04/10/2013 07:35 GMT+7

Lần đầu tiên công bố chỉ số công lý

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Ngày 3-10, lần đầu tiên, qua nghiên cứu dựa trên đánh giá của người dân, Hội Luật gia VN, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cùng Chương trình phát triển LHQ đã công bố chỉ số công lý của VN.

Chỉ số công lý là một công cụ định lượng được xây dựng để chuyển tải ý kiến và đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước trong việc đảm bảo công lý và các quyền cơ bản trên thực tế, đồng thời giúp các bên có liên quan đánh giá và giám sát các thay đổi thực chứng về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý ở VN.

Chỉ số này đo lường năm trục nội dung: khả năng tiếp cận, công bằng, liêm chính, tin cậy và hiệu quả, bảo đảm các quyền cơ bản.

D3iPZe8b.jpgPhóng to
Luật sư Nguyễn Trường Thành (đứng) tại phiên tòa liên quan đến vụ kiện bảo vệ quyền lợi của người nông dân bán cá - Ảnh: Phương Nguyên

Hiểu biết pháp luật thấp

Lấy ngày 10-10 làm ngày truyền thống luật sư

Sáng 3-10, Liên đoàn Luật sư VN tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 10-10 hằng năm là ngày truyền thống của luật sư VN. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Luật sư VN - cho biết nhân sự kiện này, Liên đoàn Luật sư VN sẽ tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại hơn 3.000 tổ chức hành nghề luật sư trên cả nước vào ngày 10-10. Liên đoàn Luật sư VN cũng sẽ phát động phong trào “Góp đá xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa” trong giới luật sư.

TÂM LỤA

Điều tra được thực hiện chủ yếu qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 5.045 người dân ở 21 tỉnh thành trên cả nước trong các tháng đầu năm 2012.

Nhóm nghiên cứu đưa ra 10 câu hỏi để kiểm tra mức độ hiểu biết của người dân về các thông tin pháp luật cơ bản.

Phần lớn những người được hỏi cho rằng người dân sống trên một mảnh đất trên 10 năm sẽ đương nhiên có quyền nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội là ba năm, tội phạm vị thành niên (dưới 18 tuổi) không có quyền có luật sư bào chữa tại tòa...

Đây đều là những thông tin sai. Những thông tin được nhiều người hiểu biết nhất là thuê lao động trên ba tháng phải có hợp đồng lao động, quyền thừa kế của người vợ sau khi chồng qua đời, ai có quyền đứng tên trong các giấy chứng nhận về đất đai...

Đối với các nguồn mà người dân tiếp nhận thông tin pháp luật, truyền hình vẫn đứng đầu bảng và sau đó là loa phát thanh, các cuộc họp thôn phố, sách báo... Chỉ có 2% là tìm kiếm thông tin pháp luật từ luật sư.

Thương lượng để giải quyết tranh chấp

Theo khảo sát, các tranh chấp phổ biến nhất thường liên quan tới lao động, kinh tế, đất đai, dân sự, môi trường và chính sách xã hội. Tranh chấp về kinh tế chủ yếu giữa doanh dân với cơ quan quản lý nhà nước về thuế (36%) và thủ tục đăng ký kinh doanh (20%), giữa doanh dân với nhau là về vay ngân hàng (51%), vay cá nhân (37%).

Vướng mắc đất đai vẫn phổ biến với vấn đề đất giáp ranh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường, tái định cư. Gần 43% người được phỏng vấn cho rằng “khiếu nại, tranh chấp về đất đai là vấn đề nóng tại địa phương” nơi họ sinh sống.

Về môi trường, phần lớn người được hỏi bỏ qua khi có vướng mắc về môi trường trong khu vực sinh sống của mình, chỉ 12% có khiếu nại, yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm.

Theo kết quả khảo sát, thương lượng song phương với bên có tranh chấp là cách thức phổ biến trong giải quyết vướng mắc về lao động, kinh tế và dân sự. Đối với tranh chấp về đất đai, người dân thường chọn hướng giải quyết tích cực hơn. Không chỉ thương lượng, họ còn tìm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và các dịch vụ bổ trợ tư pháp.

Đo lường công lý để làm gì?

Khi đề cập tới việc đo lường công lý, ông Đặng Hoàng Giang - thành viên nhóm nghiên cứu - thường nhận được câu hỏi: “Lại một chỉ số à? Công lý liệu có đo được không?”.

Ông Trương Anh Tuấn - ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định (tỉnh không có mặt trong điều tra lần này) - cũng cho rằng đây là vấn đề mới, hấp dẫn và cho biết ông hi vọng Nam Định sẽ được đưa vào danh sách nghiên cứu ở lần sau.

Từ những kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu xây dựng nên chỉ số công lý của 21 tỉnh được khảo sát với năm trục chính: khả năng tiếp cận, tính công bằng, sự tin cậy và hiệu quả, tính liêm chính và bảo đảm quyền cơ bản.

Kết quả cho thấy những nhóm người bị phân biệt nhiều nhất khi tiếp cận dịch vụ pháp lý cơ bản là người đồng tính, nhiễm HIV và người nghèo.

Đáng ngạc nhiên, ở trục liêm chính (đo lường mức độ người dân đánh giá bộ máy có chuyên nghiệp không, kiểm soát tham nhũng thế nào, cơ chế giám sát ở cấp xã và tỉnh ra sao...) thì điểm số ở các thành phố lớn tương đối thấp, trừ Đà Nẵng; mức độ chuyên nghiệp ở cán bộ miền Bắc thấp hơn trung bình cả nước.

Riêng chỉ số về phong cách và thái độ chuyên nghiệp của cảnh sát giao thông cho thấy người dân Quảng Nam và Tây Ninh đánh giá cao về tính chuyên nghiệp của lực lượng này, trong khi phong cách và thái độ của cảnh sát giao thông bị đánh giá thấp ở Hải Dương.

Điều thú vị là khi cộng tổng điểm của cả năm trục này thì Đà Nẵng - thành phố được xếp hạng cao ở nhiều chỉ số khác (ví dụ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh - PCI) cũng có chỉ số công lý cao nhất. Thấp nhất là Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Phú Thọ.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy giữa GDP đầu người và chỉ số công lý không có quan hệ đồng thuận: những tỉnh có GDP đầu người cao như Hà Nội hay TP.HCM thậm chí còn có điểm chỉ số công lý thấp hơn Bắc Giang.

* PGS.TS Phạm Duy Nghĩa(thành viên ban tư vấn chỉ số công lý):

Công lý không phải là luật nằm trên giấy

Chúng ta rút ra được rằng không phải “tôn thờ” GDP. Tăng trưởng GDP mang lại sự phát triển của nhiều thành phố giàu có nhưng chưa chắc mang lại công lý. Khánh Hòa đâu phải kém về phát triển kinh tế? TP.HCM cũng tương tự. Câu hỏi cần đặt ra là phát triển cho ai, vì ai? GDP để làm gì khi phần lớn dân chúng nghèo khổ? Chỉ ổn định được nếu phát triển mang lại phúc lợi cho người nghèo và người không có thế lực.

Với các cơ quan hành chính các tỉnh, chỉ số công lý giúp chỉ ra nền hành chính đang có khuyết tật gì? Với các tổ chức xã hội, nó cho thấy luật pháp ảnh hưởng gì đến cử tri, nhóm lợi ích, các hội viên. Với báo chí, cần phải tạo ra thảo luận đa chiều về chỉ số này và các chỉ số khác. Với giới học thuật, cần sử dụng nó để xem luật là luật nằm trên giấy hay còn luật ở ngoài đời, mà luật ở ngoài đời mới là hiện thân của công lý. Công lý không đồng nghĩa với luật ở trên giấy mà phải là niềm tin của người dân, các trường học...

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp