Trong học kỳ hợp tác đầu tiên này, gần 200 sinh viên năm 2 đại học chính quy thuộc hai ngành quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện của Trường đại học Nguyễn Tất Thành tham gia khóa đào tạo trực tiếp tại báo Tuổi Trẻ.
Dạy thực chiến, tư duy truyền thông
Sau lễ khai giảng ngắn gọn và trang trọng diễn ra sáng 14-6 tại báo Tuổi Trẻ, các sinh viên bước vào môn học đầu tiên "Tổ chức ảnh trên các phương tiện truyền thông". Người đứng lớp các tiết học đầu tiên là nhà báo Nguyễn Công Thành - nguyên trưởng phòng ảnh báo Tuổi Trẻ và các phóng viên ảnh của báo Tuổi Trẻ.
Ngoài việc giới thiệu cơ bản về máy ảnh, nhà báo Nguyễn Công Thành cung cấp cho các bạn sinh viên kiến thức nền về tư duy chụp ảnh, tư duy đề tài với các ví dụ minh họa cụ thể.
Trước khi bước vào thực hành, sinh viên cũng được hướng dẫn kỹ thuật chụp ảnh cho từng loại ảnh khác nhau như ảnh thời sự, ảnh chân dung, ảnh sự kiện... Với từng chủ đề cụ thể, giảng viên yêu cầu sinh viên trả lời nên chụp những hình ảnh như thế nào.
"Tư duy đề tài ảnh rất quan trọng. Khi sự việc sự kiện xảy ra, người chụp ảnh cần tư duy những hình ảnh sẽ chụp trước khi đến hiện trường chứ không thể chụp vu vơ. Chúng tôi sẽ phân tích cụ thể từng bức ảnh, từng hoạt động tác nghiệp của sinh viên để các bạn thấy được ưu điểm và hạn chế ở đâu.
Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ tham gia một số sự kiện do báo Tuổi Trẻ tổ chức để chụp ảnh sự kiện - điều mà các bạn có thể sẽ gặp rất nhiều trong công việc sau này" - ông Thành nói.
Nhiều sinh viên cho biết đã từng chụp ảnh rất nhiều để đăng mạng xã hội nhưng thực sự chưa hiểu rõ về quá trình hình thành bức ảnh từ tư duy ảnh đến góc chụp, bố cục ảnh.
Lê Thị Hồng Nhung - sinh viên năm 2 ngành quan hệ công chúng - chia sẻ bạn cảm thấy thích thú, lôi cuốn với cách dạy thực tế tại báo Tuổi Trẻ.
"Bản thân tôi thích làm ra các sản phẩm truyền thông nên môn học này rất thú vị. Chúng tôi được trang bị các kiến thức cơ bản và sau đó thực hành để xem mình áp dụng kiến thức được tới đâu" - Nhung nói.
PGS.TS Vũ Quang Hào - trưởng khoa truyền thông sáng tạo Trường đại học Nguyễn Tất Thành - nhận xét đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam lâu nay chỉ được thực hiện ở giảng đường đại học, có kiến tập và thực tập tại các cơ quan báo chí nhưng thời gian không nhiều.
Với mô hình đào tạo mới này, một số học phần thực hành sẽ được đưa về cơ quan báo chí trực tiếp giảng dạy. Điều này giúp tận dụng tối đa khả năng, trình độ, kinh nghiệm của các nhà báo cũng như các trang thiết bị kỹ thuật của báo.
"Đặc biệt là kiến thức, kỹ năng làm báo, tư duy truyền thông - điều mà trường đại học không thể dạy ở giảng đường. Sinh viên sớm tích lũy được tư duy truyền thông khi được phóng viên hướng dẫn, tham gia sản xuất sản phẩm thực tế. Đó là cách học tư duy từ những người thầy thực chiến" - ông Hào nói.
Cơ hội cho sinh viên
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cơ quan báo chí tham gia đào tạo một số học phần trong chương trình đại học chính quy. Việc đào tạo được thực hiện theo hướng tập trung thực hành, tiếp cận thực tiễn, tạo ra sản phẩm truyền thông thực tế.
Ngoài việc được cung cấp kiến thức nền tảng của học phần, hướng dẫn thực hành ngay tại chỗ, sinh viên sẽ được đưa về các phòng ban với sự hướng dẫn của phóng viên, biên tập viên, cùng tham gia sản xuất các sản phẩm thực tế.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng sinh viên học tập, thực hành ở môi trường mới so với môi trường đại học hy vọng sẽ có những ý tưởng sáng tạo mới, tiếp cận nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Sinh viên học tập tại báo Tuổi Trẻ sẽ được tiếp cận quy trình sáng tạo các sản phẩm truyền thông mới, tác nghiệp cùng phóng viên, xử lý các tình huống thực tế - những điều mà các bạn có thể ít được tiếp cận ở giảng đường đại học. Điều này rất cần thiết cho công việc và nghề nghiệp sau này.
Báo Tuổi Trẻ sẽ tạo điều kiện để sinh viên thực hành, tác nghiệp như nhà báo. Những phóng viên có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống, vốn nghề luôn sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn sinh viên.
Đưa sinh viên đến đào tạo tại doanh nghiệp không mới nhưng đưa giảng đường về tòa soạn báo là lần đầu tiên.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm, hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết hợp tác đào tạo với doanh nghiệp đã được Trường đại học Nguyễn Tất Thành và các trường đại học khác thực hiện.
Tuy nhiên đó là ở các lĩnh vực, ngành nghề khác. Trường đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp đào tạo cùng báo Tuổi Trẻ đánh dấu cột mốc lần đầu tiên cơ sở đào tạo kết hợp cùng đơn vị sử dụng lao động ngành truyền thông. Đó là bước đột phá về phương thức đào tạo.
Theo bà Cầm, người hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình hợp tác này là các sinh viên khi được hướng dẫn, thực hành ở môi trường báo chí chuyên nghiệp.
Thực tế không có trường đại học nào có thể đầu tư đầy đủ trang thiết bị, công nghệ đa dạng như tòa soạn báo và cũng như không thể cho sinh viên thực hiện đầy đủ quy trình làm báo, sản xuất sản phẩm truyền thông như tại các báo.
"Khác so với học ở trường"
Cảm nhận sau buổi học đầu tiên tại báo Tuổi Trẻ, Trần Thị Thu Thảo - sinh viên năm 2 ngành quan hệ công chúng - cho biết "khác so với học ở trường". Khác ở đây, theo Thảo, đó là cách dạy ngắn gọn, chi tiết và hướng dẫn thực hành ngay tại lớp sau mỗi phần học.
Thảo kỳ vọng cách đào tạo này sẽ giúp bản thân nắm được các kỹ thuật, quy trình khi thực hiện một sản phẩm truyền thông. Điều này giúp Thảo có những trải nghiệm thú vị, hiểu rõ hơn về nghề nghiệp, công việc sẽ làm sau này.
"Biết đâu em sẽ là đồng nghiệp của các anh chị phóng viên sau vài năm nữa" - Thảo vui vẻ cho hay.
Cột mốc lịch sử
ThS Đặng Như Thảo - phó trưởng khoa truyền thông sáng tạo Trường đại học Nguyễn Tất Thành - đánh giá đây là cột mốc lịch sử đào tạo truyền thông khi giảng đường được đưa vào tòa soạn.
Bà Thảo nói việc đào tạo tại tòa soạn giúp thu hẹp khoảng cách lý thuyết - thực hành. Sinh viên ngoài học kiến thức còn có thực hành, trải nghiệm và phát triển bản thân, mở rộng mối quan hệ góp phần cho sự phát triển nghề nghiệp sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận