01/09/2020 22:03 GMT+7

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Rất nhiều tư liệu là văn bản của cơ quan nhà nước trong sưu tập lưu trữ quốc gia cũng như tư liệu từ các cá nhân lần đầu tiên được trưng bày tới công chúng, hé lộ nhiều câu chuyện thú vị về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy.

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 1.

Đại biểu từ gia đình các tác giả quốc kỳ, quốc huy, quốc ca tham quan triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

Gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ Trung tâm lưu trữ quốc gia III và một số tài liệu do gia đình các tác giả, các cơ quan, cá nhân cung cấp thể hiện quá trình sáng tác quốc kỳ, quốc ca, quốc huy Việt Nam, cũng như những lần chỉnh sửa, những câu chuyện chưa kể về các sáng tác đặc biệt này đang được giới thiệu tới công chúng tại thủ đô Hà Nội trong triển lãm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam.

Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khai mạc ngày 1-9 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III (34 Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội).

Tại buổi khai mạc triển lãm sáng 1-9, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Việt Hoa - giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia III - cho biết đây là lần đầu tiên các tư liệu lưu trữ quốc gia về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy cùng những tư liệu quý của gia đình các tác giả được giới thiệu tới công chúng.

Không chỉ có tư liệu từ các gia đình về quá trình các tác giả sáng tác quốc ca, quốc huy, mà còn có tư liệu quý từ các văn bản của cơ quan nhà nước cho thấy những câu chuyện thú vị của lịch sử như việc chỉnh sửa vài từ trong quốc ca, chỉnh sửa hình dáng ngôi sao vàng trong quốc kỳ, hay những văn bản về cuộc vận động sáng tác quốc ca mới…

Nhiều công chúng trẻ sẽ ngạc nhiên khi biết lời quốc ca từ khi họ được nghe thực ra vào năm 1955 đã được Quốc hội thông qua việc chỉnh sửa vài từ (6 từ) so với bản thảo mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết năm 1944.

Cũng liên quan đến quốc ca, công chúng được hiểu rõ hơn về câu chuyện một giai đoạn nước ta từng vận động sáng tác quốc ca mới, khi được tận mắt nhìn bản thông báo viết tay của ban vận động sáng tác quốc ca mới, báo cáo về việc chọn 17 tác phẩm vào vòng 3 của cuộc thi sáng tác quốc ca mới để xin ý kiến nhân dân bình chọn quốc ca mới.

Trong số 17 ca khúc vào vòng 3, có những cái tên quen thuộc như: Huy Du, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Nguyễn Trọng Tạo…

Công chúng trẻ cũng ngạc nhiên khi biết quốc kỳ quen thuộc hiện nay thực ra đã được chỉnh sửa hình ngôi sao năm cánh. Năm 1955 không chỉ sửa một số từ trong lời quốc ca mà còn sửa quốc kỳ theo hướng "những cánh sao vàng từ nay không làm theo đường cong như trước mà làm theo đường thẳng…".

Và những câu chuyện thú vị như: trong vòng 8 ngày, bắt đầu từ 7h ngày 28-1-1973 đến hết ngày 4-2-1973, toàn miền Bắc Việt Nam đồng loạt treo cờ Tổ quốc để chào mừng thắng lợi của quân và dân ta những ngày trước đó và chào mừng thắng lợi trong việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, theo văn bản từ Phủ Thủ tướng được trưng bày.

Không chỉ treo cờ nhiều ngày mừng chiến thắng của đất nước mà chúng ta còn từng treo quốc kỳ ở Hà Nội, Hải Phòng trong 3 ngày kể từ ngày 5-12-1975 để chào mừng thắng lợi của Cách mạng Lào.

Riêng về quốc kỳ Việt Nam thì còn ít tư liệu. Đáng tiếc rằng hiện vẫn chưa có tài liệu lưu trữ nào chỉ ra chính xác tác giả của quốc kỳ Việt Nam.

Tuy vậy, Trung tâm lưu trữ quốc gia III đã mời người thân của cố họa sĩ, liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến như là đại diện của tác giả quốc kỳ Việt Nam đến dự khai mạc triển lãm.

Về quốc huy, triển lãm cũng trưng bày những tư liệu lưu trữ từ văn bản của các cơ quan nhà nước cũng như của gia đình để chính thức công nhận tác giả của quốc huy Việt Nam chính là cố họa sĩ Bùi Trang Chước chứ không phải cố họa sĩ Trần Văn Cẩn như nhầm lẫn suốt gần nửa thế kỷ trước đây.

Triển lãm kéo dài tới tháng 11.

Một số hình ảnh tư liệu quý được giới thiệu tại triển lãm:

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 2.

Bản thảo bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: T.ĐIỂU

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 3.

Công văn của Phủ Thủ tướng về việc treo quốc kỳ trong 8 ngày từ 28-1 đến 4-2-1973 mừng chiến thắng - Ảnh: T.ĐIỂU

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 4.

Bản thảo quốc huy trình tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa I tháng 9-1955 cho thấy đó chính là mẫu do họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tác - Ảnh: T.ĐIỂU

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 5.

Triển lãm tôn vinh họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả của quốc huy Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 6.

Các văn bản của Nhà nước công nhận quốc kỳ Việt Nam tháng 9-1945 và sửa quốc kỳ năm 1955 - Ảnh: T.ĐIỂU

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 7.

Thông báo viết tay của Ban vận động sáng tác quốc ca mới năm 1982, báo cáo về việc chọn 17 tác phẩm vào vòng 3 - Ảnh: T.ĐIỂU

Lần đầu hé lộ nhiều tư liệu quý về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy - Ảnh 8.

Lời bài hát quốc ca được Quốc hội thông qua năm 1955

Xem những hiện vật gốc về Ngày Độc lập 2-9 Xem những hiện vật gốc về Ngày Độc lập 2-9

TTO - Nhiều hiện vật gốc liên quan đến Ngày Độc lập 2-9 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia như Tuyên ngôn độc lập, micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, Hiến pháp năm 1946...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp