Dưới đây là ý kiến của những cựu danh thủ cùng thời với HLV Tam Lang và những cầu thủ được HLV Tam Lang dìu dắt, đào tạo thành những ngôi sao trong làng bóng đá VN.
Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang: Một người anh lớn đã ra đi
Tin anh Tam Lang mất khiến tất cả anh em cựu cầu thủ chúng tôi không khỏi bất ngờ. Vì hai tuần trước, anh Tam Lang còn đến sân bóng xem đội lão tướng chúng tôi thi đấu và chung vui với anh em. Khi đó, chúng tôi thấy anh còn khỏe lắm.
Với chúng tôi, anh Tam Lang là một người anh cả tốt. Anh trầm tĩnh, đạo đức và chuyên môn thì quá hoàn hảo. Tôi may mắn được đá chung với anh Tam Lang vào năm 1967 khi bắt đầu khoác áo đội tuyển miền Nam. Khi ấy, anh Tam Lang như một người anh với những đàn em lên tuyển sau như tôi. Đội thua trận, anh vỗ vai động viên chúng tôi đừng buồn. Khi về nơi ở, anh lại đi qua phòng động viên tinh thần chúng tôi.
Bước sang nghiệp huấn luyện, tôi làm HLV của đội Hải Quan, còn anh Tam Lang làm HLV đội Cảng Sài Gòn. Do nơi đóng quân của hai đội gần nhau nên sáng nào chúng tôi cũng ngồi uống cà phê với nhau, và tôi luôn tận dụng buổi gặp gỡ đó để học hỏi mọi thứ từ anh Tam Lang.
Cựu danh thủ Lê Văn Tư (Tư Lê): Một trung vệ giỏi, sống đạo đức
Với tôi, Tam Lang là một trung vệ có chuyên môn tốt, chơi bóng cực kỳ khôn ngoan. Việc Tam Lang được mời vào đội tuyển ngôi sao châu Á đã phần nào nói lên được điều đó. Tiếc là bóng đá VN sau này đã không còn sản sinh được một trung vệ nào có chuyên môn giỏi và đạo đức tốt như vậy nữa.
Cựu tuyển thủ Nguyễn Phúc: Người thầy đáng kính của tôi
HLV Tam Lang là người thầy mà tôi vô cùng kính trọng. Sau những giờ huấn luyện, những trận cầu ở thành phố hay tại nơi khác, ông thường tỉ tê tâm sự dạy bảo tôi những điều hay lẽ phải từ chuyện trên sân cỏ cho tới cuộc sống đời thường.
Tuổi trẻ ai chẳng mắc sai lầm. Tôi cũng vậy, nhưng chưa bao giờ bị ông quát tháo, mà ông luôn nhỏ nhẹ phân tích cái đúng, cái sai. Mãi đến lúc treo giày, đi học thêm rồi bước chân vào thương trường để mưu sinh, nghiệm lại mới thấy lời dạy bảo của thầy Tam Lang có giá trị đến dường nào. Đó là phải giữ đức tính kiên trì, chịu đựng bền bỉ thì mới mong vượt qua áp lực để thành công.
Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm: Sống gần, càng hiểu ông nhiều hơn
Tính thầy Tam Lang rất nghiêm khắc, thậm chí rất khó nhưng chỉ có ở gần mới hiểu hết được. Vì ông luôn muốn học trò mình thành người, thành cầu thủ giỏi, sống có tư cách và đạo đức từ sân cỏ lẫn cuộc sống đời thường. Từ thời còn là học trò cho đến lúc chuyển sang làm trợ lý cho HLV Tam Lang, tôi chưa một lần nghe ông xúi giục cầu thủ làm điều sai, nhường điểm hay phải đá xấu đối thủ để tìm chiến thắng. Gần 15 năm là học trò, bài học mà tôi luôn nằm lòng và có được từ ông chính là phải luôn kiểm soát bản thân mình.
Cựu tiền đạo Đặng Trần Chỉnh: Ông là người thầy huyền thoại
Vô tình tôi trở thành cầu thủ duy nhất gắn bó với thầy Tam Lang tròn hai thập niên. Tôi học được từ ông rất nhiều. Tôi dám khẳng định chưa có người thầy nào tâm huyết, yêu nghề và có tư cách đạo đức như ông. Cầu thủ bóng đá từ Bắc chí Nam, ai ai cũng dành cho ông sự kính trọng đặc biệt.
Khi đội bóng lên đến đỉnh vinh quang, ông thường đẩy học trò ra phía trước để nhận những lời xưng tụng, chúc mừng. Đội bóng thất bại, ông kéo học trò lại phía sau, còn mình thì bước thẳng tới trước để nhận hết mọi trách nhiệm. Thật khó tìm được ai luôn sống hết mình, sống vì mọi người, vì tình yêu bóng đá như ông. Tài năng của ông thì không cần nhắc lại, nhưng điều ông thu phục được biết bao thanh thiếu niên đến với quả bóng tròn chính là đức độ, không háo danh, không vụ lợi. Nói về huyền thoại một thời của bóng đá VN - cựu HLV Phạm Huỳnh Tam Lang - có lẽ sẽ không bao giờ hết chuyện.
[box]Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của HLV Tam Lang
Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14-2-1942 tại Gò Công. Sinh thời ông từng khoác áo các đội bóng Pétrus Ký, tuyển miền Nam VN (vô địch Merdeka năm 1966 tại Malaysia)... Từ năm 1975-1980, ông chơi cho Cảng Sài Gòn. Từ năm 1983-2003 là HLV trưởng Cảng Sài Gòn, đoạt bốn chức vô địch quốc gia vào năm 1986, 1993-1994, 1997 và 2002; vô địch Cúp quốc gia năm 1992 và 2000.
Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản VN khi còn công tác tại Cảng Sài Gòn (thân phụ của ông là liệt sĩ thời chống Pháp).
Linh cữu HLV Phạm Huỳnh Tam Lang được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 19g ngày 3-6. Lễ động quan lúc 7g ngày 6-6, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh).
Trân trọng những đóng góp của cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang cho bóng đá VN nói chung và bóng đá TP.HCM nói riêng, LĐBĐ VN (VFF) và LĐBĐ TP.HCM cùng chung tay lo liệu toàn bộ chi phí lễ tang. Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Một nhân vật lẫy lừng tên tuổi của bóng đá nước nhà đã ra đi, một mất mát quá lớn với người hâm mộ cả nước. Chúng tôi chung tay cùng gia đình trong lễ tang với ước mong cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang ra đi thanh thản. Ông xứng đáng được ghi nhận là một tượng đài của bóng đá nước nhà...”.[/box]
[box]NSND Bạch Tuyết: Anh Tam Lang cực giỏi, cực tốt và cực hiền
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết đã không kìm nén được xúc động khi biết tin người bạn đời một thời của mình đột ngột qua đời.
NSND Bạch Tuyết nói: “Để nói về anh Tam Lang, tôi chỉ có thể nói rằng đó là một con người cực giỏi, cực tốt và cực hiền. Ai gặp rồi sẽ khó mà quên được vì anh Tam Lang là tài hoa khó kiếm, lại rất nhân hậu, nên rất nhiều người thương ảnh. Duyên số chúng tôi không thể ở bên nhau suốt đời, nhưng tôi vẫn luôn tự hào và nghĩ về anh ấy. Ba tôi rất quý anh Tam Lang. Hôm 1-6 là giỗ 100 ngày của ba tôi. Và thật trùng hợp là ngày 2-6 anh ấy lại mất. Tôi xin kính cẩn chia buồn với gia đình anh Tam Lang”.
N.K.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận