Phóng to |
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc |
* Xin chúc mừng anh. Đây là lần đầu tiên nhạc phim VN được trao giải ở một LHP quốc tế. Theo anh vì sao Thời xa vắng lại có được thành công như vậy về mặt âm nhạc?
- Nghệ thuật đầu tiên phải là sự độc đáo. Toàn bộ câu chuyện phim diễn ra ở nông thôn miền bắc, tôi đã sử dụng những chất liệu dân ca Bắc Bộ, như chèo, ca trù..., sau đó chuyển đổi và tái tạo chúng. Dàn nhạc thể hiện, tôi dùng những nhạc cụ dân tộc, như đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tranh, sáo, tiêu... kết hợp với dàn nhạc giao hưởng.
Vấn đề khó nhất ở đây, chứng tỏ tay nghề của một nhạc sĩ, là làm sao kết hợp hài hòa giữa những nhạc cụ của phương Đông với dàn nhạc giao hưởng của phương Tây và thổi cho chúng cái hồn VN. Chẳng hạn, những đoạn Sài gặp Hương, tôi sử dụng âm hưởng của làn điệu chèo Sắp qua cầu...
Những gương mặt nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu của âm nhạc VN cũng góp phần làm nên thành công cho nhạc của Thời xa vắng, như: Triệu Tiến Vượng (sáo tiêu), Vũ Việt Hồng (thập lục), Quang Dũng (nhị), Phạm Văn Ty (nguyệt), Bùi Lệ Chi (bầu)..., Mai Trúc Tam (clarinet), Phan Thế Cường (oboe), Trần Thị Mơ (cello).
* Nghe nói phần thu thanh cũng rất kỳ công?
- Vâng, có lẽ đây là bộ phim VN được thu thanh công phu nhất. Phần hậu kỳ được sự hỗ trợ của Pháp nên đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật theo chuẩn quốc tế. Dàn nhạc Giao hưởng VN với hơn 50 người biểu diễn, do nhạc trưởng người Anh Graham Sutcliffe chỉ huy và chuyên gia thu thanh người Pháp Didier, đảm nhiệm.
Trước đây, tôi đã viết nhạc cho hàng trăm phim truyền hình, và hàng chục phim nhựa (như Tướng về hưu, Người đàn bà nghịch cát, Mùa ổi...), nhưng chưa có điều kiện để làm nhạc công phu như Thời xa vắng.
Những phim trước, tuy cũng sử dụng dàn nhạc giao hưởng, hoặc chất liệu âm nhạc cổ truyền..., nhưng trong điều kiện kinh phí làm phim rất hạn hẹp nên khâu thu thanh thường phải "liệu cơm gắp mắm". Dàn nhạc phải thu nhỏ biên chế tối đa, thu thanh phải thật nhanh, có thể chỉ trong một buổi, một ngày. Như vậy, khó có thể đạt được hiệu quả mong muốn.
* Có nghĩa sự tài trợ của phía Pháp đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng nhạc phim?
- Nên nói cho rõ hơn là họ giúp mình nâng cao chất lượng về kỹ thuật thu thanh.
* Một đạo diễn Việt kiều thuộc dạng kỹ tính như Hồ Quang Minh có đặt ra những yêu cầu khắt khe khi mời anh làm nhạc?
- Từ năm 1987, tôi đã nhận được lời mời của đạo diễn Hồ Quang Minh làm nhạc cho bộ phim này, nhưng dự án bị trục trặc, và hơn 10 năm sau, anh ấy vẫn mời tôi. Tôi cũng từng có dịp hợp tác với anh Minh trong bộ phim Bụi hồng năm 1995. Anh Minh luôn đặt trọn niềm tin vào tôi, cho tôi toàn quyền sáng tạo âm nhạc trong phim của anh ấy.
* Anh có bất ngờ về giải thưởng này?
- Tôi hoàn toàn bất ngờ. Tuy vậy, việc phần âm nhạc của tôi có thể vượt qua 375 nhạc phim của 40 nước, và chiến thắng ngay cả những phim của nước chủ nhà Trung Quốc, rõ ràng không phải là một sự ngẫu nhiên hay ăn may. Tôi nghĩ đây cũng là niềm vinh dự chung của âm nhạc chuyên nghiệp VN, đang dần dần hòa nhập với thế giới và cố gắng khẳng định được đẳng cấp của mình.
* Nhưng ở trong nước, Thời xa vắng thậm chí không được đề cử tranh giải về âm nhạc tại LHP VN lần thứ 14 vừa qua và cả giải Cánh diều Vàng 2004?
- Tôi từng được giải nhạc phim hay nhất tại LHP VN lần thứ 13 (phim Mùa ổi). Tuy vậy, so với LHP Thượng Hải, được xếp vào số những LHP quốc tế có tiếng ở châu Á, thì đoạt được giải ở đây mới thật sự là niềm mơ ước của tôi cũng như tất cả các nhạc sĩ viết nhạc phim. Chắc họ không trao nhầm cho tôi.
Tôi cho rằng, các loại giải thưởng nghệ thuật ở VN nhiều khi vẫn được trao theo kiểu người ta định trao cho ai thì trao, chứ ít dựa theo những tiêu chí nghệ thuật thuyết phục. Sự lựa chọn người vào các ban giám khảo ở ta phần nào cũng còn khá tùy tiện, áp đặt nên sự thẩm định của BGK còn nhiều hạn chế và sự quen biết, nhờ cậy làm giải bị biến dạng.
* Xin cảm ơn anh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận