nên hiện nay Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã có 500 bức ảnh và 150 hiện vật là máy ảnh cổ, dụng cụ làm ảnh từ xưa đến nay...
Một ngôi làng nhỏ bé ngoại thành Hà Nội mà người dân chúng tôi tự chung tay xây được một bảo tàng cũng là điều tự hào lắm chứ!”.
Không chỉ vậy, theo ông Tích, những bức ảnh được tặng cho bảo tàng cũng sẽ không được treo ở đó mãi mãi. Khi bảo tàng nhận thêm những bức ảnh mới đẹp hơn thì những ảnh cũ sẽ được thay thế.
Như vậy Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mới thực sự là một bảo tàng sống.
Một câu chuyện kể về nhiếp ảnh Lai Xá Theo thiết kế, tầng 1 của bảo tàng sẽ là nơi tiếp khách và giới thiệu chung về làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Không gian trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện trên tầng 2 với nhiều chủ đề riêng. Không gian đầu tiên là Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá, giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Không gian thứ hai như một câu chuyện kể về các hiệu ảnh Lai Xá khi xưa: Phúc Lai, Central photo, Luminor photo, Minh Tân, Tân Lai, Hợp tác xã ảnh Nắng Xuân... Ngay cạnh đó là một phòng tái hiện không gian in phóng ảnh thời xưa và một khu trưng bày với những phong cách ảnh đa dạng mang nét đặc trưng của người Lai Xá... Ngoài ra còn nơi trưng bày ảnh về đất và người Lai Xá hiện nay. Tầng 3 của bảo tàng là nơi người dân dự định làm nơi thờ các “cụ hậu” đã khuất nhưng có công hiến đất để ngày nay xây bảo tàng và những người có công đóng góp cho làng nhiếp ảnh nơi đây. |
Hiệu ảnh Thăng Long, Hà Nội, năm 1951 do một người làng Lai Xá mở |
Chân dung các ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ được chụp tại những hiệu ảnh của người làng Lai Xá - Ảnh: V.V.T |
Khu trưng bày giới thiệu những hiệu ảnh xưa làng Lai Xá - Ảnh: V.V.T |
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận