Quiet Firing, một thuật ngữ nôm na là hình thức sa thải trong im lặng, đuổi khéo nhân viên bằng nhiều cách.
Không làm gì cũng bị ghét, làm tốt không được công nhận
Một ngày đầu tháng 12-2024, anh Trung (34 tuổi), một kỹ sư xây dựng có nhiều năm tay nghề, cho hay vừa chủ động nghỉ việc. Lý do mà Trung đưa ra rất khác lạ: "Luôn hoàn thành mọi dự án, nhưng sếp đì quá".
"Sao lại đì nhân viên giỏi?", chúng tôi hỏi. Câu hỏi khiến Trung cũng bối rối. Bởi chính anh cũng không biết bản thân đã làm gì nên tội.
Anh chỉ biết mọi dự án mình đảm nhiệm đều hoàn thành tốt, có dự án còn vượt tiến độ. Trong suốt quá trình làm việc tại công ty, Trung còn đưa ra một số sáng kiến, từ đó giảm chi phí, tăng nguồn thu cho công ty.
"Gần như các dự án tôi tham gia dù hoàn thành đến hoàn thành tốt đều không được công nhận, ghi nhận và đánh giá. Nửa năm gần đây thì không được giao dự án mới nữa. Chán quá, tôi tự nghỉ", Trung tâm sự.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô gái 24 tuổi có biệt danh Ly Ly (ngụ quận 3, TP.HCM) nói cũng vừa nộp đơn thôi việc xong.
Ly Ly đang làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung marketing được 3 năm. Tính riêng trong năm nay, Ly Ly ít được giao việc. Lương cơ bản của Ly Ly là "không đáng kể", phần lớn đến từ việc làm dự án. Mỗi lần có dự án mới thì liên tục bị sếp gây khó dễ bằng mọi cách, "khắt khe không thể chấp nhận được".
"Tôi luôn là người bị sếp đưa ra giữa cuộc họp để mổ xẻ, dù tôi có phân minh đó là lỗi từ bộ phận khác cũng bị gạt đi, buộc phải nhận đó là lỗi của mình", Ly Ly buồn nói.
Sa thải âm thầm: Vì sao không rõ ràng với nhau?
Chị H. - chuyên viên phòng nhân sự của một tập đoàn đa ngành nghề tại TP.HCM - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng đúng là có làn sóng sa thải âm thầm, đặc biệt là dịp cuối năm.
Lý do thì nhiều vô kể, nhưng việc âm thầm sa thải nhân viên bằng việc gây áp lực để người đó "thấy khó mà rút lui" sẽ tránh gây hiềm khích, chỉ trích của người lao động trong công ty.
Việc một lao động chủ động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giúp doanh nghiệp tránh phải những rủi ro pháp lý, kiện tụng. Doanh nghiệp không cần chi thêm để đền bù hợp đồng, trả tiền trợ cấp thôi việc, vừa tiết kiệm ngân sách và thời gian.
Làm việc cho một doanh nghiệp tìm kiếm, cung cấp giải pháp nhân sự tại TP.HCM đã lâu, chị Huỳnh Thị Trưng (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng lý do lớn để doanh nghiệp, cụ thể hơn là người sếp, tạo sóng âm thầm sa thải đến từ mâu thuẫn cá nhân.
"Gen Z hay đùa nhau là trời đã thương thì là người thường cũng khó là thế đấy. Lỡ bị cấp trên ghét thì xác định đi, mâu thuẫn sẽ ngày càng trầm trọng hơn và chỉ chấm dứt khi bạn nghỉ việc", chị Trưng nói.
Dấu hiệu bạn đang bị "sao Quiet Firing chiếu":
- Không khen, không chê, cũng không góp ý
Việc làm tốt nhưng không một ghi nhận, khen ngợi, thậm chí làm sai cũng không bị chỉ trích là biểu hiện đang bị sếp "lơ đẹp".
- Khắt khe, khó tính
Chuyện quản lý yêu cầu và khắt khe hơn để nâng cao chất lượng công việc là điều tốt. Nhưng nếu chỉ vì một lỗi nhỏ không đáng kể, không ảnh hưởng đến phần lớn công việc nhưng sếp đột nhiên khó tính, khắt khe hơn với chỉ mình bạn thì đó chính là biểu hiện của Quiet Firing.
- Ít được giao việc
Bạn gần như bị cô lập ở cơ quan. Khi ai cũng được giao việc, dự án mới, bạn buộc phải làm những phần việc khó nhằn.
- Mịt mù tuơng lai
Bạn không được tăng lương dù đã đến thời hạn, gắn bó lâu năm với công việc, công ty. Không những chế độ khen thưởng giảm nhiều đi mà việc nhìn thấy cơ hội thăng tiến cũng "mịt mù sương gió".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận