Diễn ra từ nay đến hết ngày 4-2-2024 tại Wiking Salon, triển lãm Giao biên trưng bày 36 tác phẩm của bốn họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Châu Giang, Dương Thùy Dương và Nguyễn Quốc Dũng.
Với chất liệu đa dạng: sơn dầu trên toan, màu nước và mực trên lụa, màu nước và chì than trên giấy, các tác phẩm được sắp xếp thành một chuỗi hành trình khám phá góc nhìn của từng họa sĩ về những cuộc "giao biên" đáng suy ngẫm giữa xã hội chênh vênh đương thời.
Cuộc 'Giao biên' tìm về nội tại
Với nghệ sĩ sắp đặt, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng, đó là hành trình tìm về những cảm xúc nguyên sơ của người nghệ sĩ khi đứng trước thiên nhiên và đối thoại với chính mình.
Sau những tác phẩm sắp đặt thị giác ấn tượng với kích thước khổng lồ về chủ đề di cư và bình đẳng giới, giai đoạn này, Nguyễn Thúy Hằng lại tìm về đam mê ban đầu là hội họa.
Chị đã thực sự trải nghiệm hành trình lữ khách đến nhiều vùng đất mới, đến tận vùng đồng cỏ hoang dã ở Yorkshire nơi nữ nhà văn Emily Brontë viết Đồi gió hú để cảm nhận thiên nhiên dữ dội, đất trời mênh mông...
Vẽ cho chị có được những trải nghiệm nội tâm tĩnh lặng và sâu sắc về sự đồng điệu, tịch liêu của con người trước vĩ đại thiên nhiên.
"Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nên luôn khao khát khám phá thiên nhiên. Giao biên có thể là hành trình khám phá vùng đất mới, cũng là vượt ra khỏi vùng an toàn để tìm về nơi an trú trong tâm tưởng", Nguyễn Thúy Hằng bộc bạch.
Các sáng tác của họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang lại mang đến vẻ đẹp dịu dàng và đầy chiêm nghiệm về chu kỳ cuộc đời qua lăng kính của người phụ nữ. Họ vừa mang vẻ đẹp đằm thắm Á Đông, vừa có nội tâm phóng khoáng, cởi mở và đầy tự do trong đời sống hiện đại.
Họa sĩ tâm sự giai đoạn đầu vẽ lụa, chị cũng lấy cảm hứng từ thanh xuân và già nua, nhưng kèm theo đó là xót xa tiếc nuối khi tuổi trẻ qua đi và cả những mâu thuẫn giữa hai thế hệ.
Trải qua nhiều biến cố, tinh thần trong tranh chị trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, biết chấp nhận và nhìn đời bao dung hơn.
"Tôi cũng muốn nói khi đối diện tuổi già và cái chết, chúng ta không có gì phải lo lắng sợ hãi. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã sống một đời sống thật phong phú và ý nghĩa. Tinh thần đó sẽ giúp vẻ đẹp của chúng ta trở nên vĩnh cửu", Châu Giang nhắn nhủ.
Và những 'Giao biên' trước xã hội đương thời
Hơn 20 năm sống ở nước ngoài, những trăn trở về bản sắc, sự định danh của mỗi người trước bối cảnh và những thay đổi liên tục của xã hội luôn thu hút họa sĩ Dương Thùy Dương.
Chị mang đến triển lãm những hình đại diện (avatar) mô phỏng sự đa diện của mỗi người khi đứng trước lựa chọn đâu sẽ là "cái tôi hoàn hảo" cho mình trong môi trường sống hiện đại, nhất là trên thế giới ảo.
Những tấm gương sắp đặt xen lẫn giữa các bức avatar bỗng chốc xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, khiến người xem phải dừng chân soi vào và tự hỏi, đâu là chính mình?
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng luôn tâm huyết với góc nhìn về đời sống thường nhật của những thân phận bị gạt ra bên lề xã hội hiện đại.
Anh theo đuổi hai chủ đề chính về đời sống của người chuyển giới và gần đây là người nhập cư. Tác phẩm của anh là lăng kính tái hiện trực diện đời sống của những người nhập cư nghèo khó ở những khu trọ nhỏ chật chội, nơi mọi nhu cầu và cả giấc mơ đều bị đóng khung.
"Tôi ở vùng ven quận 12, nơi mở cửa là thấy ngay đời sống của hàng ngàn người nhập cư. Họ đã đến và đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của thành phố, gửi gắm giấc mơ vào tương lai tốt đẹp hơn, nhưng cuộc sống của họ lại thường bị ngó lơ", họa sĩ Quốc Dũng bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận