Hình ảnh 3 mặt trăng nhỏ xoay quanh tiểu hành tinh mẹ 130 Elektra - Ảnh: YOUTUBE
Theo trang tin khoa học Sci-News, lần đầu tiên tiểu hành tinh "mẹ" (130) Elektra được nhà thiên văn học Christian Peters của Đài quan sát Litchfield (New York) phát hiện vào ngày 17-2-1873. Nó có đường kính hiệu dụng là 199km.
Mặt trăng nhỏ đầu tiên được một nhóm các nhà thiên văn học, do tiến sĩ William Merline dẫn đầu, phát hiện vào năm 2003. Nhóm đã sử dụng kính viễn vọng Keck II tại Đài quan sát Mauna Kea (Hawaii).
Được đặt tên là S/2003 (130) 1 hoặc S1, nó có đường kính 6km và quay quanh tiểu hành tinh mẹ Elektra trong quỹ đạo 1.300km, với chu kỳ 5,3 ngày/vòng, theo trang Sci-News.
Mặt trăng nhỏ thứ hai của Elektra, S/2014 (130) 1 hoặc S2, được nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Bin Yang dẫn đầu phát hiện vào ngày 6-12-2014 bằng cách sử dụng cơ sở SPHERE trên kính viễn vọng rất lớn của ESO (Chile).
Nó có đường kính khoảng 2km và quay quanh Elektra 1,2 ngày/vòng ở khoảng cách 500km.
Mới đây, tiến sĩ Anthony Berdeu từ Viện Nghiên cứu thiên văn quốc gia Thái Lan và Đại học Chulalongkorn cùng các đồng nghiệp đã phát hiện mặt trăng nhỏ thứ 3, được đặt tên S/2014 (130) 2 hoặc S3, quay quanh Elektra.
Họ phát hiện mặt trăng S3 có chu kỳ quỹ đạo là 0,679 ngày/vòng và đường kính 1,6km.
Cả 3 tiểu hành tinh nhỏ trên được gọi là mặt trăng nhỏ vì hoạt động của nó giống mặt trăng, cùng quay quanh một tiểu hành tinh lớn.
Tiến sĩ Anthony Berdeu nói: "Việc phát hiện hệ thống 4 tiểu hành tinh đầu tiên đã mở đường cho việc tìm hiểu cơ chế hình thành của những tiểu hành tinh này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận