07/11/2024 07:51 GMT+7

Lan truyền thông tin giả: Đừng lấy nỗi đau của đồng bào làm trò đùa

Người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai bỗng dưng bị lan truyền thông tin giả, họ bị bê lên mạng xã hội kiểu bông đùa, câu view, câu like, thậm chí bị lợi dụng để trục lợi từ thiện.

Đừng lấy nỗi đau của đồng bào làm trò đùa - Ảnh 1.

Bức ảnh tạo cơn sốt trên mạng xã hội là sản phẩm dàn dựng. Những nhân vật xuất hiện trong ảnh là các YouTuber - Ảnh: N.A.

Mới đây nhất là đôi vợ chồng ở thôn Uẩn Áo (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngơ ngác khi chính quyền địa phương đến xác minh thông tin về hoàn cảnh đói khát, đang chới với ngâm mình trong nước lũ suốt hai ngày...?.

Cuối cùng các thông tin này đều là thông tin giả.

Tung tin giả là "vô trách nhiệm"

Trước đó vào sáng 30-10, tài khoản Facebook tên N. đăng dòng trạng thái nhờ cứu giúp người nhà mình với những câu từ xót xa: "Có đoàn cứu hộ nào đi lên vùng Uẩn Áo phía ngoài đường ribit, phát cho dì em cái bánh với chai nước với ạ.

Nước ngập ngang mái, trụ hai ngày hai đêm không có đồ ăn nước uống. Tình trạng hiện tại đói khát và đuối sức nên đổ bệnh. Nhà dì dượng ngập ngang mái nhưng không kêu cứu ai được vì ở vùng trên này không có ai lên".

Thông tin sau đó nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người kêu gọi các nhóm cứu trợ nhanh chóng đến cứu đói cho gia đình này.

Thế nhưng khi UBND xã Liên Thủy tìm đến thì hai vợ chồng trong nhà cho biết tình trạng bình thường, vẫn chủ động được lương thực trong mấy ngày qua.

Họ khẳng định hoàn toàn không có chuyện đói khát, ngâm mình trong nước như mạng xã hội đưa tin. Người đăng thông tin kêu cứu được xác định là một người cháu của họ trú ở thôn khác.

Ông Phạm Văn Linh, chủ tịch UBND xã Liên Thủy, cho biết trong lúc chính quyền quần quật suốt ngày đêm để hỗ trợ dân trong lũ thì những kiểu đăng tin như thế càng khiến công tác phòng chống thiên tai vất vả thêm.

Và đúng như ông nói, dù là vì mục đích gì đi chăng nữa tung tin giả trong hoàn cảnh, tình huống này là "vô trách nhiệm".

Hồi tháng 9-2024, siêu bão số 3 Yagi đổ bộ vào Việt Nam gây nhiều thiệt hại, đồng thời nó cũng mang tới "cơn bão" tin giả nối đuôi nhau va quật vào lòng trắc ẩn của cộng đồng.

Hình ảnh người chồng ngâm mình trong nước lũ, đặt vợ đang ôm chặt con trai trong một cái chậu nổi nhằm cố gắng thoát khỏi nguy hiểm với gương mặt mếu máo, hoảng sợ.

Bức ảnh tạo ngay cơn sốt trên mạng xã hội với dòng chú thích đó là một gia đình ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, UBND xã Ngọc Linh đã lên tiếng cho biết hình ảnh là sản phẩm dàn dựng.

Đừng lấy nỗi đau của đồng bào làm trò đùa - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình dòng trạng thái của tài khoản Facebook L.T.L.N. kêu nhờ cứu giúp người nhà với những câu từ xót xa - Ảnh: N.A.

Lợi dụng thiên tai kêu gọi ủng hộ từ thiện giả mạo

Bên cạnh đưa thông tin thiếu kiểm chứng nhằm câu "like", nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng tình hình bão lũ kêu gọi ủng hộ từ thiện giả mạo.

Một số người dùng mạng xã hội cho biết đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho một người kêu gọi quyên góp mua 2.000 chiếc áo phao để chuyển lên Tuyên Quang. Nhưng sau khi chuyển tiền, người này "bóng chim tăm cá".

Trong thời đại số, thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt. Song bên cạnh những thông tin hữu ích, chúng ta hằng ngày phải đối mặt với vô vàn tin đồn thất thiệt, đặc biệt là những tin đồn ác ý nhằm vào những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, thiên tai.

Những thông tin về người dân gặp khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh thường dễ dàng chạm đến cảm xúc của người đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lan truyền tin giả.

Thật đau lòng khi chứng kiến những hình ảnh, những câu chuyện đau thương được đem ra làm trò cười, trở thành công cụ để một số người câu view, tăng tương tác trên mạng xã hội hoặc thỏa mãn tính tò mò. Trong những tình huống khẩn cấp, người dân thường dễ tin vào những thông tin đầu tiên tiếp cận dù chưa được kiểm chứng.

Vì thế, việc lợi dụng nỗi đau của người khác để trục lợi cá nhân hay "đùa cho vui" là hành vi nhẫn tâm.

Khi những người đang chìm đắm trong đau khổ lại phải hứng chịu thêm những lời lẽ cay nghiệt, những bình luận ác ý trên mạng xã hội khiến họ cảm thấy như tổn thương thêm một lần nữa.

Đằng sau mỗi con số thống kê về thiệt hại, mỗi câu chuyện đau lòng về những mất mát là cả một cuộc đời, là những ước mơ dang dở.

Khi những câu chuyện ấy bị bóp méo, bị xuyên tạc, nó không chỉ làm tổn thương đến những người trực tiếp liên quan mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội.

Vì vậy, mỗi người cần có trách nhiệm với những hành động của mình trên mạng xã hội. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào, đặc biệt là những thông tin liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, giật gân, dễ gây hoang mang.

Hãy tôn trọng sự riêng tư của người khác và đừng bao giờ biến nỗi đau của họ thành trò cười.

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), trường hợp hình ảnh cá nhân bị cắt ghép tạo nội dung gây tranh cãi, sai bản chất ban đầu nhằm câu view, câu like hoặc bôi nhọ thì người bị xâm phạm hoàn toàn có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Đồng thời bắt buộc xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.

Người quay phim, đăng video clip sai sự thật về bão lụt lên mạng xã hội như các trường hợp báo nêu thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP) của Chính phủ. Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu việc đăng tải video, hình ảnh gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (điều 155 Bộ luật Hình sự) với mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288 Bộ luật Hình sự) với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Đừng lấy nỗi đau của đồng bào làm trò đùa - Ảnh 3.Bắt nữ Facebooker tạo nhiều tài khoản kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt

Ngày 15-5, Công an tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao Huỳnh Phương Thủy (20 tuổi, ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp