Cấy ghép quả tim nhân tạo hoàn toàn ở Mỹ - Ảnh: Trường Y khoa Duke
Theo trang Interesting Engineering, các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện ĐH Duke (Mỹ) mới đây đã ghép thành công quả tim nhân tạo hoàn toàn (total artificial heart - TAH) cho một người đàn ông 39 tuổi bị suy tim đột ngột.
Không giống các quả tim nhân tạo truyền thống, thông cáo của nhóm nghiên cứu cho biết quả tim TAH này bắt chước hoạt động của quả tim người thật, giúp người nhận được tự do hơn sau phẫu thuật.
Tim TAH do Công ty CARMAT của Pháp phát triển, gồm 2 buồng tâm thất và 4 van tim sinh học giúp quả tim nhân tạo này không chỉ giống với tim người thật mà còn hoạt động tương tự nó.
Nhịp đập của tim được tạo ra từ một dịch truyền động được mang theo trong một chiếc túi bên ngoài cơ thể người bệnh. Quả tim được bơm máu bằng các máy bơm siêu nhỏ và lượng máu bơm qua tim sẽ tương ứng với nhu cầu cơ thể người bệnh. Nhu cầu này được xác định bằng các cảm biến và vi xử lý trên chính quả tim nhân tạo.
Người được ghép quả tim TAH này là một cư dân ở thành phố Shallotte, bang North Carolina, Mỹ. Người này bị chẩn đoán suy tim đột ngột tại Trung tâm Duke và đã phải phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ.
Tuy nhiên tình trạng của anh xấu đi rất nhanh nên không đủ điều kiện để ghép tim. May mắn cho người bệnh khi Trung tâm Duke là một trong những nơi Công ty CARMAT đang thử nghiệm dự án tim TAH của họ sau khi được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ phê chuẩn.
Hiện tại người bệnh đã ổn định sức khỏe và đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Quả tim nhân tạo của Công ty CARMAT hiện đã được phê chuẩn sử dụng có điều kiện tại châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận