13/04/2021 14:00 GMT+7

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong 4 ngày 12, 13, 14 và 16-4, các em học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) đã có những buổi xem và tìm hiểu biểu diễn múa rối nước ngay tại sân trường.

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn - Ảnh 1.

Khán giả nhí thích thú với hình ảnh chú bé thổi sáo cưỡi trâu - Ảnh: LINH ĐOAN

Mỗi buổi sáng như vậy có khoảng 400, 500 bé được sắp xếp xem. Từ rất sớm, nhiều bạn bước vô trường đã tò mò rờ rẫm thủy đình (nơi để biểu diễn múa rối nước) được các cô chú nghệ sĩ lắp đặt từ trước đó. Có bạn còn bạo dạn đẩy tấm màn che (nơi các nghệ sĩ đứng phía sau để điều khiển con rối) xem bên trong có gì.

Vì tò mò như vậy nên buổi diễn bắt đầu trong không khí rất háo hức. Chú hề Tí Tẹo xuất hiện khuấy động không khí với vài trò chơi nho nhỏ cho khán giả nhí giãn gân cốt. Không để các bé đợi lâu, chú hề tiết lộ cho bạn nhỏ về lý do xuất hiện thủy đình, về loại hình múa rối nước mà chỉ Việt Nam mới có. Con rối được làm bằng gì và các trò rối xuất hiện như thế nào?

Cứ mỗi lời chú nói, khán giả nhí bên dưới lại ồ à rôm rả.

Thầy Nguyễn Đạt Sử - hiệu phó của trường - cho biết đợt biểu diễn này như một dịp để các em học sinh có thể tìm hiểu thêm về những bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc.

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn - Ảnh 2.

Chú hề Tí Tẹo khuấy động không khí và dẫn dắt để các bé hiểu thêm về nghệ thuật múa rối nước - Ảnh: LINH ĐOAN

Trước đó, trường cũng đã tổ chức những buổi ngoại khóa cho các em tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam, nghệ thuật hát bội…

Sôi động nhất là khi những con rối xuất hiện. Từ chú Tễu, ông lão đánh cá, con trâu, con cáo, long, lân, quy, phụng… trong các trò diễn như nông nghiệp, múa rồng, đánh cáo bắt vịt, múa lân…, sân trường luôn vang lên tiếng xuýt xoa, trầm trồ. Nhiều bạn còn hét lên "cảnh báo" người nông dân khi thấy con cáo thập thò chuẩn bị tóm con vịt.

Kết thúc buổi diễn, các bạn nhỏ được thấy "bí mật" phía sau tấm màn. Đó là những cô chú phải ngâm mình trong nước để điều khiển con rối, diễn trò cho các bạn xem. Rồi họ giới thiệu cho các bạn một bộ điều khiển rối, gồm cây sào tre dài khoảng 2m, nối bằng dụng cụ sắt với con rối được tạo hình bằng gỗ.

Hơn thế nữa, khán giả nhí còn được mời lên sân khấu để thử trải nghiệm cảm giác điều khiển con rối với vài động tác đơn giản. Bé Bảo Ân, lớp 1/8, cười toe toét chia sẻ: "Lần đầu tiên con được coi múa rối nước. Con thấy lạ và thích hơn coi múa rối cạn. Múa rối cạn cô chú đứng trên bờ, còn múa rối nước cô chú phải lặn dưới nước!".

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn - Ảnh 3.

Chú Tễu vui nhộn mở đầu buổi biểu diễn - Ảnh: LINH ĐOAN

Ông Thanh Thảo - phó giám đốc Nhà hát Trẻ (nơi quản lý Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng), đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn này - cho biết:

"Nhiều năm trước đây, chúng tôi tổ chức chương trình đưa kịch rối lịch sử vào trường học rất được thầy cô và các em học sinh hưởng ứng. Riêng múa rối nước chúng tôi thường thực hiện theo lời mời của các trường quốc tế. Gần đây các trường này còn mời chúng tôi đến làm những buổi workshop để các em hiểu sâu hơn về nghệ thuật múa rối nước.

Từ đó, tôi có suy nghĩ sao mình không đẩy mạnh đưa múa rối nước vào các trường tiểu học trên toàn thành phố. Vậy là chúng tôi liên lạc, lên kế hoạch và rất vui là đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều trường".

Ông Thảo chia sẻ diễn múa rối nước lưu động tại các trường tương đối khó khăn hơn diễn rối cạn. Một buổi diễn kịch rối lịch sử có thể phục vụ cho hơn 1.000 học sinh vì con rối khá to, ở xa nhìn vẫn rõ. Còn múa rối nước mất công vì phải lắp đặt thủy đình, con rối tương đối nhỏ nên chỉ có thể phục vụ khoảng 400, 500 em/buổi.

Vì thế êkip đã nghiên cứu để giảm kích cỡ vật liệu làm thủy đình, mặt sân khấu nước cũng phải thấp hơn để các em có thể nhìn rõ trò diễn. Tất cả sự nỗ lực để mong muốn truyền đến cho các bé tình yêu múa rối nước, một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn - Ảnh 4.

Khán giả nhí thích thú với màn rồng phun lửa - Ảnh: LINH ĐOAN

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn - Ảnh 5.

Các cô chú giới thiệu bộ điều khiển con rối sau buổi biểu diễn - Ảnh: LINH ĐOAN

Lần đầu tiên con được coi múa rối nước, con thấy lạ và thích hơn rối cạn - Ảnh 6.

Trải nghiệm điều khiển con rối với vài trò đơn giản - Ảnh: LINH ĐOAN

Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng đóng cửa, diễn viên lao đao Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng đóng cửa, diễn viên lao đao

TTO - Các diễn viên của Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng đang lao đao khi điểm diễn quen thuộc với du khách hơn 20 năm nay tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM buộc phải đóng cửa từ khi dịch COVID-19 tấn công.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp