Nhóm nghiên cứu đã trích xuất DNA từ mẩu da lấy phía sau tai của con voi ma mút lông xoăn (Mammuthus primigenius). Họ sử dụng phương pháp gọi là Kỹ thuật thu thập hình thái nhiễm sắc thể thông lượng cao (Hi-C), cho phép phát hiện các phần DNA nằm gần nhau trong các mẩu hiện đại và điều chỉnh để sử dụng trên mẩu cổ đại.
Theo trang ScienceAlert ngày 12-7, nhờ kỹ thuật độc đáo này, lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được voi ma mút lông xoăn có 28 cặp nhiễm sắc thể, tương tự voi hiện đại. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể đếm được số lượng nhiễm sắc thể của một động vật đã tuyệt chủng từ rất lâu.
Nghiên cứu cũng tiết lộ "cách chính xác các nhiễm sắc thể đó gấp thành 3 chiều trong nhân tế bào da của voi ma mút".
"Điều này rất thú vị vì chúng ta biết rằng cách các nhiễm sắc thể gấp lại có liên quan rất lớn đến chức năng tế bào", đồng tác giả Olga Dudchenko, làm việc tại khoa di truyền học của Đại học Y Baylor (Mỹ), cho biết.
Những con voi ma mút lông xoăn cuối cùng trên Trái đất đã chết cách đây khoảng 4.000 năm. Các nhà khoa học phải lần theo những dấu vết chúng để lại để hiểu về cuộc sống và lịch sử của loài động vật này.
May mắn là chúng sống trong môi trường lạnh giá nên nhiều thứ được bảo quản tốt. Mẩu da voi ma mút lông xoăn nói trên được phát hiện ở vùng lãnh nguyên Siberia vào năm 2018.
Nhiễm sắc thể từ hóa thạch voi ma mút là một bước ngoặt lớn vì việc biết được hình dạng nhiễm sắc thể của một sinh vật có thể giúp lắp ráp toàn bộ chuỗi DNA của các sinh vật đã tuyệt chủng. "Điều này cho phép chúng ta hiểu biết về những điều trước đây không thể nào biết được", tác giả Dudchenko nói thêm.
Bằng cách so sánh hoạt động gene của voi ma mút lông xoăn với một con voi ngày nay, các nhà khoa học có thể xác định những điểm khác biệt trong gene, từ đó thúc đẩy nỗ lực phục hồi loài động vật đã tuyệt chủng này.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận