Phóng to |
Tổ ấm hạnh phúc của bà Hoa, ông Khuyên - Ảnh: M.Hoa |
Ngồi trên yên sau xe đạp cũ, chân phải teo nhỏ, thõng thượt để lên bàn đạp, chân trái ra sức giậm xuống đất đẩy chiếc xe tiến về phía trước, ông Khuyên dẫn khách vào nhà: “Nhà tui ở dưới chân cây cột điện đằng kia”. Nhìn theo tay ông Khuyên chỉ thấy một cánh đồng hoang cỏ mọc cao đến đầu người, rậm rạp.
Một là duyên, hai là nợ...
"Một ngày là vợ chồng, suốt đời là vợ chồng. Lúc ảnh lành lặn, khỏe mạnh mình ưng, giờ khó khăn hoạn nạn bỏ sao được" Bà NGUYỄN THỊ HOA |
Để tới chân cây cột điện ấy phải lội qua lối đi lầy lội, bùn nhão nhoẹt ngập mắt cá chân dài tới 200m, có đoạn hẹp lại chưa đầy một gang tay. Vậy mà ông Khuyên vẫn ngồi trên xe đạp đi nhanh thoăn thoắt. Kể từ khi chân bị gãy lần thứ hai, ông phải di chuyển bằng cách này.
Hơn 5g chiều bà Hoa đi làm về. Người phụ nữ 45 tuổi ấy da trắng, dáng cao, cười hiền. Nếu không nhìn vào đôi bàn tay to sần, chai sạn và đầy vết sẹo cũ, ít ai biết được bà đã và đang trải qua một quãng đời gian khó.
Gần 20 năm trước, bà là cô gái làng biển ở xã Bình Dương (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Người ta nói lấy chồng ngư phủ hồn treo cột buồm, người chồng mới cưới chưa được bao lâu đã theo con sóng biển ra đi, đi mãi không về. Bà nói: “Mình gặp anh Khuyên sau này cũng là cái duyên”. Ông Khuyên người Sài Gòn, đi bộ đội những năm 1977, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc. Chiến tranh kết thúc, ông Khuyên trở về làm ăn. Bước chân phiêu bạt của người đàn ông 37 tuổi dừng lại ở làng biển và kết duyên cùng người phụ nữ hiền lành Nguyễn Thị Hoa.
Bà Hoa mang bầu ba tháng, vợ chồng đưa nhau vào Sài Gòn. Họ đặt chân xuống bến xe miền Đông lúc nửa đêm. Trong một lúc mệt mỏi, sơ ý, toàn bộ tư trang, hành lý của hai vợ chồng bị kẻ gian lấy mất. Bỗng chốc trở thành người không một mảnh giấy lận lưng. Ngày ngày ông Khuyên đi làm hồ, vợ ra con rạch trước nhà mò cua bắt ốc, dành dụm từng đồng tiền chờ ngày sinh con. Niềm vui chưa kịp đến thì một đêm đi làm về khuya, ông Khuyên bị xe đụng gãy xương đùi.
Một ngày cũng nghĩa vợ chồng
“Người đụng xe vào tui cũng nghèo, tui nghĩ thương mà không dám đòi tiền đền bù chi hết. Người ta đưa 1,5 triệu đồng, đủ đóng một thanh inox vào chỗ xương bị gãy. Nằm ở nhà nhìn vợ gần tới ngày sinh vẫn bì bõm lội nước, bắt từng con ốc con cua đi bán mà tui cầm lòng không đặng”, nhớ lại những ngày tháng đó, ông Khuyên không ngăn được nước mắt rơi. Bà Hoa ngồi cạnh khẽ vỗ về chồng, nói: “Nhiều khi thấy số phận như trêu ngươi mình, nhưng dù sao cũng còn có vợ có chồng, phải ráng lo cho nhau”.
Sinh con hai tháng, bà Hoa trở lại với công việc lặn lội, bì bõm dưới sông. Thương vợ, vừa bình phục, ông Khuyên đi làm đủ thứ nghề, từ lội sông bứt bông súng đi bán đến cắt đầu cá thuê, rồi đi bán vé số... Rồi một đêm, vì ráng bán thêm mấy tấm vé số nữa, trên đường về ông bị người nhậu xỉn tông xe vào. Đi chụp X-quang, bác sĩ bảo cả thanh inox nẹp trong đùi cũng bị gãy luôn rồi, từ giờ ông Khuyên không thể làm việc gì nặng nhọc nữa.
Từ đó đến nay bốn năm ông Khuyên ngồi nhà, đắng đót nhìn vợ đi làm nuôi mình, nuôi hai con. Bà Hoa được nhận vào làm tạp vụ trong một công ty ở xã Phong Phú. Bản tính tảo tần, chịu thương chịu khó, bà được nhiều người tin tưởng, thương quý, có đồ đạc không dùng nữa cũng mang cho. Tất cả đồ đạc trong nhà, từ chiếc nệm cũ, tivi, phích nước, bàn học cho con cũng một tay bà bỏ lên xe đạp, đẩy qua đoạn đường sình lầy mang về. Hết giờ làm, bà tranh thủ lượm thêm ve chai đi bán. Ngày nghỉ, người ta cũng mướn bà về dọn nhà theo giờ.
“Đi làm rất mệt, nhưng về tới nhà không bao giờ mình dám buông một lời nặng nhẹ. Mình đi làm, còn được ra ngoài tiếp xúc với người này người nọ đỡ buồn, ảnh ở nhà quanh quẩn, tủi thân, mình cáu thì ảnh sẽ buồn hơn” - bà Hoa nói. Suốt 16 năm qua, trải bao nhiêu sóng gió cuộc đời, bà luôn nghĩ: “Một ngày là vợ chồng, suốt đời là vợ chồng. Lúc ảnh lành lặn, khỏe mạnh mình ưng, giờ khó khăn hoạn nạn bỏ sao được. Tôi sẽ ráng làm nhiều hơn, dành dụm thêm cho ảnh đi chữa lành cái chân”. Với đồng lương 2,5 triệu đồng/tháng, lo cho bốn miệng ăn trong nhà, bà sẽ còn phải tích cóp đến bao giờ?
Tổ ấm giữa đồng hoang
Tối mịt, cô con gái lớn Bùi Thị Thu Mai, 15 tuổi, lóc cóc đạp xe trở về nhà, lấm lem sình đất y như mẹ hồi nãy. Một tuần nay, cô bé xin được vào làm ở một xưởng nhồi bông thú, lương 10.000 đồng/giờ. Mai thương mẹ, thương ba, xin phép đi làm tăng ca nhưng ba mẹ không chịu. “Nhìn con bé gầy nhẳng gầy nheo đã phải đi làm mà đứt ruột đứt gan. Ba mẹ nghèo nên con phải chịu thiệt. Cả hai đứa chẳng được đi học, Mai ở nhà, ba lấy sách chỉ cho biết đọc biết viết” - bà Hoa kể. Em của Mai, bé Bảo 9 tuổi, đi học ở lớp tình thương cách nhà 5-6km, học một buổi, một buổi về nhà lượm củi, đi câu, phụ ba nấu cơm.
Tiễn khách ra về khi trời đã tối mịt, trong bóng tối bà Hoa bật khóc. Bà nói bà ước sao được về thăm nhà. Từ ngày theo chồng vào Nam, bao nhiêu tai ương ập xuống, bà chưa một lần được trở lại quê hương thăm mẹ. Rồi bỗng nhiên, bà gạt nước mắt nói với một giọng đầy nghị lực, rắn rỏi và mạnh mẽ: “Nhất định sẽ tới ngày đó, nhất định. Giờ phải lo cho ảnh hết bệnh đã”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận