16/03/2021 11:30 GMT+7

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 4: Trở về từ hang 'địa ngục'

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - 'Chỉ vài mét nữa là nước đổ xuống đáy hang, sâu hun hút. Tôi chỉ nghe thấy tiếng đá lăn uỳnh uỵch dưới chân rồi chúng rơi xuống đáy hang ầm ầm ghê rợn' - bà Điển bàng hoàng nhớ lại.

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 4: Trở về từ hang địa ngục - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nga, bà Điển sống hạnh phúc sau lần thoát chết trong hang Cột Cờ - Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Bùi Văn Chú thất thểu mang mấy đôi dép, vật duy nhất tìm thấy của vợ con bị mất tích để về nhà thắp hương, mời thầy cúng chuẩn bị làm "ma sống". Vợ ông, con trai, con dâu và hai người khác bị nước cuốn vào trong hang mất tích suốt bốn ngày rồi, không còn hi vọng...

Lũ ập vào hang tử thần

"Bố tôi đã cúng sống chúng tôi rồi - ông Bùi Văn Nga, ở thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) nhớ lại - Bốn ngày không tìm thấy, ai cũng nghĩ chúng tôi chết. Tôi cũng nghĩ mình chết, cả năm người nằm túm tụm trong hang để có chết, dân làng tìm thi thể cho dễ".

Đó là ngày 24-7-1996, vợ chồng ông Nga, bà Điển, mẹ ông Nga và hai người khác vào hang Cột Cờ đãi vàng sa khoáng. Đến trưa, bất ngờ một cơn lũ quét ầm ập đổ vào hang, cả năm người họ bị kẹt lại trong hang. Rét mướt, tối đen, đói rét như địa ngục.

Hang Cột Cờ nằm ở chân núi, phía cuối cánh đồng của người thôn Lộng. Bốn bề núi cao, con suối của thôn chảy qua cánh đồng rồi đổ vào hang. Người thôn Lộng bảo hang Cột Cờ "dẫn nước suối xuống địa ngục".

Ngày ấy, nhiều phu vàng chui vào hang tìm vàng. Có người trúng "tẩy" đãi được vài cây vàng, nhưng không hiểu sao chỉ một thời gian là họ đi nơi khác, không dám quay lại.

Ông Nga kể trước đó mấy hôm, một phu vàng quê ở Hà Tĩnh là ông Hùng "bọ" tìm thấy một ngách hang mới. Cửa ngách này thấp, ngập nước, muốn vào được bên trong phải bò. Bốn người hôm ấy mang theo máng gỗ, đèn "kỳ" (đèn dầu Hoa Kỳ) bò theo ông Hùng vào ngách hang.

Bên trong vòm hang rộng, họ thắp đèn dầu để lấy ánh sáng hì hục cào bùn đá ở đáy hang đãi vàng. "Chỗ đấy nhiều vàng lắm, buổi sáng hôm đó tôi phải được mấy chỉ" - bà Điển nói. Cả nhóm ham, đãi vàng quên cả giờ giấc. Đến khi đói quá, ông Nga bảo bà Điển về trước nấu cơm, còn mọi người tranh thủ đãi tiếp.

Bà Điển bò ra được một đoạn thì nghe ầm ầm từ ngoài hang vọng vào, tiếng đá hộc lăn ầm ầm vọng vào vách hang, chiếc đèn "kỳ" đặt trên một phiến nhũ đá rung bần bật như có động đất. Rồi nước ập vào hang, bà Điển bị nước cuốn, chới với trong dòng nước dữ. Bốn người còn lại trong hang vội trèo lên phiến nhũ đá. Một người túm được lưng áo bà Điển kéo lên. 

"Chỉ vài mét nữa là nước đổ xuống đáy hang, sâu hun hút. Tôi chỉ nghe thấy tiếng đá lăn uỳnh uỵch dưới chân rồi chúng rơi xuống đáy hang ầm ầm ghê rợn" - bà Điển bàng hoàng nhớ lại.

Trong hang, năm người chen chúc trên phiến đá nhũ to bằng manh chiếu. Họ giữ lại được cây đèn dầu và cái máng gỗ. Ánh sáng cây đèn vừa là nguồn sáng duy nhất vừa để sưởi ấm. Họ không biết đêm hay ngày, chỉ co ro chờ cho nước rút.

Lũ ở miền núi đổ về rất nhanh nhưng cũng rút nhanh. Có khi chỉ nửa ngày hoặc một ngày là nước rút. Oái oăm thay những ngày ấy trời mưa như trút, mưa dai dẳng. Hết trận này nước chưa ráo trên lá rừng đã đổ trận khác. Con suối thôn Lộng nước vẫn đục ngầu, cuốn theo củi, rác đổ xuống miệng hang Cột Cờ.

Ông Nga nhớ lại lúc mệt quá ngủ thiếp đi, chân duỗi ra là nhúng xuống nước, lạnh buốt lại tỉnh. Năm người mò mẫm, sờ soạng phía vách hang hi vọng tìm được lối thoát nhưng vô vọng. Vách hang chỉ toàn phân dơi nhầy nhụa, bốc mùi khăm khẳm.

"Giá mà có củ sắn trôi vào đây nhỉ?" - ông Nga nhớ lại. "Hay ăn cát cho đỡ đói?" - ông Nga phều phào pha trò trong hang tối để quên đi nỗi ám ảnh tử thần đang cận kề. 

"Lúc ấy đói quá, chân tay run rẩy, nói còn không nổi. Lúc khát không chịu được thì vục mặt xuống uống nước. Toàn cát, khé cả cổ, cả phân trâu trôi lẫn trong nước nhưng vẫn phải uống - bà Điển kể - Tôi khóc, ông nhà tôi cũng khóc. Không phải sợ chết vì lúc đó xác định chết rồi. Tôi thương thằng Minh (con trai bà Điển) lúc đó nó mới được 10 tháng, chưa cai sữa, chưa thể thiếu được hơi ấm của mẹ".

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 4: Trở về từ hang địa ngục - Ảnh 2.

Miệng hang Cột Cờ ở Hòa Bình, nơi nước lũ tràn vào năm nào - Ảnh: VŨ TUẤN

Cả làng đắp đê chặn lũ

Đợi mãi, ông Bùi Văn Chú vẫn không thấy vợ về. Người trong thôn đi đãi vàng đã về từ lúc trời mưa. Sốt ruột ông chạy xuống cánh đồng thì thấy nước lũ đang chảy ầm ầm. Nước cuồn cuộn đổ về cửa hang Cột Cờ. Bên ngoài vẫn còn mấy đôi dép và cái nón của bà Hòa (vợ ông), ông Nga, bà Điển. Cả làng nháo nhác đội mưa leo lên núi, phía trên hang hi vọng tìm ra cửa hang nào đó để tìm người.

Xã Thanh Nông lúc đó huy động hết dân quân đến giúp nhà ông Chú tìm người. Họ nhờ thêm dân quân xã khác, vận động cả người dân đến trong xã đi cứu hộ. Trời vẫn mưa, đường vào thôn Lộng ngày ấy phải qua đèo, trơn như đổ mỡ. Chỉ đi bộ, ôtô không vào được.

Chính quyền xã nhờ người thuê được thợ lặn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đến cứu người. Nước dữ, thợ lặn cũng không dám vào. Trong hang lại sâu, nhiều ngóc ngách như mê cung, không người dân nào ở thôn Lộng vẽ được sơ đồ hang. Sơ sảy một chút là nước hút xuống vực ngầm, sâu cả trăm mét.

Ngày thứ hai nước vẫn chưa rút, dân làng hò nhau đắp đê ngăn nước lũ. Họ tính toán chỉ cần con đê tạm ngăn nước được hai tiếng, họ sẽ vào hang để tìm người.

Con đê tạm được đắp suốt ngày đêm. Dân bản đóng cọc tre, đan phên rồi dùng cuốc, xẻng đào đất ngăn con suối dữ. Họ đắp xuyên đêm, đến sáng ngày thứ tư thì dòng suối bị chặn lại, nước bên ngoài dâng ngập cách đồng.

Năm phu vàng thoi thóp chờ chết trong hang hôm ấy không còn nghe tiếng đá lăn dưới đáy hang. Đến lúc ấy giọt dầu cuối cùng đã cạn, chiếc máng gỗ cũng bị bẻ hết để đun lấy ánh sáng. Hang tối như mực, bà Điển nhìn dòng nước thấy le lói ánh sáng. Bà cố sức bò ra cửa hang, vừa bò vừa cố thở vì bà và những người khác đã kiệt sức sắp lả đi.

Nhận thấy nước đã rút, năm phu vàng thều thào kêu lên trong vui sướng. Họ run rẩy lần ngược dòng nước tìm đường ra cửa hang. Bà Hòa lúc ấy đã ngất đi vì kiệt sức. Họ kêu bà Điển, bà Niệm ra trước, ông Nga, ông Hùng dìu bà Hòa ra sau.

"Ai còn khỏe thì ra trước, nếu gặp người thì kêu cứu để họ vào đưa người yếu ra" - ông Nga giải thích.

Bà Điển bò ra đến vòm hang rộng gần cửa hang thì thấy người làng đang bì bõm lội vào. Bà giơ tay vẫy rồi gục xuống dòng nước đặc quánh bùn đất trong hang.

Năm người lần lượt được đưa ra khỏi hang "địa ngục" Cột Cờ. Mặt mũi đen sì vì bồ hóng và phân dơi. Bà Điển húp tạm bát cháo rồi bước xiêu vẹo về bế con. Đứa trẻ khóc thét lên khi nhìn thấy mặt mẹ. "Lúc ấy mặt tôi đen sì, chỉ nhìn thấy mỗi hai con mắt. Quần áo cũng toàn bùn, tanh ngòm. Tôi đi tắm, thay quần áo thì cu Minh mới cho tôi bế".

"Tất cả như cuốn phim tua lại nhanh trong đầu. Tôi sợ không kịp nhìn thấy những người mình yêu thương lần cuối"...

"Dân làng phải giấu nồi cơm đi, sợ chúng tôi ăn nhiều bị bội thực, lại chết vì no. Họ chỉ cho húp cháo loãng với nước đường. Bước vào nhà, đôi dép, cái nón của mẹ tôi vẫn để trên bàn thờ giữa nhà. Bố tôi đang chờ thầy về làm "ma sống", không ngờ cả ba người trong nhà tôi đều trở về" - ông Nga bồi hồi nhớ lại.

"Tất cả như cuốn phim tua lại nhanh trong đầu. Tôi sợ không kịp nhìn thấy những người mình yêu thương lần cuối"...

Kỳ tới: Trượt chân trên “mỏm đá tử thần

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 3: Sống sót sau 5 ngày bị kẹt trong kho lạnh Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 3: Sống sót sau 5 ngày bị kẹt trong kho lạnh

TTO - Chính hình ảnh người vợ trẻ và đứa con thơ vừa tròn một tháng tuổi đã tiếp thêm động lực cho Sang giành giật sự sống khỏi tay tử thần dù phải cưa bỏ đôi chân.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp