Ngay trong cuộc gặp đầu tiên với nhà sản xuất Ngày xưa có một chuyện tình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã nhấn mạnh yếu tố tình dục giúp nguyên tác thể hiện sự trưởng thành ở tình yêu của các nhân vật.
Anh chọn nhấn mạnh yếu tố này trong phim qua hai cảnh phim tương phản rõ rệt với nhau.
Đạo diễn chia sẻ với Tuổi Trẻ thêm về quá trình chuyển thể Ngày xưa có một chuyện tình, cuốn sách rất đặc biệt đối với cá nhân nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cũng như một số quan điểm làm phim của anh.
Trailer Ngày xưa có một chuyện tình
Từ bất ổn, mãnh liệt đến bình thản, nồng nàn
* Anh không phải là đạo diễn đầu tiên được chọn để chuyển thể cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình, nhưng cuối cùng duyên nợ thế nào bộ phim lại đến với anh. Anh có thể chia sẻ thêm về mối duyên này?
- Mọi thứ đều đúng thời điểm. Năm 2023, tôi nhận được cuộc gọi từ nhà sản xuất yêu cầu tôi đọc cuốn sách này. Ban đầu, phần đầu của truyện chưa thực sự gắn kết với tôi dù câu chuyện về tuổi thơ tôi luôn trân trọng. Nhưng nửa sau, tôi hoàn toàn đắm chìm vào truyện.
Tôi tìm được sự kết nối rõ ràng với chủ đề về những mất mát của tuổi trưởng thành, chủ đề tôi đang quan tâm ở thời điểm hiện tại. Tôi quyết định làm bộ phim này khi ê kíp trước đó đã rút vì tầm nhìn của hai bên không hợp với nhau.
Tôi nói chuyện với nhà sản xuất và tất cả đều mong muốn làm một bộ phim khắc họa được sự thay đổi về thời gian qua các mùa, từ đó thấy sự lớn lên, trưởng thành của các nhân vật.
* Anh làm cách nào thuyết phục nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đồng ý để mình làm bộ phim từ sách của ông?
- Tôi không đi gặp bác Ánh như một cuộc phỏng vấn mời gọi hay xin phép chính thức. Bác Ánh có xem Thưa mẹ con đi trước khi gặp tôi.
Trong cuộc gặp đầu tiên, bác đã thoải mái với việc tôi sẽ làm Ngày xưa có một chuyện tình. Có lẽ vì bác nghĩ tôi là một người rất tình cảm, phù hợp để làm bộ phim này.
* Đây là lần đầu tiên trong một phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh có các đoạn kể về tình dục. Anh đưa tình dục vào phim như thế nào?
- Ngay từ lần đầu gặp nhà sản xuất, tôi đã nói đây là lần đầu tiên trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh tình yêu được phản ánh không chỉ là nên thơ, chờ đợi mà thể hiện sự trưởng thành rất rõ ràng với hai cảnh được nhà văn miêu tả rõ ràng trong truyện.
Đó là hai cảnh nhân vật đắm chìm trong tình yêu để khám phá và hiểu hơn về nó. Tôi nói rằng hai cảnh này là điều tôi muốn nhấn mạnh trong bộ phim. Và đó cũng là điểm khác biệt giữa bộ phim này với những bộ phim khác chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
* Anh có phải tiết chế gì trong các cảnh tình dục không, bởi độc giả và khán giả của "vũ trụ Nguyễn Nhật Ánh" nhiều người còn khá trẻ, dù phim đã dán nhãn T16?
- Sự gợi cảm của hai cảnh này nằm ở chỗ hai nhân vật bắt đầu khám phá cơ thể của nhau thay vì là phần sau. Đó là cách tôi tiếp cận. Hai cảnh này trong phim có sự tương phản rất rõ.
Một cảnh ở thời tuổi trẻ, trong một không gian mở, xung quanh là đồi bắp, bên ngoài mưa gió dữ dội và có rất nhiều bất ổn. Nhưng họ đến với nhau rất mãnh liệt, như thể trao cho nhau cả tuổi trẻ trong giây phút cuối cùng.
Còn cảnh thứ hai thì khác hẳn, tôi không thể tiết lộ do chưa xuất hiện trong trailer. Cảnh này có sự ấm áp, nhẹ nhàng, họ đến với nhau vừa bình thản, vừa nồng nàn.
Tôn trọng nguyên tác Ngày xưa có một chuyện tìnhở mức cao nhất
* Thay đổi lớn nhất của anh trong bộ phim so với truyện là gì?
- Trong tác phẩm gốc, dòng suy nghĩ của nhân vật rất phức tạp. Họ miên man giữa những dòng suy nghĩ: thế nào là hạnh phúc, thế nào là tình yêu, giữa được và mất, giữa hy sinh hay những vấn đề liên quan đến đạo đức...
Nhưng điện ảnh thì mình không thể đi vào những dòng suy nghĩ như vậy. Tất cả được thể hiện bằng những sự kiện, nhân vật phải lựa chọn, hành động và tương tác với nhau.
* Với Mắt biếc, đạo diễn Victor Vũ chọn thay đổi so với nguyên tác ở một tình tiết cuối phim, khi Hà Lan chạy theo chuyến tàu chở Ngạn. Còn ở Ngày xưa có một chuyện tình, anh có thay đổi nào tương tự vậy không?
- Chúng tôi tôn trọng nguyên tác ở mức cao nhất có thể. Tinh thần và thông điệp của tác phẩm luôn là như vậy, các nhân vật vẫn là như vậy, chỉ có sự chủ động của họ cao hơn trong nguyên tác thôi.
* Có một số nhà làm phim quan niệm không nên dùng từ "chuyển thể" - thiên về kỳ vọng phim ảnh phải trung thành với nguyên tác, mà nên dùng từ "phim cải biên" để nhấn mạnh quyền được cải biên, sáng tạo của nhà làm phim. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ cũng công bằng khi có một bộ phận khán giả là fan của truyện nên họ muốn bộ phim trung thành với nguyên tác.
Tôi luôn cố gắng đối thoại với đối tượng khán giả này. Nhưng cũng có một bộ phận khán giả chưa đọc truyện, hoặc đọc rồi mà tạm quên truyện đi để xem phim, thì tôi cũng sẵn sàng đối thoại với họ. Tôi hoàn toàn tự tin với hai nhóm khán giả.
Khán giả "đọc" bộ phim, đạo diễn không nên can thiệp
* Có những đạo diễn, nhà sản xuất trong thời gian qua lên tiếng tranh luận tay đôi với nhà phê bình khi phim bị chê. Còn anh chọn cách ứng xử như thế nào?
- Tôi thuộc dạng khác. Tôi không cố tìm các bình luận để đọc nếu không có ai gửi cho mình.
Nhưng có đọc thì tôi cũng chỉ mỉm cười, đôi lúc hơi đau lòng một chút nhưng mình chọn cách đứng từ xa quan sát, trừ khi đó là một cuộc giao lưu hoặc nhà báo hỏi. Bởi tôi biết đứa con của mình nó phải tự lớn, tự trưởng thành và có đời sống riêng của nó.
Khán giả có quyền "đọc" bộ phim theo cách của họ. Đạo diễn không nên can thiệp vào điều đó.
* Anh vừa là nhà làm phim - tư cách nghệ sĩ, và lại là giảng viên đại học, nhà đào tạo về điện ảnh. Hai vai trò này của anh có bao giờ đối chọi lẫn nhau khi anh nhìn vào một bộ phim hay thị trường điện ảnh?
- Là người làm ngành giáo dục, tôi quan niệm cần mở ra cho sinh viên nhiều thứ để các bạn tự chọn. Tôi không áp đặt quan điểm của mình cho các bạn. Tôi giới thiệu với các bạn quan điểm làm phim của mình và của nhiều người khác.
Tôi giới thiệu về quy trình sản xuất chuẩn nhưng nói thêm rằng khi ra ngoài sẽ luôn có những thay đổi tùy thuộc vào văn hóa của mỗi đoàn phim.
Điều quan trọng của người làm giáo dục là phải công bằng với người học. Về những gì đang diễn ra và những tác phẩm trong thị trường điện ảnh, tôi luôn mở ra để sinh viên tiếp cận và có quan điểm riêng.
Còn về mặt làm phim, tôi luôn có trách nhiệm phải giúp sinh viên nhận ra và điều chỉnh những gì không ổn.
Điểm đặc biệt là có nhiều phong cách làm phim khác nhau, tôi có thể thấy không ổn thì vẫn luôn khuyến khích các bạn làm ra những gì các bạn mong muốn, nhưng vẫn phải theo những quy chuẩn chứ không phải là thiếu quy trình tương tác.
Trịnh Đình Lê Minh sinh năm 1986. Anh học điện ảnh ở Việt Nam rồi học tiếp sản xuất phim tại Đại học Texas - Austin (Mỹ).
Hiện anh giảng dạy chuyên ngành nghệ thuật và truyền thông tại Đại học Fulbright Việt Nam.
Trịnh Đình Lê Minh là đạo diễn các phim Thưa mẹ con đi (giải Phim truyện xuất sắc nhất tại LHP Reeling 2020, giải Khán giả tại LHP Toronto Reel Asian và LHP Philadelphia Asian American 2020...);
Bằng chứng vô hình (giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 2021);
Ngày xưa có một chuyện tình (phim dài Việt Nam duy nhất tranh giải tại LHP quốc tế Hà Nội năm nay).
Trịnh Đình Lê Minh còn là tác giả hai cuốn sách Mười bí quyết hình ảnh và Khi đạo diễn trẻ già dặn.
Anh là giảng viên có tiếng trong giới đào tạo điện ảnh tại Việt Nam và là giám khảo của nhiều cuộc thi làm phim uy tín.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận