Giao lộ Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thường xuyên kẹt xe kéo dài lúc chiều tối - Ảnh: HỮU THUẬN
Đơn vị được Sở Giao thông vận tải TP phối hợp nghiên cứu để tư vấn dự án là khoa công trình giao thông Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM.
3 phương án
Đơn vị này vừa đề xuất chọn đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ (đường một chiều) tổ chức làn đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt.
Theo đó, đường Võ Thị Sáu (Q.1, Q.3) bố trí tuyến xe buýt đi trên làn đường ưu tiên từ Công Trường Dân Chủ đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng. Đường Điện Biên Phủ (Q.1, Q.3, Q.Bình Thạnh) bố trí tuyến xe buýt đi trên làn đường ưu tiên từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến đầu cầu Sài Gòn.
Ba phương án này (xem đồ họa), theo đề xuất của đơn vị tư vấn, thời gian xe buýt vào làn ưu tiên từ 6h30-8h30 và từ 16h30-18h30, từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần.
Ngoài xe buýt, cho phép xe công an, quân đội, xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên được lưu thông vào làn dành riêng cho xe buýt.
Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, ngoài thời gian cao điểm nói trên, các loại xe vẫn lưu thông bình thường như trước nay.
Nguy cơ ùn tắc cao?
Hiện nay, đường Điện Biên Phủ có 7 tuyến xe buýt hoạt động từ 4h45-21h mỗi ngày. Đường Võ Thị Sáu có 9 tuyến xe buýt hoạt động từ 4h-23h.
Đây là hai tuyến đường có mật độ xe lưu thông rất lớn và thường xảy ra ùn ứ xe tại các đầu giao lộ có đèn tín hiệu giao thông.
Vì vậy, nhiều người lo lắng việc tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ gây kẹt xe nặng nề trên hai tuyến đường này và còn gây kẹt xe trên tất cả các tuyến đường ngang, hướng ra vào trung tâm TP.
TS Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM - khẳng định TP.HCM quy hoạch làn đường riêng cho xe buýt là rất cần thiết.
Từ trước đến nay, xe buýt chạy chung làn đường với các loại xe khác nên dẫn đến di chuyển chậm chạp, mất thời gian, đây là một trong những điểm hạn chế của xe buýt.
Trong khi đó, muốn hành khách chọn xe buýt để đi lại hằng ngày, phương tiện này phải đảm bảo nhanh, giờ giấc chuẩn xác.
Tuy nhiên, theo TS Võ Kim Cương, TP.HCM phải xem xét đến vấn đề mặt đường ở TP quá hẹp, chỉ có bốn làn đường.
Theo các phương án nói trên, làn đường dành riêng cho xe buýt chiếm trọn 1/3 diện tích mặt đường khiến xe máy, ôtô đổ dồn di chuyển trên ba làn đường còn lại dễ gây ùn tắc, kẹt xe thường xuyên.
"Với một đô thị đông đúc như TP.HCM, liệu làm xe buýt nhanh như Hà Nội có hiệu quả không? Chúng ta cần xem xét lại việc chọn hai đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu đã đúng chưa?" - ông Võ Kim Cương đặt câu hỏi.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông là TS Lương Hoài Nam thì cho rằng không nên chọn những đường đang có mật độ phương tiện quá cao để thử nghiệm làn đường ưu tiên cho xe buýt.
Vì tình trạng kẹt xe tăng lên ở các làn đường còn lại sẽ làm cho nhiều người cố tình lấn làn, chiếm làn ưu tiên khi ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao.
Theo ông Nam, việc thực hiện một vài tuyến đường ưu tiên, vài tuyến buýt nhanh (BRT) không thể giải quyết được nạn kẹt xe của "siêu đô thị" như TP.HCM.
Điều cần là phải có một mạng lưới xe buýt, với hàng trăm tuyến, hàng nghìn bến đỗ, hàng chục ga buýt và trung tâm trung chuyển xe buýt mới có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể cấu trúc giao thông đô thị của TP. Nếu có thêm tàu điện ngầm (MRT) và một số tuyến tàu điện thường thì càng tốt.
Có phản ứng nhưng vẫn thành công
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP nhìn nhận: "Thời gian đầu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng dữ dội của nhiều người. Bởi vì ngoài xe buýt, các phương tiện còn lại sẽ lưu thông trên mặt đường chật hẹp, không còn thông thoáng như trước".
Vị này cũng dẫn chứng thời gian qua một số nước như Hàn Quốc, Singapore, Philippines... khi tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt cũng gặp sự phản ứng dữ dội từ người dân.
Tuy nhiên, sau đó các nước này đã thành công và thu hút người dân đi xe buýt nhiều hơn.
Sắp tới, phương án tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ trình Sở GTVT TP và chắc chắn sẽ đưa ra tham khảo ý kiến cộng đồng trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận