Phóng to |
Các gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần 2-2011 tham quan hầm Thủ Thiêm (phía bờ quận 1, TP.HCM) sáng 5-6 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Nhiều câu chuyện xúc động, những ước mơ bình dị mà rất gần gũi với cuộc sống đã được nhiều vị khách mời và các đại biểu chia sẻ.
Ai cũng có ước mơ
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), câu chuyện của dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa Võ Phổ - hiện là giảng viên bộ môn lý luận chính trị của trường - đã gây xúc động cho những bạn trẻ tham dự. Vị thầy giáo già với 31 năm trên bục giảng thản nhiên: “Thời của tôi cứ mở mắt ra là thấy bóng kẻ thù trước mặt nên tôi trở thành bộ đội, được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cũng là lẽ thường tình”.
Câu chuyện của thầy là những trận chiến đấu khốc liệt, mà đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi với 42 người chỉ còn duy nhất chiến sĩ Võ Phổ. Hồi tưởng ký ức đã qua, thầy bảo không thể quên hình ảnh đồng đội ngã xuống ngay trước mắt mà vẫn phải ôm súng tiến lên tiêu diệt kẻ thù. Chiến sĩ Nguyễn Thành Song (Vĩnh Long) hỏi: “Thầy đã nghĩ gì trong những lần như thế?”. Đáp lại, thầy Phổ bảo rằng thật ra lúc đó chẳng kịp nghĩ gì vì kẻ thù ngay trước mắt mình, “nhưng những nhắn gửi sau cùng của đồng đội thì mình không bao giờ quên, vì vậy mình sống và làm việc hôm nay không cho riêng mình mà còn cho cả những đồng đội đã ngã xuống của mình”.
Kết thúc đại hội Tối 5-6, Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần 2 đã chính thức khép lại, sau khi các đại biểu tham dự cầu truyền hình nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước tại điểm cầu được tổ chức ở cảng Sài Gòn (TP.HCM). Sáng cùng ngày, các đại biểu đã cùng dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước tại bến Nhà Rồng và tham quan công trình hầm Thủ Thiêm, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM. 300 đại biểu cũng đã có mặt trong các chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ VN” để giao lưu, chia sẻ câu chuyện về hành trình thực hiện ước mơ với các bạn trẻ, được đồng loạt tổ chức tại năm điểm giao lưu ở TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương vào buổi chiều. |
Châu Ngọc Đỗ Quyên - tân cử nhân ngành hóa ĐH Bách khoa - bộc bạch: “Hồi nhỏ chỉ nghĩ sẽ theo học hóa học để tìm ra những chất mới, đóng góp điều gì đó cho đất nước. Khi ước mơ đã đạt được, mình lại phân vân giữa việc ở lại trường hay đi làm và quyết định chọn ở lại trường. Mình muốn truyền đạt những gì mình có cho đàn em”.
Đại biểu Phạm Văn Hiện (Hưng Yên) đồng cảm: “Ai cũng có những ước mơ, hoài bão và sẽ có cách riêng để đạt đến ước mơ. Dù là thế hệ nào thì mỗi người cũng cần xây dựng cho mình ước mơ như những mục tiêu để phấn đấu trong cuộc sống”.
Mỗi người là một ngọn lửa
Câu chuyện của các đại biểu cùng trao đổi tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM xoay quanh chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì sự phát triển của cộng đồng”. Tiến sĩ Đinh Phương Duy - phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM - cho rằng: “Chất lượng nguồn nhân lực luôn quan trọng trong việc phát triển đất nước.
Ở các nước tiên tiến, họ đầu tư cho nguồn nhân lực rất cao”. Trước băn khoăn “cần trang bị gì để góp phần vào nguồn nhân lực chất lượng cao”, tiến sĩ Duy nói: “Bản thân các bạn trẻ ngồi đây đầy chất lửa. Muốn trở thành người có sức bật, thực hiện được ước mơ, đầu tiên phải biết mình đứng ở đâu, có khả năng gì, phải đầu tư gì. Các bạn cũng phải mạnh mẽ thể hiện mình, “cháy” hết cỡ sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh thực hiện ước mơ trong tương lai”.
Nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Ngọc Thảo (Bình Thuận) chia sẻ sáng kiến của mình về công trình thiết kế kênh một bờ. “Thiết kế ấy vừa giảm khối lượng đào đắp so với kênh hai bờ, vừa tận dụng được lượng nước trên lưu vực chảy xuống, góp phần giúp nông dân nâng cao năng suất. Và trong công việc hằng ngày, tôi vẫn tranh thủ học từ chính bà con nông dân khi có thể”, Thảo nói.
Chủ tịch Hội LHTN VN Nguyễn Phước Lộc đặt vấn đề: “Chúng ta đều là những nhân tố tốt trong nguồn nhân lực cao. Theo bạn, nên góp phần như thế nào để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước?”. Đại biểu Phó Đức Dương - du học sinh - bày tỏ: “Người Việt vẫn được đánh giá thông minh nhưng chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thua kém thế giới. Nhà nước đầu tư đưa người đi học tập ở nước ngoài, nhưng bản thân họ cũng mong muốn được bố trí công việc hợp lý khi trở về”.
Đại biểu Trần Nam Dương (Đoàn ngành hàng không) chia sẻ: “Để nguồn nhân lực có chất lượng cao thì ưu tiên đầu tiên phải là đào tạo bài bản. Đơn vị chúng tôi ngoài đào tạo chuyên môn còn có những người đi trước nhiều kinh nghiệm hướng dẫn lại cho thế hệ trẻ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận