Bàn thờ cá voi - Ảnh: P.X.D. |
Đó là vùng biển Quảng Bình. Nơi đây trong chiến tranh là nơi hứng chịu nhiều bom đạn, cũng là điểm tập kết, huấn luyện, đóng tàu của đoàn tàu không số.
Trong hòa bình là đường vận tải biển quan trọng, là nơi gắn bó với ngư trường xa bờ, nhất là Hoàng Sa. Nhiều câu chuyện nơi đây kể cả thời chiến lẫn thời bình đều đáng được nói đến, với những con người luôn gắn bó với biển.
Làng biển Cảnh Dương thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong tám làng nổi tiếng từ xưa của địa phương này (bát danh hương: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim).
Địa danh này đã được nhắc đến trong bài hát được xem là “Quảng Bình ca” của nhạc sĩ Hoàng Vân, ra đời cách đây nửa thế kỷ. “Nếu ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió. Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây...”.
Cảnh Dương còn nổi tiếng là “làng cá voi” với nghĩa địa cá voi bên bờ biển, trải qua mấy trăm năm sóng gió.
Loài cá thiêng cứu người
Đêm làng biển mùa hè, ông Phạm Quốc Hồng, một lão ngư 80 tuổi, kể nhiều chuyện về loài cá được suy tôn là “ngài”, gắn bó bao đời nay với cuộc sống của những người đánh cá. Đó là loài cá thường cứu giúp ngư dân khi họ gặp nạn trên biển.
Mới đây, năm 2007 một chiếc thuyền ngư dân Cảnh Dương hỏng hóc máy giữa biển khơi. Mọi người phải căng mình ra đối phó với sự cố bất trắc. Ai cũng căng thẳng, khẩn trương, nếu không vượt qua được thì chuyện sống chết chỉ còn trong gang tấc. Đó quả thật là những phút giây đáng nhớ trong cuộc đời ngư dân.
Đang lúc chiếc thuyền nhỏ nhoi như chiếc lá gặp hiểm nguy giữa bốn bề sóng gió thì cá voi đột ngột xuất hiện. Cá ghé lưng vào nâng đỡ chiếc thuyền. Thấy có cứu tinh, mọi người phấn chấn hẳn lên và càng khẩn trương sửa chữa máy móc. Và chiếc thuyền đã chạy lại bình thường. Vậy là tai qua nạn khỏi.
Cũng chính vì ngư dân tôn thờ loài cá voi như vậy nên họ đối xử rất mực cung kính và chu đáo. Bà con vùng biển gọi cá voi đực là “cá ông”, cá voi cái là “cá bà” một cách đầy kính trọng chứa đựng một niềm tin tâm linh đã trở thành máu thịt.
Khi cá voi chết, xác tấp vào bờ, họ xót thương gọi chuyện này là “cá lụy”. Người dân vùng biển này ai cũng nhớ mới đây vào chiều 8-5-2014, một cá voi dài 2m, nặng khoảng 1,5 tạ dạt vào biển Cảnh Dương.
Cả làng hoan hỉ, vì theo dân biển, đây là điềm lành báo hiệu một mùa ra khơi an hòa, tôm cá đầy thuyền. Toàn thể dân làng chung tay với bộ đội biên phòng Cảnh Dương đưa cá thiêng trở về với ngôi nhà biển cả.
Những nấm mộ ở nghĩa trang cá voi Cảnh Dương - Ảnh: P.X.D. |
Nghĩa địa cá voi
Người dân Cảnh Dương kể năm 2009, một con cá voi có vẻ mệt mỏi trôi dạt vào bờ. Dân làng thấy vậy xúm lại chăm sóc rồi đưa con vật nghĩa hiệp này về với biển cả. Nhưng mấy hôm sau con cá này lại tấp vào bờ, lần này thì đã chết.
Cả vùng biển Cảnh Dương như gặp một đại tang. Bà con nơi đây từ già đến trẻ ai cũng thương tiếc vị cứu tinh của ngư dân gặp nạn, đã “lụy” và chọn Cảnh Dương làm nơi an nghỉ cuối cùng. Dân làng tin như vậy và họ đã hậu táng cho con cá rồi đưa vào nghĩa địa cá voi của làng.
Các vị bô lão đưa chúng tôi tham quan nghĩa địa cá voi của làng. Nghĩa địa này có hàng trăm năm rồi. Có tất cả 17 ngôi mộ cá voi. Cá được coi trọng như người, thậm chí còn được tôn thờ hơn cả người.
Lão ngư Phạm Quốc Hồng giảng giải: “Vì người cũng có ba bảy loại nhưng cá ông thì chỉ một loại, loại cá cứu người, loại cá cứu dân chài đi biển. Khi cá chết chúng tôi làm đám tang đàng hoàng lắm, hằng năm cũng cúng giỗ như người”.
Càng nghe chúng tôi càng thấy lạ. Cả 17 ngôi mộ được đắp bằng cát biển như những ngôi mộ của người, chỉ khác là không có bia mộ. Trên nấm mồ chôn còn lại những chân nhang được thắp từ những ngày trước đó. Hết thảy các ngôi mộ đều được chăm sóc sạch sẽ, hương khói tử tế nằm gọn trong một khuôn viên được bao bọc bằng tường xây.
Trong nghĩa trang cá voi này còn có một ngôi miếu thờ phụng những con - cá - hiệp - sĩ. Tới đây mới thấy cá được mai táng và cúng giỗ như người.
Bộ xương cá voi khổng lồ trong miếu thờ - Ảnh: P.X.D. |
Rời nghĩa trang cá voi, chúng tôi đến thăm một nơi thờ tự trang nghiêm có tên gọi là “ngư linh miếu”. Hai bộ xương cá voi được bày ở hai bên tả hữu của bàn thờ cá voi.
Lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến hai bộ xương khổng lồ của loài cá này. Dễ chừng mỗi bộ xương phải nặng hàng mấy chục tấn. Ông Nguyễn Văn Biểu, thủ từ ngôi miếu, xác nhận điều này.
Ông kể đây là hai bộ xương của một con “cá ông” và một con “cá bà” đã lụy vào thời xưa.Theo dân gian lưu truyền thì “đức ông” và “đức bà” đã lụy (gặp nạn) cách đây mấy trăm năm. Còn theo gia phả họ Trương của làng, “cá bà” vào vùng biển Cảnh Dương năm Kỷ Tỵ, đời Gia Long thứ 9, tức năm 1809, còn “cá ông” vào sau gần 100 năm, năm Đinh Mùi, đời Duy Tân thứ 16, tức năm 1907.
Hai con cá này to lắm, nhìn bộ xương thì biết. Nhưng đây chỉ là phần còn lại vì qua chiến tranh tao loạn cũng đã mất mát khá nhiều. Dân làng cho đến bây giờ cũng không tài nào giải thích được ông cha mình bằng cách nào có thể đưa một con cá nặng hàng trăm tấn như thế vào bờ một cách an toàn.
Xung quanh miếu thờ cá voi này cũng có câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Số là trước đây hai bộ xương được bày ở chỗ khác. Nhưng rồi theo tâm nguyện của bà con dân làng, muốn tìm một nơi khác để thờ tự.
Đương nhiên chọn địa điểm thì chín người mười ý, cũng chưa ngã ngũ. Khi xe bò chở xương cá đi đến chỗ ngôi miếu bây giờ thì trục xe đột nhiên bị gãy. Cho rằng đây là nguyện vọng của “hai ngài” nên dân làng lập miếu ngay tại đó để thờ tự.
Ông Biểu nói về chuyện khói hương ở ngư linh miếu: “Cứ rằm, mồng một âm lịch thì chúng tôi ra thắp hương ở miếu, cũng như thắp hương ở nhà mình vậy. Đó là tình cảm của người dân biển đối với “cá ông”, “cá bà”. Mình cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Người đi biển đi đến nơi về đến chốn, được mùa tôm cá, làng quê vui vầy, khá giả”.
Cũng theo ngư dân ở đây, cứ đến rằm tháng giêng dân làng sẽ có lễ hội cầu ngư mà linh vật được tôn quý nhất vẫn là cá voi. Bà con sẽ có màn biểu diễn chèo cạn với những câu hò như muối mặn biển khơi.
Bên tai tôi như còn văng vẳng câu hò vọng về theo sóng biển: “Làng tôi mở hội cầu ngư/ Mừng ngày lễ hội đêm rằm tháng giêng/Khấn trời lạy đất bốn phương/Mưa hòa gió thuận cầu mong đức bà/đức ông trong cõi tâm linh/Thành tâm phụng sự cổ kim lưu truyền”...
______________
Kỳ tới:“Kỳ nhân” của biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận