Hai đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu sẽ có làn đường dành riêng cho xe buýt - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
TP.HCM sắp triển khai hai làn đường dành riêng cho xe buýt nhằm rút ngắn thời gian trong nỗ lực phát triển vận tải hành khách công cộng. Hai con đường được chọn là Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu.
Làm sao để làn đường riêng cho xe buýt hoạt động hiệu quả? Với một đô thị đông đúc như TP.HCM, liệu làm xe buýt nhanh như Hà Nội có hiệu quả không? Chọn hai đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu đã đúng chưa?...
Tuổi Trẻ đặt ra các vấn đề này với cơ quan chức năng, các chuyên gia và người dân.
TS Lương Hoài Nam, nguyên tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, cho rằng không nên chọn những đường đang có mật độ phương tiện quá cao để thử nghiệm BRT vì tình trạng kẹt xe tăng lên ở các làn đường còn lại sẽ làm cho nhiều người dân cố tình lấn làn, chiếm làn BRT khi ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao.
Thực tế, một vài tuyến BRT không thể giải quyết được tình trạng kẹt xe của cả một đô thị, đặc biệt là “siêu đô thị” như TP.HCM.
Phải có một mạng lưới xe buýt, với hàng trăm tuyến, hàng nghìn bến đỗ, hàng chục ga buýt và trung tâm trung chuyển buýt mới có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể cấu trúc giao thông đô thị của TP.HCM. Nếu có thêm tàu điện ngầm (MRT) và một số tuyến tàu điện thường thì càng tốt.
Vì vậy, đừng kỳ vọng có được sự thay đổi lớn về giao thông đô thị với một vài tuyến BRT đầu tiên để rồi thất vọng.
Đây mới là khởi đầu của quá trình 10-20 năm tái cấu trúc giao thông của TP.HCM theo hướng giao thông công cộng là chủ đạo.
Khi tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên, các chính quyền đô thị đều tìm cách phát triển giao thông công cộng, nhanh nhất là bằng xe buýt.
Nhưng khi một số làn đường bị lấy làm làn xe buýt, tình trạng kẹt xe trên các làn đường còn lại chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, khẳng định TP.HCM quy hoạch làn đường riêng cho xe buýt là rất cần thiết trong tình hình giao thông như hiện nay.
Từ trước đến nay, xe buýt chạy chung làn đường với các loại xe khác nên dẫn đến di chuyển chậm chạp, mất thời gian, đây là một trong những điểm hạn chế của xe buýt.
Trong khi đó, muốn hành khách chọn xe buýt để đi lại hằng ngày, phương tiện này phải đảm bảo nhanh, giờ giấc chuẩn xác.
Tuy nhiên, TP.HCM phải xem xét đến vấn đề mặt đường ở TP quá hẹp, chỉ có bốn làn đường. Trong khi lượng xe cộ lại lớn, dễ ảnh hưởng đến các luồng giao thông khác.
Có thể thấy làn đường dành riêng cho xe buýt sẽ chiếm trọn 1/3 diện tích mặt đường khiến xe máy, ôtô đổ dồn di chuyển trên ba làn đường còn lại dễ gây ùn tắc, kẹt xe thường xuyên, thậm chí kẹt xe nhiều và nghiêm trọng hơn nữa.
Ông Phan Minh Nghĩa, một chủ cửa hàng hương liệu trên đường Võ Thị Sáu, cho rằng đường Võ Thị Sáu và đường Điện Biên Phủ đều là những trục đường trọng điểm có lượng xe cộ qua lại đông đúc, thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Vào các giờ cao điểm, lượng xe máy trên đường dày đặc, chiếm hơn 70% lượng xe cộ đi lại, trong khi đó xe buýt chỉ có vài tuyến.
Vì vậy, việc tổ chức làn đường riêng cho xe buýt là lãng phí, không hợp lý. Không chỉ vậy, bề ngang ở những tuyến này cũng không rộng rãi lắm, nếu dành 1/3 bề ngang đường làm làn đường riêng cho xe buýt thì lượng xe máy sẽ đổ về đâu, tình trạng kẹt xe chỉ trở nên nghiêm trọng.
* Ông Lâm Thiếu Quân (chuyên gia giao thông): Cần mở “làn sóng xanh” cho xe buýt Để xe buýt được chạy nhanh trên làn đường dành riêng trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, cần tổ chức đèn tín hiệu giao thông ưu tiên cho xe buýt khi qua giao lộ và tạo thành “làn sóng xanh” để xe buýt đi xuyên suốt. Theo tôi, nên bố trí làn xe buýt ưu tiên ở phía bên trong làn đường dành cho xe máy và có thể cho xe máy chạy khi đường trống để góp phần giảm kẹt xe do số lượng xe hai bánh rất đông. Hiện nay đường Điện Biên Phủ thường bị kẹt xe ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, sẽ ảnh hưởng nhiều đến xe buýt chạy trên làn đường dành riêng. Nguyên nhân là do nhiều xe vẫn cố tình vượt qua mỗi khi có đèn đỏ, dẫn đến tình trạng xe chắn ngang giao lộ. Do đó, các cơ quan chức năng cần lắp đặt camera tại những giao lộ trên và xử phạt các xe vi phạm. Đây là giải pháp cần xử lý trước khi tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt thì mới tạo hiệu quả cho xe buýt. * TS Nguyễn Quốc Hiển (trưởng khoa công trình ĐH GTVT TP.HCM): Tăng thêm xe buýt chạy làn đường riêng Kinh nghiệm ở các thành phố khác trên thế giới cho thấy việc bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt sẽ phát huy ở những hành lang có mức độ ùn tắc cao và mặt cắt ngang đường đủ lớn, ví dụ ba làn trở lên. Các điều kiện này nhằm đảm bảo tính hấp dẫn của xe buýt đi trên làn đường riêng, đồng thời không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sự đi lại của xe cộ khác đi trên đường. Xét về hai yếu tố như vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu là hợp lý. Tôi cũng đề xuất cùng với việc bố trí làn đường riêng cho xe buýt trên hai hành lang này, Sở GTVT nên nghiên cứu điều chỉnh lộ trình các tuyến lân cận cũng như tăng cường số xe buýt trên các tuyến nói trên để phát huy hết công suất của làn đường riêng. Cần đưa ra các giải pháp để làm sao ngăn ngừa được xe cộ khác, đặc biệt là xe máy, đi vào làn đường riêng của xe buýt. Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan khác như lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, Sở GTVT nên tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều tuyến đường khác vì xe buýt chỉ phát huy khi nó được vận hành theo nguyên tắc mạng lưới chứ không phải theo từng tuyến cụ thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận